Saigon Co-op và bí quyết bán lẻ thành công

06:00 | 12/07/2014

1,741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, lọt vào top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bí quyết nào giúp cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co-op) ngày càng thành công trong mô hình phân phối trước áp lực cạnh tranh hội nhập và trong giai đoạn kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm?

Năng lượng Mới số 338

Bán thứ người tiêu dùng cần

Với mô hình bán lẻ đa dạng hơn 300 điểm bán gồm: hệ thống siêu thị Co-op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co-op Food, đại siêu thị Co-opXtra, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo-op… Saigon Co-op đã đáp ứng khá toàn diện nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường, đảm bảo sự kết hợp hài hòa xu hướng bán lẻ truyền thống và hiện đại, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Nói về bí quyết thành công của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co-op khẳng định: Để đạt được hiệu quả kinh doanh thì phải bán được hàng mà muốn bán được hàng phải biết cái mà người tiêu dùng cần mua để đáp ứng. Do đó, bên cạnh yếu tố chất lượng thì Saigon Co-op còn quan tâm chọn lọc hàng hóa theo thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo hiệu quả cao nhất trên từng quầy kệ kinh doanh. Vì vậy, theo định kỳ 3-6 tháng, Saigon Co-op sẽ thẩm định xem hàng nào bán không tốt, người tiêu dùng không quan tâm nhiều để đưa ra khỏi kệ hàng nhường chỗ cho những hàng hóa mới vào. Việc này vừa giúp tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp vừa giúp người tiêu dùng có được hàng hóa muốn mua.

Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh quyết liệt của thị trường bán lẻ bởi sự xâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài, có ưu thế về quy mô, vốn, phương thức tiếp thị so với các nhà bán lẻ trong nước, Saigon Co-op định hướng tận dụng lợi thế am hiểu khách hàng và nguồn hàng ở từng vùng trong nước để chiếm lĩnh thị phần. Đi sâu vào sở thích, nhu cầu tiêu dùng từng vùng miền để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân; tạo mối liên kết chặt chẽ cùng phát triển với các nhà cung cấp nhằm gắn chặt quá trình phát triển của mình với lợi ích chung của các địa phương có cơ sở bán lẻ của Saigon Co-op trú đóng.

Saigon Co-op và bí quyết bán lẻ thành công

Đông đảo khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Co-op Mart

Saigon Co-op cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm và tăng cường áp dụng các chính sách tối ưu về giá để thu hút người tiêu dùng. Gia tăng các dịch vụ chăm sóc tiện ích cho khách hàng tham gia mua sắm tại hệ thống của mình như: điện thoại chăm sóc khách hàng, giao hàng tại nhà, tặng quà, thiệp, gói quà miễn phí trong các dịp lễ tết, tích điểm thưởng cho khách hàng thân thiết…

Ở một khía cạnh đạo đức kinh doanh, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co-op cho rằng, trong kinh doanh chữ tín giữ vai trò quan trọng. Nếu mất uy tín thì sẽ mất khách hàng. Do đó, với phương châm kinh doanh hàng hóa an toàn, chất lượng, Saigon Co-op luôn ý thức rõ trách nhiệm của nhà cung ứng, đặc biệt nghiêm khắc với chất lượng hàng hóa bán lẻ ở hệ thống mình. Đó là lý do chất lượng hàng hóa của Saigon Co-op được khách hàng tin tưởng, đón nhận.

Ngay từ những khâu đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp, Saigon Co-op cũng đã chặt chẽ lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, chất lượng hàng hóa đảm bảo. Đơn cử mặt hàng rau củ quả, Saigon Co-op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận Vietgap, Global Gap về quy trình sản xuất rau an toàn, ký hợp đồng bao tiêu nông sản và tiến hành ứng vốn cho các hợp tác xã này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón. Hệ thống siêu thị Co-op Mart còn hợp tác với dự án “Xây dựng kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” (FAPQDC) do Chính phủ Canada tài trợ nhằm cải thiện chất lượng nông sản thực phẩm theo phương pháp tiếp cận tổng thể trong chuỗi giá trị ngành hàng từ “trang trại đến bàn ăn”. Không chỉ kiểm tra hàng hóa về mặt giấy tờ, Saigon Co-op còn có một bộ phận chuyên trách theo sát quy trình thực hiện kiểm nghiệm với từng dòng sản phẩm, đi thực tế kiểm tra tại đơn vị sản xuất, nếu thấy có dấu hiệu làm hàng giả, hàng nhái thì kiên quyết từ chối nhận hàng.

Ưu tiên hàng Việt

Là đơn vị tiên phong trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Kiên trì với mục tiêu “làm cầu nối của hàng Việt và người tiêu dùng Việt”. Từ  năm 2012, hệ thống bán lẻ của Saigon Co-op đã thực hiện chiến lược nội địa hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là một trong những chiến lược kinh doanh lâu dài, tạo nên bản sắc riêng của Saigon Co-op nhằm phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Chiến lược này đã cho thấy sự thành công khi hàng hóa mà Saigon Co-op phân phối được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm 90-95% trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống bán lẻ của Saigon Co-op. Riêng các mặt hàng bình ổn giá và hàng hóa bán trực tuyến qua HTVCo-op chiếm 100% là hàng Việt. Đồng thời, mỗi năm hệ thống Co-op Mart thực hiện hàng nghìn chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa thì 100% hàng hóa là hàng sản xuất trong nước, giúp người tiêu dùng trong nước tiếp cận nguồn hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý.

Saigon Co-op và bí quyết bán lẻ thành công

Do là hệ thống phân phối hiệu quả cao nên rất nhiều nhà sản xuất trong nước muốn hàng hóa của mình được vào phân phối trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co-op. Vừa qua, trong một hội thảo kết nối doanh nghiệp tổ chức tại TP HCM, nhiều nhà sản xuất trong nước bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu về tiêu chuẩn hàng hóa và các chính sách ưu tiên cho hàng Việt của Saigon Co-op.

Saigon Co-op tiếp tục dành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp Việt có hàng hóa đảm bảo chất lượng vào hệ thống bán lẻ của mình như: ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới của doanh nghiệp; thực hiện đầu tư hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh; chia sẻ thông tin phản hồi từ người tiêu dùng giúp doanh nghiệp có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng.

Qua quá trình làm đầu mối phân phối hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp Việt, ông Nhân nhận định, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp Việt hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng thực phẩm thủ công là chất lượng hàng hóa không ổn định, khi sản xuất với số lượng ít thì rất tốt nhưng khi yêu cầu tăng số lượng thì chất lượng lại không đảm bảo. Mặc dù có chính sách ưu tiên cho hàng Việt nhưng cũng là một doanh nghiệp Saigon Co-op phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh là trên hết. Do đó, một mặt liên kết, hỗ trợ hàng Việt nhưng mặt khác Saigon Co-op cũng nghiêm khắc trong chọn lọc hàng hóa về chất lượng và cả thị hiếu để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Với chính sách kinh doanh nhất quán, chặt chẽ, hệ thống quản trị tốt, biết phát huy những lợi thế riêng,… Saigon Co-op đã khẳng định mình bằng hiệu quả kinh doanh và sự phát triển ngày càng lớn mạnh, tự tin đứng vững trước những biến động của thị trường bán lẻ, đặc biệt là áp lực cạnh tranh của rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang tranh giành thị trường tại Việt Nam.

Mai Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps