Công nghiệp phụ trợ ô tô đang sống nhờ… Trung Quốc?

16:46 | 20/06/2014

1,202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thực tế xót xa tại triển lãm ô tô quốc tế Vietnam Auto Expo 2014 đang diễn ra tại Hà Nội là gần như hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam có hàng trưng bày đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ những sản phẩm nguyên chiếc như xe tải, xe ủi, máy điện, xe đạp đến những chi tiết nhỏ nhất như dầu thơm, đồ trang trí chìa khóa cũng mang nhãn “Made in China”.

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực tế tại các gian hàng của công ty Việt Nam và nhận ra một sự thật là ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Tổng công ty Coneco trưng bày những sản phẩm về ô tô chở rác, hút bể phốt, xe cứu hóa, xe cứu hộ… nhưng khách xem cũng có hạn. Bởi những xe đặc chủng này đều do các tổ chức hoặc doanh nghiệp mới sử dụng. Phụ trách kinh doanh của Coneco cho chúng tôi biết, mỗi tháng Coneco bán ra khoảng 20 xe các loại, ít hơn so những năm trước. Hiện hơn một nửa giá trị của những dòng xe chở rác, cứu hộ… đều nhập từ Trung Quốc. Vẫn biết sự phụ thuộc đó là điều tất yếu trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nước ta đang quá èo uột, manh mún nhưng nếu cứ để kéo dài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mãi chỉ… dựa hơi.

Những chiếc xe cứu hộ này có hơn 50% giá trị xuất xứ từ Trung Quốc

Ở triển lãm ô tô quốc tế Vietnam Auto Expo 2014 không có sự tham gia của những tên tuổi ô tô thế giới đang có nhà máy tại Việt Nam như Toyota, Hyundai, Suzuki. Và cũng không thấy bóng dáng của các hãng xe nội địa như Trường Hải. Gian hàng duy nhất có trưng bày một sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam là của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Gian hàng của Vinaxuki quá đơn điệu, chỉ trưng bày 3 vỏ xe được quảng cáo là có mức nội địa hóa cao nhưng phần máy, các bộ phận điều khiển hầu như vẫn phải nhập ngoại. Ngay như dòng xe VGI50 cũng chỉ có mức độ nội địa hóa 53%.

Một nhân viên kinh doanh của Vinaxuki cho biết, thân bỏ xe có đến 385 chi tiết được dập và ép nhựa trên 736 bộ khuôn do công ty tự thiết kế và chế tạo với sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật, Mỹ, nhưng cũng chỉ chiếm 39% tỉ lệ nội địa hóa. Một số bộ phận khác cũng chỉ có mức độ nội địa hóa từ 4 – 10%. Phần còn lại gồm: động cơ, hộp số, hệ thống phanh, lái, làm mát là đặt hàng của các liên doanh Nhật Bản, Thái Lan.

Có thể nói, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Vinaxuki không cao nhưng hãng này đã làm “mát lòng” khách triển lãm khi in rất rõ những thông số kỹ thuật, cùng tỷ lệ nội địa hóa của từng bộ phận xe. Nhiều công ty khác đều trưng ra những sản phẩm đặc sệt chữ Trung Quốc khiến người thưởng lãm cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Phát giới thiệu cho chúng tôi một sản phẩm nước thơm của Trung Quốc dùng trong ô tô. Trông những món đồ chơi này rất bắt mắt bằng những hình thù lạ và giá khá rẻ. Dân lái xe Việt Nam thường dùng mùi cà phê, dứa để làm thơm khoang lái. Việc sử dụng những loại nước thơm này có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không còn cần thời gian để kiểm chứng?

Nhiều đồ chơi ô tô nhập từ Trung Quốc với giá rẻ

Chúng tôi ghi nhận được một vài doanh nghiệp đã độc lập trong sản xuất phụ tùng ô tô, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Bà Trịnh Thị Dung, Phòng Kinh doanh Công ty CP Innitek giới thiệu cho chúng tôi những chi tiết trong khung, vỏ ô tô. Tuy những chi tiết này rất đơn giản, nhiều cái chỉ to bằng ngón tay nhưng đó là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Năm 2013, Innitek sản xuất hơn 3 triệu chi tiết, có xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Pakistan. Tuy nhiên, bà Dung nhận định, nếu để sản xuất những chi tiết trong ô tô có hàm lượng kỹ thuật cao hơn cần phải đầu tư công nghệ - một điều kiện thách thức với các doanh nghiệp nhỏ như Innitek.

Cao su Sao Vàng cũng vừa mới cho ra sản phẩm lốp dùng cho máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, Sao Vàng vẫn phải nhập hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất các loại lốp. Hiện nay, lốp là bộ phận có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cho những dòng xe của Việt Nam. Trong khi động cơ vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc

Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, sự tồn vong của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Nếu ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các hãng nước ngoài vào cuộc thì sẽ bị các hãng này “nuốt chửng”, nguy cơ phá sản hàng loạt sẽ diễn ra. Vì vậy, trong quá trình từng bước hiện đại hóa, công nghiệp phụ trợ ô tô vẫn phải dựa vào giá trị gia tăng từ hàng Trung Quốc. Tuy việc này không thể diễn ra trong thời gian dài được, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính sách vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương.

Đức Chính