Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú:

Chúng ta đang tự hại nhau

07:00 | 19/11/2014

1,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay chúng ta không điều hành được giá cả thị trường, người tiêu dùng bị thiệt khi mua giá cao vời vợi mà nhà sản xuất cũng không được gì. Sở dĩ có điều đó là do kiểu mua bán ở Việt Nam hoàn toàn là “mua đứt, bán đoạn”. Người bán hàng tự quyết định giá nên giá cả hỗn loạn và không quản lý được. PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội về câu chuyện làm thế nào để bình ổn giá để người dân không bị móc túi và hàng Việt có sức cạnh tranh hơn.

Năng lượng Mới số 375

Kiểm toán sẽ giảm giá ngay

PV: Giá xăng giảm liên tiếp, nhưng giá các mặt hàng giảm không đáng kể, vì sao vậy, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Có vài lý do khiến giá cả các mặt hàng chưa giảm được. Thứ nhất là vì bản thân ngành vận tải hàng hóa vẫn giữ nguyên giá với những lý do rất phi lý. Thứ hai là các cơ quan chức năng chỉ mới có công văn nhắc nhở về giá sữa, giá vận tải. Đó là những động tác chưa đủ mạnh. Theo tôi phải đưa kiểm toán vào cuộc ngay, “bóc” ra xem mỗi thứ chiếm bao nhiêu phần trăm tổng giá cả hàng hóa.

Một vấn đề nữa là chuyện ghìm giữ giá trong hàng hóa hiện nay đang rất lớn. Hệ thống phân phối kém (thực chất giá xăng chỉ chiếm 30% trong cấu thành giảm giá). Ví như vừa rồi cà chua ở Lâm Đồng có 1-2 nghìn/kg nhưng ở Hà Nội hầu hết các bà nội trợ phải mua 12-15 nghìn/kg, thanh long trong kia phải ném cho bò ăn thì Hà Nội phải mua giá 32,5 nghìn/kg. Bí đỏ ở Bắc Giang xếp la liệt dọc đường không ai mua, mang về đây bán 3-4 nghìn/kg, đường nhà máy 12 nghìn/kg trong khi đó siêu thị vẫn bán 21-22 nghìn/kg. Hôm qua tôi nghe thông tin nói rằng, đường xuất khẩu chỉ 11,6 nghìn/kg qua biên giới Trung Quốc. Như thế thì người tiêu dùng nội địa phải chịu đắt gấp 2 lần giá đường quốc tế, gạo cũng thế, xuất khẩu còn rẻ hơn trong nước.

Ông Vũ Vinh Phú

PV: Sao lại có nghịch lý này, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Nếu siêu thị đặt vấn đề mua hàng thẳng với nhà sản xuất thì họ sẽ không bán mà phải đi qua các đại lý, bạn nên nhớ 3 cấp đại lý phân phối trên toàn quốc, đại lý vùng, tỉnh, mỗi ông đại lý cộng 15% thì giá đường lên 21 nghìn là đúng. Thậm chí ông Đoàn Nguyên Đức ở Gia Lai làm mía ở Lào 5 nghìn/kg nhưng không cho nhập về. Đấy là sự thao túng giá của những nhóm lợi ích đang xâu xé giá cả. Giá sữa, gas… tất cả đều qua khâu trung gian hết nên phải chịu chi phí cao. Tất cả những điều đó rất nguy hại cho hàng tiêu dùng trong nước.

Một vấn đề nữa là do con người. Tôi thường xuyên đi chợ và siêu thị. Ở chợ, bà tiểu thương nói thế này: Tôi bán ít nên phải đẩy giá lên một tí, chẳng hạn tôi bán 1 cân hành nhưng giờ ngày chỉ bán được 5 lạng, ông mua 1 nghìn hành tôi không bán mà phải 2 nghìn… Ai cấm được họ và buộc họ phải bán đúng giá?

PV: Rõ ràng tình trạng này đã tồn tại khá lâu, chẳng lẽ không có cách gì khắc phục thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Các bạn nên nhớ lại Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, đó là phê duyệt đề án tổ chức thị trường trong nước do Bộ Công Thương đề xuất nhưng chúng ta không thực hiện. Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đầu nguồn các mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá bán lẻ và chất lượng hàng hóa. Mặt hàng thiết yếu là gì? Là đường, gas, xăng, dầu ăn… Nhưng hiện nay kiểu mua bán ở Việt Nam hoàn toàn là “mua đứt, bán đoạn”. Tùy người mua hàng sẽ quyết định giá nên giá cả hỗn loạn và không quản lý được. Người tiêu dùng bị thiệt khi mua giá cao vời vợi và người sản xuất cũng không được gì. Ở Thái Lan quy định thế này, khi bán 1kg đường ở khâu bán lẻ thì người trồng mía được lợi 70%, những thứ còn lại chỉ được hưởng 30% thôi. Bán sữa cho trẻ em chỉ lợi nhuận 5%.

Chúng ta chưa có luật bán lẻ, chỉ có luật khung, luật ống một cách chung chung thôi, hô hào là chính. Nhà nước cũng không có lực lượng mà quản lý. Thị trường tự do quyết định hàng hóa, không phải là thị trường có tổ chức. Như Hà Nội sau khi sát nhập Hà Tây vào thì siêu thị chỉ chiếm 13%, như thế 87% là thị trường tự do. Bình ổn giá thị trường Hà Nội 200 tỉ là cái gì trong khi tiêu dùng mỗi ngày đã 5.000 tỉ? Và nếu  không có lực lượng chiếm 60% thì đừng nói là áp đảo giá. Câu chuyện bình ổn cung cầu trong dịp lễ, tết đó chỉ là lý thuyết.

Lực lượng là quan trọng, liên kết cung cầu là quan trọng, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ là quan trọng. Tập đoàn Wallmart, lý thuyết cạnh tranh của họ là “Đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ với ma sát bằng không” tức là chi phí bằng không, chúng ta thì làm ngược lại hết.  Anh không nắm được quỹ hàng hóa không thể điều hành được thị trường. ông Mác cách đây 200 năm có nói: Lưu thông không có dự trữ thì không gọi là lưu thông.

Người tiêu dùng bị móc túi

PV: Thế nhưng, có không ít lý do cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cao là vì vẫn còn độc quyền?

Ông Vũ Vinh Phú: Đất nước mình nghèo nhưng giá ôtô gấp 3 lần Hàn Quốc. Vậy làm sao cạnh tranh được? Thị trường trong nước bây giờ hỗn loạn là thế, thôi thì những cái lốp xe, đôi dép có sao thì kệ nó, nhưng những mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá… đều bị thao túng giá là rất nguy. Thậm chí, có thống kê rằng, thuốc phải qua 7 “cầu” mới đến người tiêu dùng. Như thế khác gì móc túi người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta không điều hành được giá cả thị trường vì chúng ta không có lực lượng, hệ thống phân phối rối loạn, không có “nhạc trưởng” chỉ huy. Mình không thể bắt người ta bán quả chanh với giá 1 nghìn đồng được, cái chính là anh phải tạo cơ hội làm sao đưa nhiều chanh về giá cung cầu sẽ rẻ đi. Hồi tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, dành hẳn 1000m2 chợ Đồng Xuân cho Thái Bình, Hưng Yên đưa ngao, quýt về, lập tức chợ Đồng Xuân im lặng không lên giá được. Điều hành là phải bắt tay vào việc thế chứ  toàn nói miệng chứ không có tổ chức thực hiện thì chỉ vô bổ mà thôi.

PV: Vậy là thực hiện được việc này không quá khó, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Không khó nhưng không ai làm. Tôi nói đến vai trò của tổng công ty Nhà nước. Hiện nay, tổng công ty thương mại chiếm 3% doanh số ngành hàng, thế thì làm gì được? Quỹ bình ổn giá chỉ chiếm có 5% làm sao khống chế được thị trường. Cái gốc là vấn đề quản lý, đừng ngăn sông cấm chợ để lưu thông thông suốt. Tôi đã từng ngồi một xe tôm ở Thái Bình lên đây có tới 3 trạm kiểm soát. Mỗi trạm biếu 500 nghìn là giá tôm từ 90 nghìn lên 130 nghìn ngay. Nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm cho người sản xuất, người tiêu dùng “chết” còn họ chả việc gì cả. Người sản xuất bị đội giá trong khi người tiêu dùng phải chịu giá cao là nghịch lý hàng chục năm nay chưa giải quyết được.

