Bỏ con dấu doanh nghiệp: Phải tính đến điều kiện ở nước ta

07:00 | 26/12/2014

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước chủ trương của Nhà nước nới lỏng quản lý và hướng tới bỏ con dấu doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình nhưng cho rằng cần có hướng dẫn khoa học và lộ trình hợp lý, phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Năng lượng Mới số 384

Tổng giám đốc Công ty VISSAN Văn Đức Mười: Đề cao trách nhiệm cá nhân!

Tôi thấy bỏ con dấu là nên và phù hợp với xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta đã có một tập quán rất lâu đời là sử dụng con dấu với vai trò pháp lý rất quan trọng, không có con dấu thì hoạt động của doanh nghiệp gần như bị tê liệt. Do đó, để tiến tới bỏ con dấu và đề cao vai trò pháp lý của chữ ký cần phải tuyên truyền và phải có hướng dẫn cụ thể cho việc chuyển đổi này. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng, gây xáo trộn trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng các công cụ kiểm soát thật sự mạnh mẽ để quản lý rủi ro và hỗ trợ vị trí pháp lý cho người sử dụng chữ ký một cách đúng mức.

Xuất phát từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung chúng ta chú trọng đến con dấu hơn chữ ký và người ta thấy con dấu là hiện thân của pháp lý. Tuy nhiên, trong cộng đồng xã hội, chữ ký cũng nói lên một uy tín nhất định. Ở các nước phương Tây họ đã xóa bỏ việc bắt buộc sử dụng con dấu doanh nghiệp từ lâu rồi, nếu như chúng ta còn lửng thửng, sợ thay đổi, mãi mãi sử dụng con dấu thì sẽ không tôn tạo được vai trò, uy tín cá nhân ở từng vị trí trong thương trường cũng như trong cộng đồng xã hội. Và khi chữ ký khẳng định uy tín nhất định nó còn thể hiện rõ hơn trách nhiệm của người ký chữ ký trong cam kết với cộng đồng xã hội thực hiện các nhiệm vụ mình đã hứa, đã ký.

Điều 44 của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định giao cho doanh nghiệp tự thiết kế hình thức và nội dung của con dấu. Việc này nhằm tạo bản sắc riêng của doanh nghiệp qua con dấu. Tuy nhiên, theo tôi vẫn cần những có quy định nhất định về hình thức và phải đăng ký với cơ quan quản lý, đặc biệt là với những quốc gia vẫn đang sử dụng con dấu. Khi đưa ra ý tưởng để con dấu cho doanh nghiệp tự thiết kế thì tôi nghĩ cũng không có nghĩa doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, bởi nếu mở một cách rộng rãi mà không có hướng dẫn thì sẽ hình thành những con dấu hình thù không chuẩn mực, nội dung không phù hợp...

Xóa bỏ con dấu và sử dụng chữ ký điện tử đã rất phổ biến trên thế giới, ở nước ta chữ ký điện tử cũng đã được đăng ký, mã hóa rồi nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta còn chưa quen nên cảm thấy ngần ngại khi sử dụng. Nếu tiến tới chính quyền điện tử thì việc sử dụng chữ ký điện tử hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng khi thực hiện việc này sẽ giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, vừa giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí quản lý cho Nhà nước vừa tránh được tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công quyền. Đây là việc rất văn minh cần hướng tới.

Tiến tới xóa bỏ con dấu doanh nghiệp thể hiện cơ chế trong xã hội hướng đến sự văn minh. Đó là điều hợp lý nhưng chúng ta cần có hướng dẫn khoa học, lộ trình đi phù hợp chứ không thể đột ngột. Tôi cho rằng, cũng cần có một khoản thời gian nhất định để chúng ta có thể có một bước chuẩn bị kỹ cho việc chuyển đổi này. Áp dụng được trên thực thế, chắc chắn sẽ còn phải nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá tình hình và có bước đi phù hợp.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 Phạm Xuân Hồng: Còn nhiều băn khoăn…

Xu hướng thế giới là tiến tới xóa bỏ con dấu và rất nhiều quốc gia đã làm việc này. Tuy nhiên, theo tôi với môi trường kinh doanh và pháp lý hiện nay ở nước ta thực hiện điều này không đơn giản. Bởi làm sao để khi giao quyền, trách nhiệm cho doanh nghiệp nhiều hơn mà công tác quản lý vẫn đảm bảo. Đó là điều tôi băn khoăn đối với vấn đề này.

