Quản lý giá sữa: Còn lắm gian nan!

06:50 | 23/08/2014

1,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tưởng như áp trần giá sữa sẽ là giải pháp bình ổn thị trường sau một thời gian dài tăng giá vô tội vạ, thế nhưng mới 2 tháng thực hiện, niềm vui chưa “tày gang”, sữa lại có dấu hiệu “nhảy nhót” giá như cũ do các doanh nghiệp tìm chiêu lách luật ấy là thay vì gọi sữa như ban đầu, họ đổi thành sản phẩm dinh dưỡng. Mà sản phẩm dinh dưỡng thì không phải chịu áp giá trần của Bộ Tài chính. Cho nên thị trường sữa lại đang “đâu vào đấy”!

Năng lượng Mới số 350

“Tráo” sữa để thoát hiểm

Dạo quanh thị trường sữa ở Hà Nội vào những ngày này, có thể nói niềm vui của cả người bán lẫn người mua dường như không như những ngày đầu thực hiện áp trần giá sữa mà lắng xuống xen lẫn lo lắng về một thị trường lại trở về lộn xộn như ngày nào.

Chủ cửa hàng Nghi Nga, một cửa hàng bán sữa rất lớn ở phố Tây Sơn, Hà Nội cười buồn nhận định: “Chẳng làm gì được các hãng sữa đâu. Rồi vẫn như cũ thôi. Ðây này, hàng loạt sản phẩm nếu thông thường thì ai cũng hiểu là sữa nhưng giờ chúng đổi thành sản phẩm dinh dưỡng hết để khỏi bị áp giá, để vẫn bán với giá được “hét” như trên… trời. Là người bán, chúng tôi vẫn phải kinh doanh cho đủ mặt hàng. Còn doanh số tương lai sẽ lại giảm như cuối năm ngoái đầu năm nay khi chưa áp giá trần”.

Còn lắm gian nan!

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở phố Ngọc Hà, quận Ba Ðình, Hà Nội, người được Báo Năng lượng Mới phỏng vấn trong những lần tìm hiểu để viết bài về giá sữa tăng thì nhắc lại đúng dự báo đã từng nói trước đây: “Ðấy, tôi nói có đúng không, rồi các nhà phân phối sữa sẽ lại tìm cách bán với giá họ muốn. Cơ quan quản lý có áp dụng kiểu gì họ vẫn cứ “lách” được”.

Và theo tay bà Hiền chỉ, trên kệ trưng bày sữa, hàng loạt sản phẩm thay vì gọi bằng sữa được gọi bằng sản phẩm công thức, sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng… Cụ thể sữa bột Friso dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên được đổi thành sản phẩm công thức cho trẻ 1-3 tuổi; Sữa bột tăng trưởng Growth của Abbort được thay mới là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, Pediasure, một loại sữa năng lượng cao chuyên dành cho trẻ cũng thay bằng thực phẩm đặc biệt bổ sung vi chất dinh dưỡng…

Ðương nhiên cách gọi  mới thì coi như sản phẩm mới. Sản phẩm mới thì giá cả cũng phải khác - cao hơn hẳn sản phẩm cũ có khi tới 100  nghìn đồng. Như dòng: “3600 Brain Plus” gồm: Enfamil A+3600 Brain Plus; Enfa Growth A+ 3600 Brain Plus thay thế cho Enfamil và Enfa Growth loại thường. Cả 2 loại này được bán lẻ với giá cao hơn loại cũ 80-100 nghìn đồng.

Theo quy định của Bộ Y tế thì phải có 34% độ đạm trở lên mới được coi là sữa. Dựa vào quy định này các hãng sữa đã lách luật “thay tên đổi họ” cho sản phẩm của mình để thực hiện đúng theo quy định về cách gọi của Bộ Y tế vừa “thoát” áp giá trần của Bộ Tài chính một cách ngoạn mục. Và bằng cách này đã có 18 mặt hàng “thoát hiểm” trong tổng số 30 sản phẩm phải áp giá trần vừa được Bộ Tài chính bổ sung trong danh sách 141 loại sữa đã bị áp trần giá bán.