PV: Vậy theo ông, chúng ta phải có biện pháp gì để có thể điều hành được thị trường, đưa các mặt hàng trở về đúng với giá trị của nó?

Ông Vũ Vinh Phú: Phải đẩy sản xuất trong nước lên. Đấy là gốc. Phải đưa các tổng công ty thương mại có thế lực trở thành tập đoàn thương mại lớn về bán buôn, bán lẻ. Lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả, lấy hệ thống phân phối áp đảo hệ thống phân phối. Và phải làm dài lâu, trường kỳ mới ra vấn đề. Ngay một lúc, một sớm một chiều thì phải chịu trận vài năm nữa. Các biện pháp này phải đồng bộ, kiên quyết và có lịch trình cụ thể. Làm kinh tế chủ yếu phải làm bằng các biện pháp kinh tế. Khi muốn trấn áp mặt trái của kinh tế phải dùng kinh tế làm là chính. Đặc biệt phải mở rộng hệ thống siêu thị tới tận các vùng, miền, để người dân có thể mua hàng với giá cả rẻ nhất.

Chúng ta đang quản lý từ “ngọn”

PV: Nhưng hiện nay, kênh mua hàng được cho là an toàn như siêu thị cũng không khiến người dân yên tâm. Đã từng có vấn đề về chất lượng, giá cả diễn ra ở không ít siêu thị, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Không loại trừ trong siêu thị có tiêu cực nhưng tôi xin nói: Chủ yếu hiện nay ta đang quản lý từ “ngọn” mà không quản lý từ hàng nhập và hàng sản xuất. Phải quản từ trang trại rằng một con lợn nuôi trong bao lâu, quản lý từ đấy thôi còn ra chợ bao nhiêu thì kệ nó. Nhưng ở đây anh lại đi kiểm soát ở khâu bán lẻ nên không quản lý được chất lượng. Tuy nói siêu thị có tiêu cực nhưng ít ra nó còn tử tế hơn thị trường bên ngoài nhiều. Ví dụ khi mua nấm ở siêu thị, nấm đó mốc, héo trong quầy thì siêu thị chịu trách nhiệm chứ nó không mốc, hạn nguyên vẹn siêu thị không chịu trách nhiệm.

Quay trở lại, vấn đề vẫn là quản lý từ sản xuất và nhập khẩu. Phải quản lý từ trang trại, chu kỳ sản xuất rất dài, phải quản lý sạch thành tiêu chuẩn Việt GAP còn nó ra đâu thị trường mặc nó. Ở đây đang kiểm soát từ khâu bán lẻ chứ không phải khâu sản xuất. Chính nguyên nhân đó làm cho an toàn thị trường thực phẩm không đảm bảo.

Điều thứ hai đáng nói là chi phí cho bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam chỉ bằng 1/36 Thái Lan và 1/136 Mỹ thì làm gì có ATTP. Nước, không khí hít vào toàn bụi thì sao có rau sạch, thịt sạch được? Ngay nước máy chúng ta đang dùng cũng là bẩn thì sao có thực phẩm sạch? Đây là câu chuyện vĩ mô. 

Chúng ta ít quan tâm đến thị trường nội địa, vệ sinh ATTP. Biên giới mở toang cho mỗi người được mang một số hàng hóa không tính thuế thì làm gì mà hàng hóa không có chất lượng chả chui về Việt Nam? Đấy là tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng. Hình thức quản lý cũng kém vô cùng. Anh hải quan cầm bịch táo ở chợ Bình Điền biên giới Tây Nam chưa kịp đưa vào xét nghiệm thì toàn bộ xe chở táo đã ra đến chợ đầu mối phân tán đi các chợ nhỏ rồi. Cách quản lý từ “ngọn” thế thì sao có vệ sinh ATTP để bảo vệ cái bụng của nhân dân. Cả nước chẳng có trung tâm kiểm nghiệm nào ra hồn cả. Nhiều cái phải gửi đi Singapore kiểm nghiệm 1 tuần mới có kết quả, chỉ tốn phí.