Ở nước ta hiện nay con dấu có vai trò rất quan trọng, chữ ký mà không đi kèm với con dấu nhiều khi cũng không được công nhận giá trị pháp lý. Với vai trò quan trọng như vậy, nên các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng con dấu rất nhiều, một khi xóa bỏ phải thay đổi rất nhiều các quy định của pháp luật hiện hành. Ví dụ, khi áp dụng Hải quan điện tử tại TP HCM nhiều doanh nghiệp đã gặp vướng mắc khi các chứng từ in tự động không có con dấu, không được các cơ quan liên quan khác chấp nhận tính pháp lý vì không đúng quy định của pháp luật. Do đó, khi thay đổi cần phải đồng bộ mới có thể đảm bảo hoạt động doanh nghiệp diễn ra một cách trơn tru.

Mặc dù, thế giới nhiều nước đã không dùng đến con dấu nhưng ở nước họ hoạt động doanh nghiệp và hệ thống pháp lý tương đối chuẩn mực, môi trường kinh doanh đã được chuẩn hóa, còn với nước ta, kinh tế thị trường chưa thật sự phát triển, quy chế hoạt động của doanh nghiệp chưa được chuẩn hóa, mô hình tổ chức của doanh nghiệp cũng rất khác nhau, kể cả trong từng loại hình doanh nghiệp... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn có những khe hở nên khó áp dụng các quy tắc mới. Cần phải có nghiên cữu kỹ hơn, để vận dụng cho phù hợp nhằm phát huy được trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp, đồng thời giảm rủi ro cho quản lý Nhà nước.

Việc tiến tới bỏ con dấu và đề cao vai trò của chữ ký là phù hợp với xu hướng hiện đại, nên làm. Tuy nhiên, để thành công trong việc này, theo tôi doanh nghiệp cần xây dựng, chuẩn hóa hệ thống quản lý của mình, để càng chuyên nghiệp sẽ càng giảm bớt rủi ro. Nhà nước cần hoàn thiện dần các chính sách, pháp luật để ngày càng chặt chẽ, cũng như chuẩn bị hành lang pháp lý phù hợp với việc áp dụng quy định mới.

Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM PGS.TS Lê Hoài Quốc: Nên theo xu hướng chung của quốc tế…

Hiện nay, chúng ta thường căn cứ vào con dấu để xác định tính pháp lý của các loại văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp nhưng thực tế cho thấy con dấu rất dễ bị làm giả để lừa đảo. Việc sử dụng con dấu chủ yếu hình thành do thói quen, sự tín nhiệm trong xã hội quy định nên, nó cũng chỉ là công cụ của con người. Ở Hàn Quốc họ không cần con dấu doanh nghiệp chỉ cần có chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp là đủ nhưng họ cũng có khắc những con dấu nhỏ, là dấu ấn riêng của người ký. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới trong giao dịch đã không dùng đến con dấu, chỉ dùng chữ ký. Do đó, việc chúng ta nới lỏng quản lý và tiến tới bỏ con dấu theo xu hướng chung của quốc tế là điều nên làm. Tuy nhiên, lộ trình ra sao và cách thức thực hiện như thế nào còn phải tính đến điều kiện ở nước ta, khi niềm tin lẫn nhau trong xã hội chưa cao và làm sao để xây dựng một cơ chế kiểm soát tốt nhằm tránh sự lừa đảo, giữ ổn định cho hoạt động quản lý doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 đã có những thay đổi lớn liên quan đến con dấu của doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 44 của Luật này, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện thông tin về tên và mã số doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.


Mai Phương (thực hiện)