Bổ sung 13 tấn vàng: Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có giảm?

16:53 | 01/10/2012

1,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là câu hỏi mà rất người đang đặt ra cho thị trường vàng những ngày qua sau khi thông tin Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng (tương đương 13 tấn vàng).

Mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ khó giảm.

Có một hiện tượng phổ biến trên thị trường vàng Việt Nam từ nhiều năm nay là giá vàng trong nước sau khi quy đổi luôn cao hơn giá vàng thế giới. Thậm chí có thời điểm, mức chênh lệch này lên tới 3 triệu đồng. Và theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia thì mức chênh lệch quá cao như vậy là có biểu hiện của tình trạng đầu cơ, thao túng của giới đầu tư.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời không nằm ngoài mục đích giảm thiểu mức độ chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, chấm dứt tình trạng đầu cơ, thao túng trên thị trường vàng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng ban đầu, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới.

Theo ghi nhận của Petrotimes thì mức chênh lệch này vẫn tiếp tục được tái diễn vào sáng nay (1/10/2012) khi giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 47,00 triệu đồng/lượng còn giá vàng thế giới là 1.764 USD/Ounce. Và nếu quy đổi theo tỉ giá ngân hàng Vietcombank là 20.900 đồng thì mức chênh lệch giữa hai thị trường là 2,9 triệu đồng/lượng.

Tính đến 16 giờ chiều ngày 1/10/2012, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 47,5 triệu đồng/lượng còn giá vàng thế giới được giao dịch ở mức là 1.771,5 USD/Ounce. Sau khi quy đổi thì mức chênh lệch được cũng lên tới trên 3 triệu đồng/lượng.

Nói như vậy để thấy rằng, những ẩn họa trên thị trường vàng vẫn còn nguyên và hiện “ẩn họa” từ hiện tượng đầu cơ, thao túng trên thị trường vàng vẫn tồn tại.

Cũng chính từ đây, với việc bơm thêm vào thị trường 350.000 lượng vàng SJC, Ngân hàng Nhà nước đang kỳ vọng là sẽ giảm bớt áp lực mất cân đối cung cầu trên thị trường, nhằm tạo sự ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì chủ trương trên sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, theo ý kiến của ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì động thái trên sẽ không mang lại giá trị.

“Mục tiêu của việc bơm 350.000 lượng vàng SJC vào thị trường thực tế là nhằm giảm mức chênh lệch giữa cung và cầu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, số vàng trên là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia công. Như vậy, cung cầu trên thị trường hoàn toàn không có gì thay đổi, nên hiện tượng chênh lệch giá vàng sẽ khó thay đổi”, ông Trúc phân tích.

Nhận định trên của ông Trúc là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, giá vàng trong nước từ nhiều năm nay được xác định cao hơn giá vàng thế giới là do trong những thời điểm nhất định, cầu của thị trường tăng mạnh, vượt xa nguồn cung. Vậy nên mới có chuyện, Ngân hàng Nhà nước tìm cách tạo sự cân bằng cung – cầu trên thị trường vàng trong suốt thời gian qua.

Thanh Ngọc