Tôi sang chợ Si-Mum-Muang ở Bangkok, Thái Lan cách Bangkok 8km, họ có một phòng kiểm nghiệm 200m2, 12 kỹ sư sinh vật học lấy mẫu bất kỳ trong đống hàng đó rồi cho vào thí nghiệm nếu có thuốc bảo vệ thực vật trong đó, họ nghiền toàn bộ và cho vào phân bón. Họ làm đến mức thế. Trong khi đó 1 vạn tiểu thương Hà Nội, có lực lượng nào kiểm soát nổi không?

 

PV: Quả thực, hầu hết các mặt hàng ở nước ta ít được kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Và trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý?

Ông Vũ Vinh Phú: Thực ra, các cơ quan có kiểm tra nhưng làm không hết. Như ở Hà Nội với số lượng cán bộ quản lý  thị trường thì ước tính sau 7 năm họ mới quay lại một bà tiểu thương ấy kiểm tra một lần, còn lại 6 năm bao nhiêu tháng đó bà tiểu thương này làm gì không ai biết. Thế nên, cách của chúng ta là “bắt cóc bỏ đĩa” thôi. Đấy là chưa nói đến đội ngũ kiểm tra tha hóa bảo kê cho các cơ sở này.

Người tiêu dùng hiện nay như đang lạc trong ma trận tiêu dùng, không biết đâu hàng nội, hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan, hàng rởm…

PV: Ông có cho rằng giá hàng trong nước đẩy cao lên đã tạo điều kiện cho hàng lậu tràn vào không?

Ông Vũ Vinh Phú: Bây giờ vẫn đang ở con số 80% hàng Việt Nam nhưng nguy cơ xuống 60% là cầm chắc. Sang năm hàng hóa 55 nước sẽ vào Việt Nam với thuế suất bằng 0% thì phải cạnh tranh thôi. Hàng Việt Nam không vươn lên cải tiến mẫu mã 10 năm vẫn đôi dép nhựa thế thôi làm sao cạnh tranh được? Người ta dệt mỗi phút 5 đôi tất, mình dệt có 1 chiếc cũng chưa xong.

Câu chuyện của Việt Nam tôi đã nói trong Hội nghị của Bộ Công Thương rằng: Hàng Việt Nam muốn đứng vững được thì người sản xuất phải cải tiến mẫu mã, đầu tư chiều sâu đưa năng suất lao động lên giảm giá thành, tổ chức tốt hệ thống phân phối nhất là thị trường nông thôn đang trống vắng. Hôm trước ở chợ Đồng Xuân vừa họp, bà tiểu thương có cái hòm để 20 đôi giày thì ông da giày Hà Nội bảo không được, bà ấy phải nhận 200 đôi nếu không tôi không giao nữa. Đấy, hàng Việt Nam ép nhau thế đấy. Tại sao không giao 20 đôi như Trung Quốc? Trung Quốc sẽ bảo bà cứ bán đi, 15 đôi tôi cũng cho bà nhập, bán hàng không hết còn được đổi lại.

PV: Nói như vậy có nghĩa là khâu tiếp thị và liên kết hệ thống phân phối của chúng ta kém?

Ông Vũ Vinh Phú: Nhiều bà tiểu thương ở chợ Đồng Xuân bảo: “3 năm nay tôi chẳng thấy các ông ấy đến”, thì làm sao không bán hàng Trung Quốc? Chợ Đồng Xuân là chỗ phát luồng bán buôn lớn nhất miền Bắc, chúng ta không tận dụng mà toàn bán ở đâu đâu.

Hay chuyện hàng Việt Nam đưa sang Mỹ, chai nước mắm người ta để trong tủ lạnh nên chỉ cần 10ml thôi chứ làm chai đến nửa lít thì sao bán được. Hay cố làm kỳ công cái nắp tới khi cắn răng cậy mãi cũng không ra. Hàng Việt Nam như thế đấy. Thích làm kiểu mũi tên đi xuống. Ban đầu thử thấy rất đẹp, rất tốt nhưng khi bán chạy rồi thì bắt đầu làm ăn “ma giáo”. Hàng Việt Nam có nguy cơ bị thôn tính ngay trên sân nhà về năng suất, bán buôn, bán lẻ, gắn kết các chi phí, vận chuyển. Vừa rồi việc dùng hàng Việt Nam đánh giá chỉ là phong trào chứ chưa có chiến lược về hàng Việt Nam, chiến lược tiếp thị, phân phối, sự liên kết không có. Đừng khuyên người tiêu dùng yêu nước một cách duy ý chí, ngộ nhận mà hãy vươn lên bằng chất lượng và giá cả. Theo tôi, đã đến lúc dừng những lời khuyên sáo rỗng hãy dừng lại mà chứng minh bằng thực tiễn.

PV: Các siêu thị đang có nguy cơ bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài, đây là phải là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Metro vào nhưng không phải chỉ bán hàng Thái Lan mà thị trường sẽ quyết định cơ cấu hàng Việt hay hàng Thái ở trong Metro. Anh phải biết người tiêu dùng cần gì. Bây giờ không phải cứ bày hàng ra bán và khuyến mãi người ta mua đâu mà vấn đề là chi phí quan hệ, mối quan hệ bền vững. Hiện nay chúng ta không có điều này. Ba người Việt Nam chui xuống hố không đậy nắp không lên được nhưng ba ông tây chui xuống đậy nắp bê tông vẫn lên tốt. Sự cấu kết của Việt Nam rất kém, nó là bản chất của lũy tre làng, của kinh tế tiểu nông. Làm ăn chộp giựt, đâu lợi thì lao vào còn không vứt bỏ, chả bạn bè gì hết, kể cả công nghiệp sản xuất hay thương mại hiện nay đều thế. Nó ở tất cả các lĩnh vực. 

Hàn Quốc đánh bật Walmart ra khỏi đất nước. Tòa nhà 65 tầng bên Lotte dựng lên, khách ở Daewoo về bên đó hết, Lico của Nhật ở Kim Liên toàn bộ khách Nhật phải đến đó ở nhưng người Việt Nam tìm khách sạn tốt nhất thì ở. Bản chất khác hẳn nhau. Người Việt làm ăn rất lanh lợi, láu cá nhưng hay phá vỡ. Vì thế nên Hàn Quốc 30 năm tiến lên thành con rồng trong khi Việt Nam 30 năm chỉ làm được cái “ốc vít” người ta không nhận. Samsung tập trung 127 nhà đối tác để làm công nghiệp phụ trợ thì Việt Nam chỉ có một ông làm bao bì thôi. Chúng ta không tận dụng được cơ hội, 30 năm không làm nổi cái ốc vít thì làm gì được? Mải mê công nghiệp tàu thủy, ôtô rồi tiêu tan vào nó trong khi kinh tế nông nghiệp là tiềm năng của mình thì không đầu tư.

Đất nước Việt Nam theo tôi phải đi lên từ kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp. Nấm kim chi của Hàn Quốc xuất khẩu mỗi năm 1 tỉ đôla chưa trong khi chúng ta hàng tỉ tấn rơm đốt cháy ruộng đồng chứ có làm gì đâu? Thế mạnh có đấy nhưng chúng ta lại tiêu  tốn hàng tỉ vào đâu đâu mà cái cần thiết lại chả đi nghiên cứu. Mỗi năm xuất hiện 150 nghìn người ung thư, 75 nghìn người chết rồi tai nạn giao thông gấp 5 lần nữa nhưng mới có 1-2 cái Ebola lại ầm lên trong khi mỗi ngày có 30 người chết, 30 người bị thương lại chẳng thấy ai ý kiến mấy. Chúng ta tự hại nhau thôi chứ không phải do ai cả đâu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thái Linh - Thanh Huyền

(thực hiện)