Người tiêu dùng 'tẩy chay' loại sữa tăng giá?

09:14 | 25/04/2014

2,587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã hơn một tháng trôi qua mà vẫn chưa có kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sữa lớn nhất gồm: Mead Johnson, Nestlé VN, Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Friesland Campina Việt Nam và Công ty CP Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott về việc tuân thủ quy định tăng giá sữa. Mặc dù, trước đó các cơ quan liên ngành Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho rằng chỉ khoảng đầu tháng 4 là sẽ có kết quả. Sự chậm trễ này cho thấy nếu có một sự bất hợp lý trong tăng giá sữa của 5 doanh nghiệp được thanh tra trong thời gian qua thì người đầu tiên chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng.

Vắng hơn chùa bà Đanh!

Phố Hàng Buồm, nơi vẫn được xem là nhộn nhịp nhất nhì Hà Nội trong việc kinh doanh các sản phẩm sữa và liên quan đến sữa thì nay, phải nói rằng: vắng hơn chùa bà Đanh! Buồn tẻ! Người bán hàng ngồi ngáp ngắn ngáp dài vì chẳng có một khách hàng nào hỏi đến sữa. Trong khi sữa chồng sữa trên giá trưng bày, mặc dù lượng hàng đã giảm đi rất nhiều, nhất là từ thời điểm Tết đến giờ, cũng đúng là thời điểm các nhãn sữa (của 5 doanh nghiệp trên) đua nhau tăng giá.

nguoi tieu dung tay chay loai sua tang gia

Một cửa hàng bán sữa ở phố Hàng Buồm

Chủ cửa hàng Bích Hiền ở 15 Hàng Giày ngồi bán hàng với một chồng báo và tạp chí bên cạnh. Chị bảo: “Cả ngày ngồi bán hàng nhưng chỉ để đọc số báo này là chính. Bởi có khách đến mua hàng đâu, ngoại trừ một số ít mua lặt vặt bao thuốc lá, gói bánh, kẹo hoặc một số nhãn sữa có giá ổn định nhất…”.

Cảnh khách vắng còn hơn cả “chợ chiều” này theo chị thực ra đã kéo từ cuối năm ngoái đến giờ. Phần vì kinh tế khó khăn, phần chính vì sự tăng giá vô tội vạ của các hãng sữa đã làm người tiêu dùng mới đầu là nản, sau thì “tẩy chay” bằng cách đổi sản phẩm khác có giá bình ổn hơn để mua.

Chị chủ cửa hàng Bích Hiền vừa chỉ tay lên giá “ngập” sữa hộp, sữa lon vừa nói: “Hầu hết số hàng ở đây đều nhập từ năm ngoái, cứ bất di bất dịch nằm vậy, chỉ được sờ đến mỗi lần lau bụi. Không biết bao giờ mới bán được hết chỗ hàng này?”.

Và chủ yếu các nhãn sữa được bày ở cửa hàng Bích Hiền đều chính là của các doanh nghiệp đang phải thanh tra, trừ Vinamilk thì không có nhiều.

Như cửa hàng Bích Hiền, cửa hàng Bình Hà ở Hàng Buồm cũng thê thảm không kém, khác hẳn với trước đây. Nếu năm ngoái trở về trước, các sản phẩm sữa được bày bàn ở đây một cách phong phú, đủ các loại nhãn hàng thì giờ đây lèo tèo vài sản phẩm, thậm chí chủ cửa hàng phải thu gọn diện tích trưng bày để gian hàng đỡ nghèo nàn.

Người phụ nữ đứng bán hàng ở đây giọng chán nản cho biết: “Kinh tế đã khó khăn, các ông ấy (ý chỉ các hãng sữa) còn tăng giá làm gì để cho việc kinh doanh càng tồi tệ hơn trong thời buổi suy thoái này. Đây này, toàn hàng ế đấy có bán được đâu, kể cả sản phẩm “tên tuổi” như Friso Gold, Nan Pro, Nestle… May ra có một số sản phẩm bình ổn giá là còn có khách hỏi mua chứ các loại khác chán lắm”.

Tưởng như sôi động hơn so với Hàng Buồm là khu vực kinh doanh sữa ở Ngọc Hà do các nhãn sữa vẫn đủ loại, vẫn người ra, vào hỏi mua hàng. Nhưng thực tế theo người bán hàng ở cửa hàng 150 Ngọc Hà, việc giá sữa lúc nào cũng tăng mà chẳng thấy ổn định hay giảm giá đã khiến những người kinh doanh sữa lao đao, nhất là đối với những sản phẩm của các hãng lớn. Bởi do tâm lý “sính ngoại” và tư duy “đắt xắt ra miếng” mà thời gian trước, người tiêu dùng đổ xô đi mua những nhãn sữa được cho là nổi tiếng thế giới như thuộc dòng Abbott, Nestle, Mead Johnson, Frieslandcampina… đã khiến cho những nhà kinh doanh nhập một lượng lớn hàng đó về.