Giải pháp “giơ roi dọa trẻ con”

Trước thực trạng trên Bộ Tài chính tỏ ra lúng túng vì quy định của ngành y tế không rõ ràng: Một mặt quy định phải đạt 34% độ đạm trở lên mới được coi là sữa, mặt khác lại có khẳng định cứ có sữa trong thành phần thì được gọi là sữa và đều phải áp giá trần. Vì vậy, Bộ Tài chính đã phải gửi danh sách 30 sản phẩm bổ sung áp trần giá sang Bộ Y tế để xác định loại nào là sữa, loại nào là sản phẩm dinh dưỡng… trên cơ sở đó nhằm áp trần giá một cách chính xác. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Bộ Tài chính bị động hơn cả trong việc quản lý giá ấy chính là không xác minh được chi phí sản xuất thực là bao nhiêu để trên cơ sở đó cho phép lưu hành giá mà doanh nghiệp đăng ký. Ðiều này dẫn đến cơ quan quản lý mặc nhiên phải thừa nhận những gì doanh nghiệp kê khai đăng ký giá và rồi phần lớn phải đồng ý với mức giá họ tự ấn định cho các sản phẩm sữa của mình.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã “đẩy” trách nhiệm cho người tiêu dùng một cách khéo léo dưới hình thức khuyến cáo: “Chúng tôi thấy rằng 2 dòng sản phẩm này hoàn toàn khác nhau và việc hình thành giá cũng khác nhau. Do vậy khi lựa chọn các dòng sản phẩm thì người tiêu dùng cũng chọn các dòng các dòng sản phẩm cho phù hợp với khả năng tài chính của mình để không bị thiệt hại trong quá trình sử dụng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”. Trong khi nói một cách chính xác, việc để khách hàng không bị thiệt hại về kinh tế trong quá trình sử dụng trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý, mà ở đây chính là Cục Quản lý giá chứ không phải ai khác.

Ðể giải quyết tình trạng này cũng như thắt chặt giá sữa sau khi thực hiện quy định áp giá trần, ngày 11/8, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc về việc thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ðồng thời yêu cầu các Sở có biện pháp xử lý “mạnh tay” đối với những doanh nghiệp có hành vi lách luật áp trần giá sữa, vi phạm quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xác định giá bán lẻ tối đa, đăng lý giá bán lẻ đến người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi tại các địa phương sau  đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm. Bộ Tài chính cũng đề nghị các Sở Tài chính tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải thực hiện xác định giá bán tối đa, đăng ký giá bán trên địa bàn và đôn đốc họ thực hiện đầy đủ…

Tuy nhiên, giải pháp trên đây của Bộ Tài chính thực ra cũng chỉ được đánh giá là “xử lý tình huống” theo kiểu giơ roi dọa trẻ con và cũng chưa chắc đã hiệu quả ngay tại thời điểm này. Bởi vấn đề nằm ở những nguyên nhân cốt lõi như luật định, cụ thể như cách gọi sữa và sản phẩm dinh dưỡng chưa rõ ràng, quá trình sản xuất với chi phí thực từ đầu vào đến đầu ra cơ quan quản lý cũng không nắm được một cách tường tận… Cho nên việc quản lý giá sữa, áp trần giá sữa là cả một thách thức không chỉ hiện tại  mà còn cả ở tương lai. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc áp trần giá sữa cũng chưa chắc đã trở thành một “chiến lược” hiệu quả.

TS Vũ Ðình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính từng nhận định: “Với những diễn biến đang diễn ra với giá sữa, có thể thấy đây là vấn đề của câu chuyện quản lý, là sự bất cập trong cách phân chia quản lý sữa giữa các cơ quan hữu trách”.

Còn PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thì đánh giá, việc phương thức quản lý giá sữa trên cơ sở đăng ký giá là một khó khăn không hề nhỏ đối với cơ quan quản lý. 

Ðể khắc phục những vấn đề trên đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả những tồn đọng, bất cập như đã nêu phải được giải quyết một cách chặt chẽ, đồng bộ, cấp thiết. Tuy nhiên, thời gian lại là một vấn đề khác đặt ra cho các nhà quản lý. Bởi vậy, trước mắt thị trường sữa vẫn chưa thể ổn định là bức tranh mà có thể nhiều người nhìn thấy.

- Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Dù là sản phẩm dinh dưỡng, công thức hay thực phẩm bổ sung, nhưng trong thành phần có sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi thì đều được gọi là sữa và phải áp giá trần.

- Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:

Hiện Bộ Y tế đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Khi nghị định có hiệu lực, các sản phẩm nói trên sẽ bị cấm quảng cáo. Quy định này sẽ siết chặt hơn việc quản lý các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, hạn chế sự tác động của các công ty sữa đến các bà mẹ, khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nguyễn Anh