“Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài cuối)

07:00 | 09/12/2014

1,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khu vực kinh tế Nhà nước (KTNN) nói chung và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nói riêng được khẳng định giữ “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, đánh giá vai trò của DNNN luôn là chủ đề có tính thời sự và còn nhiều tranh cãi. Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chí Hải về một số khía cạnh liên quan đến DNNN.

>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 5)

Năng lượng Mới số 380

Bài cuối: DNNN có vai trò không thể thay thế!

* Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM.

Đóng góp quan trọng

PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của DNNN trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Cùng với khu vực KTNN, các DNNN ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này đã được khẳng định ở nhiều mặt:

DNNN bao gồm các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn, đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, xây dựng, hóa chất… Các DNNN đang có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, an sinh của nhân dân.

Với chủ trương phát triển kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước ở nước ta đã ngày càng lớn mạnh, song khu vực KTNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP hằng năm. Nếu năm 1991, khi nước ta chính thức phát triển nền kinh tế thị trường, khu vực KTNN chiếm 31,1% GDP (khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: 64,7%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 4,2%), những năm tiếp theo tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực KTNN vẫn tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất là năm 1997: 40,5%. Các năm sau đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực KTNN có xu hướng giảm, song đến năm 2013, vẫn chiếm tỷ trọng 32,5% (khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: 49,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 19%).

Thu ngân sách Nhà nước từ DNNN cũng luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách: 19,4% (2001-2005), 16,58% (2006), 15,3% (2007), 16,68% (2008), 18,48% (2009), 19,06% (2010), 17,5% (2011), 19,3% (2012).

Khu vực KTNN đang nắm giữ một khối lượng tài sản lớn, hằng năm tiếp tục được sự đầu tư của Chính phủ và nguồn vay nợ từ nước ngoài. Khu vực KTNN nói chung và DNNN nói riêng đang là một động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển.

Khu vực KTNN, trong đó có các DNNN đang thực thi các chức năng vốn có của “bàn tay hữu hình”, chiếm lĩnh các lĩnh vực phi lợi nhuận hoặc các dự án cần vốn đầu tư lớn, nhiều rủi ro. Khu vực này cũng có vai trò không thể chia sẻ, không thể thay thế trong việc thực hiện các chức năng quốc phòng, an ninh quốc gia.

PV: Vậy theo tiến sĩ,  trong tương lai vai trò của DNNN sẽ như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Bên cạnh những mặt đạt được, hiệu quả kinh doanh của DNNN thời gian qua được đánh giá thấp, thể hiện những “khoảng trống”, “điểm nghẽn” trong thể chế sở hữu và quản lý tài sản của khu vực DNNN. Đây luôn là chủ đề được bàn thảo và có tính thời sự. Có thể khái quát một số hạn chế chủ yếu như: DNNN là nơi sở hữu nguồn lực to lớn của xã hội nhưng những đóng góp cho nền kinh tế lại chưa tương xứng; mặc dù phải đảm nhiệm các chức năng chính trị, kinh tế, xã hội nhằm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, song hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN ở Việt Nam ở mức thấp và có khoảng cách chênh lệch lớn với khu vực kinh tế tư nhân... Và do quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng lợi ích nhóm, khu vực KTNN phát sinh khá nhiều tiêu cực, làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu trong nền kinh tế...

Tuy nhiên, có thể khẳng định trong tương lai, DNNN vẫn có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. KTNN trong đó có DNNN tồn tại và phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là tất yếu khách quan và cần thiết. Điều này cũng là bình thường đối với các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này, có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất là, cần hiểu đầy đủ và chính xác về vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Và thứ hai là làm thế nào để DNNN giữ vai trò nền tảng, nòng cốt, chủ đạo trong nền kinh tế thị trường? Theo tôi, nếu không nhận thức lại về “vai trò chủ đạo” của KTNN nói chung, DNNN nói riêng và cải cách đúng hướng thì DNNN sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu đã được xác định.