Thế nhưng sau đợt tăng giá cuối và đầu năm vừa rồi, người tiêu dùng đột ngột thay đổi tâm lý, tư duy: giảm mua hẳn những sản phẩm như vậy, quay sang lựa chọn những mặt hàng sữa có giá cả ổn định, kể cả trong nước. Vậy là làm cho số hàng đã nhập về của các cửa hàng tồn chồng chất.

Chẳng hạn, trước họ chọn Similac thì nay chuyển sang Physiolac; Hay đang dùng Pediasure thì sẽ thay bằng Kanny, cùng là loại sữa năng lượng cao… “Có thể việc tuyên truyền tăng giá một cách vô lối của một số hãng sữa đã tác động tới tâm lý người mua và khiến họ thay đổi trong cách tiêu dùng. Họ đã biết “phản kháng”, người bán hàng nhận định.

Phải biết nói “không” với những sản phẩm trục lợi

Và cách “phản kháng” người bán hàng ở 150 Ngọc Hà muốn nói đến ấy chính là thái độ, hành động của người tiêu dùng trước những sản phẩm không bảo đảm quyền lợi cho họ, ngược lại như biến họ thành một “món hời” để trục lợi.

Thực ra, hành động này, đã được tuyên truyền, khuyến khích nhiều lần nhưng chưa được người tiêu dùng áp dụng một cách hiệu quả và trở thành cuộc “cách mạng”. Chỉ đơn lẻ một vài người thực hiện dẫn đến các hãng sữa vẫn có cơ hội “làm mưa làm gió”. Minh chứng là suốt bao nhiêu năm nay, các hãng sữa tăng giá như “lấy được” và làm giàu trên lưng của người tiêu dùng, nhất là những hãng có thị phần lớn nhất, có khả năng chi phối thị trường.

Cụ thể như Abbott, tăng giá sữa vài lần trong một năm là chuyện… thường, và trung bình mỗi lần từ 5-7%. Chủ các cửa hàng phân phối sữa ở đường Tây Sơn, Hàng Buồm, Ngọc Hà đều thống nhất: đây là một trong những hãng có số lần tăng giá sữa nhiều nhất từ trước tới nay.

Người ta đã thống kê trong 7 năm qua, giá sữa trong nước tăng tất cả 30 lần, và lần nào trong đó cũng có các “anh tài”. Điều này đã khiến cho giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới, hơn cả Trung Quốc, châu Mỹ, châu Âu. Mà như vậy thì không thể chấp nhận được do Việt Nam là quốc gia vẫn còn nghèo.

nguoi tieu dung tay chay loai sua tang gia

Trong 7 năm sữa tăng giá tới 30 lần

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì việc tăng giá này không nhằm mục đích gì khác ngoài đẩy nhanh lợi nhuận theo ý muốn. Bởi  như một doanh nghiệp nhập khẩu sữa đã nói, cùng kinh doanh sữa, cùng nhập khẩu từ nước ngoài, nghĩa là cùng chịu các chi phí gần như nhau, thậm chí các hãng lớn còn nhập sữa nguyên liệu rồi tự đóng gói trong nước để giá thành rẻ hơn, vậy mà các hãng sữa chiếm thị phần lớn lại là những doanh nghiệp tăng giá đầu tiên và tăng vô tội vạ.

Cho nên để chống lại sự lũng đoạn giá sữa này đồng thời ổn định thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình, không có sức mạnh nào hơn là người tiêu dùng phải biết tẩy chay hàng hóa đặt lợi nhuận lên trên quyền lợi của khách hàng. Nhất là trong hoàn cảnh công tác quản lý còn nhiều khó khăn, bất cập, bị buông lơi thả lỏng và tương lai vẫn mờ mịt khi chưa nhìn thấy “tia sáng nào cuối đường hầm” trong công tác quản lý như hiện nay thì hành động như vậy càng cần phải tiến hành một cách mạnh mẽ. Nếu không, sẽ là người tiêu dùng đẩy mình vào chỗ “tự nguyện cho người khác bóc lột”, đồng ý thỏa hiệp, dung túng cho hành động phi lý của các doanh nghiệp.

Bài học về việc tẩy chay bột ngọt mang nhãn hiệu Vedan do doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này đã làm ô nhiễm môi trường trong quá trình xả nước thải hay “loại” nước ngọt Coca Cola ra khỏi thực đơn thức uống vì hành vi trốn thuế của doanh nghiệp sản xuất của rất nhiều người tiêu dùng trong nước trước đây có thể cho thấy rõ “quyền năng” của người tiêu dùng như thế nào.

Đã thể hiện quyền lực ấy qua việc thay đổi nhãn sữa sử dụng, không ưu tiên lựa chọn những sản phẩm sữa tăng giá vô lý, kể cả đó là những nhãn hàng nổi tiếng, người tiêu dùng hãy mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc tẩy chay này để trước hết là bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, góp phần bình ổn giá thị trường sữa và cũng là để thúc đẩy có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Tú Anh