PV: Một số DNNN phân trần rằng, họ hoạt động kém hiệu quả một phần do bị “trói tay trói chân”, không được tự do, tự chủ trong hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp khác; tiến sĩ nhận định như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Tôi chia sẻ với những khó khăn của DNNN hiện phải thực hiện quá nhiều các “nhiệm vụ chính trị”. Song, công bằng mà nói, bên cạnh những khó khăn đó, DNNN cũng có khá nhiều lợi thế và vị thế trong nền kinh tế thị trường mà khu vực kinh tế tư nhân không thể có được.

Kinh doanh xăng dầu còn có trách nhiệm bình ổn thị trường

PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNN hiện nay mà Chính phủ đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập, phá sản, thậm chí giải thể các DNNN đều là những biện pháp mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện. Báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2013, đã có 3.659 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 1.033 doanh nghiệp được chuyển thành công ty TNHH MTV, giao và bán 380 doanh nghiệp, giải thể 313 doanh nghiệp, phá sản 92 doanh nghiệp. Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30-6-2014 cơ quan quản lý đã cổ phần hóa 38 đơn vị, đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và giải thể 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số 1.254 DNNN còn tồn tại tính đến cuối 2013, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, trong đó các tổng công ty, tập đoàn kinh tế chiếm lĩnh các vị trí then chốt trong nền kinh tế, đang độc quyền nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Chủ trương của Chính phủ về việc cổ phần hóa đã triển khai thực hiện thử nghiệm từ năm 1991 và chính thức thực hiện từ năm 1992. Sau giai đoạn cổ phần hóa thí điểm Chính phủ đã quyết định chính thức thực hiện chương trình cổ phần hóa và đã ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần. Việc cổ phần hóa các DNNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tự chủ hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cũng như huy động mọi nguồn lực của xã hội để mở rộng quy mô cũng như tận dụng mọi thời cơ để doanh nghiệp vươn ra biển lớn trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Không riêng gì cổ phần hóa, tôi tán thành quan điểm là việc tái cấu trúc lại DNNN bằng các giải pháp trên phải được thực hiện kiên quyết và hiệu quả hơn.

Cơ sở phát triển bền vững!

PV: Không riêng DNNN, nhiều doanh nghiệp Việt Nam than phiền rằng, Nhà nước quá ưu đãi cho FDI mà bỏ quên doanh nghiệp trong nước, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. FDI có tiềm lực mạnh mà còn được ưu đãi nhiều về thuế, đất đai... trong khi các doanh nghiệp trong nước nằm mơ cũng không có được những ưu đãi đó?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Trong những năm gần đây, có một thực tế là khu vực FDI là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong việc tham gia vào tăng trưởng kinh tế. Nếu năm 2005, vốn FDI thực hiện mới chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư, thì năm 2006-2010 đạt 25,3%, năm 2011-2013 đạt 22,6%, năm 2013 đạt khoảng 11,5 tỉ USD, tăng 9,9% so với 2012, đưa tổng số FDI thực hiện từ 2001-2013 là 111,7 tỉ USD. Năm 2013, khu vực FDI chỉ chiếm 3% về số doanh nghiệp và 22% tổng vốn đầu tư, nhưng đã chiếm tới 23,8% về số lao động, 19% GDP, 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp và 68,9% trong giá trị xuất khẩu. Năm 2013, khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu 13,75 tỉ USD, khu vực FDI xuất siêu 13,76 tỉ USD. Như vậy, hiện tượng xuất siêu các năm 2012, 2013 và kể cả năm 2014 đều nhờ vào sự đóng góp của khu vực FDI.

Tuy nhiên, khu vực FDI cũng đang tồn tại những bất cập, ảnh hưởng đến tính hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế. Điều dễ thấy nhất là sự hoạt động “hiệu quả” của khu vực FDI trước hết phải vì lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài và họ luôn kỳ vọng “tối đa hóa” lợi ích này. Hiện tượng xuất siêu của Việt Nam 3 năm trở lại đây, cũng có mặt trái mà các chuyên gia kinh tế sử dụng cụm từ “tiêu thụ hộ, xuất khẩu dùm”. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư FDI còn thâm dụng tài nguyên, lao động, công nghệ lạc hậu, tình trạng “lỗ giả lãi thật”, “chuyển giá”… đang là vấn đề thời sự đối với khu vực kinh tế FDI. Có lẽ đây cũng là lý do để một số người nêu ý kiến như câu hỏi của phóng viên đặt ra.

Nhân viên làm việc tại Giàn công nghệ trung tâm Số 2 mỏ Bạch Hổ

PV: Theo tiến sĩ có giải pháp nào để phát huy thế mạnh của khu vực FDI và tránh được những bất cập đã nêu trên không?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Bình luận về vấn đề này, tôi cho rằng, khu vực FDI có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Thực tế các nước đi trước cho thấy, khu vực FDI luôn có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhất là giai đoạn đầu công nghiệp hóa, khi nội lực trong nước còn hạn chế. Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh có hiệu quả, là chính sách kinh tế hết sức cần thiết.

Mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trước mắt, mà phải tạo điều kiện để kích hoạt, tạo thêm môi trường, nguồn lực để các doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển, ngày càng lớn mạnh, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xét ở khía cạnh này, các doanh nghiệp trong nước ở nước ta chưa tận dụng được cơ hội này, còn các doanh nghiệp FDI cũng chưa đáp ứng được với mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Quan điểm và giải pháp của Việt Nam hiện nay, theo tôi là không nên tạo nên “xung đột lợi ích” hay “phân biệt đối xử” đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vấn đề là, trong khi khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thì việc định hướng, kiểm soát để các doanh nghiệp FDI đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, cần được các cơ quan chức năng của Nhà nước quan tâm sát sao hơn. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp khai thông, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có được những điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp và phát triển có hiệu quả hơn.

PV: Trở lại với các vấn đề về DNNN, theo tiến sĩ đâu là giải pháp cho hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế Nhà nước hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Thứ nhất, cần xác định vị trí, vai trò của khu vực KTNN, DNNN trong mối quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực KTNN, bao gồm cả các DNNN giữ vai trò nền tảng, là “bệ đỡ” để nền kinh tế phát triển bền vững; khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, có vai trò đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân luôn có ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh doanh và là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thực tế phát triển kinh tế của các nước trên thế giới đều đã minh chứng vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Điều quan trọng là, trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư cần phải được xác lập với đầy đủ tính pháp lý, thông tin minh bạch, trách nhiệm rõ ràng. Liên quan đến vấn đề này, tôi tán thành quan điểm của GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sự phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh là một tất yếu. Các bộ phận này hợp thành nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và có mối quan hệ tương hỗ với nhau, không nên đặt cho bộ phận này có vai trò quan trọng hơn bộ phận khác”.

Thứ hai, khu vực KTNN giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, đã được ghi trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, sự hoạt động của khu vực kinh tế này vẫn đang tiếp tục được phân tích, mổ xẻ và hoàn thiện thể chế trong quản lý, điều hành. Đối với DNNN, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa hiện nay, là một động thái tích cực của Chính phủ, bên cạnh đó cần thiết có một thể chế pháp lý để trực tiếp chịu trách nhiệm kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNN, như một doanh nghiệp trong nền kinh tế, theo luật định và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Về mặt nhận thức, chúng tôi cho rằng, không nên sử dụng các DNNN như là một lực lượng để “can thiệp” vào nền kinh tế, can thiệp vào thị trường, nhằm “ổn định kinh tế vĩ mô”. Bởi vì, quy định “nhiệm vụ” này vi phạm tính bình đẳng, tạo điều kiện cho cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nền kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy, khu vực KTNN luôn có vai trò tạo dựng, tiên phong, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, còn các DNNN phải được duy trì ở một tỷ lệ nhất định, thật sự cần thiết và tuân theo “luật chơi” của thị trường.

Thứ ba, để khắc phục những hạn chế, yếu kém của DNNN hiện nay, theo tôi bên cạnh giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, sắp xếp lại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, Chính phủ cần có một số giải pháp đồng bộ khác, đó là: hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, tuân thủ mọi quy định của luật doanh nghiệp; cần tập trung đầu tư một số ít DNNN đủ mạnh, có vai trò tiên phong, đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Các DNNN thực hiện chức năng xã hội cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ; mở rộng hình thức hợp tác công - tư trong các lĩnh vực dịch vụ công ích; nâng cao năng lực quản lý, đạo đức công vụ trong khu vực kinh tế công.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Mai Phương (thực hiện)