"Cuộc chơi" với vàng có bị đạo diễn?

11:33 | 04/03/2013

1,211 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhiều tín hiệu lạc quan trên thị trường đã xuất hiện nhưng với diễn biến tăng giảm thất thường của giá vàng những ngày gần đây lại khiến giới đầu tư bất an, lo lắng.

Tạm nhập tái xuất có đúng phục vụ mục tiêu ổn định thị trường vàng.

Như Petrotimes đã phản ánh, thị trường vàng đã gần như phản ứng ngay lập tức trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng miếng và đặc biệt là cho phép 4 ngân hàng được thực hiện việc tạm nhập tái xuất vàng nhằm đẩy nhanh quá trình tăng nguồn cung vàng SJC trên thị trường.

Theo giới chuyên gia đánh giá thì, giải pháp này đơn thuần là để tăng nguồn cung trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra một lượng vàng nhất định tại phiên đấu thầu, ai trả cao thì sẽ bán. Sau đó đơn vị này sẽ dùng số vàng đấu thầu được đem ra thị trường bán. Khi nguồn cung tăng, giá vàng trong nước chắc chắn sẽ được kéo sát giá vàng thế giới.

Và trên thực tế, thị trường vàng đã ghi nhận những phản ứng rất tích cực khi giá vàng SJC trong nước liên tiếp giảm, đưa mức chênh lệch giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới giảm tới 2,7 triệu đồng/lượng chỉ trong 2 ngày. Hiện tượng này cũng đã gây ra rất nhiều phản ánh trái chiều trên thị trường, mừng có nhưng buồn cũng có.

Ở đây, chúng tôi xin được đề cập tới góc độ đáng mừng được ghi nhận trên thị trường vì thực tế, cảm xúc buồn chỉ đến với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, chót mua vàng lúc giá cao nên chịu thiệt hại nặng khi giá vàng đi xuống. Nhưng có người hỏi, vậy ai là người được hưởng lợi, ai là người vui mừng trước xu hướng giảm giá trên thị trường vàng trong nước thời gian qua.

Nhưng ngày gần đây, câu hỏi này đã được rất nhiều tờ báo mang ra phân tích, mỏ xẻ để tìm lời giải. Đáp án cụ thể cho câu hỏi trên giờ vẫn còn bỏ ngỏ nhưng một loạt nghi vấn trên thị trường đã được chỉ ra và tất nhiên, một lần nữa, câu chuyện “nhóm lợi ích”, hiện tượng đầu cơ, thao túng trên thị trường lại được nhắc tới. Và tất nhiên, trong cuộc chơi này, người dân, thậm chí là không ít những nhà đầu tư tham gia thị trường theo kiểu “a dua” là chịu thiệt.

Đầu tiên phải kể tới quyết định cho một số ngân hàng được thực hiện tạm nhập tái xuất vàng phi SJC. Như chúng ta đã biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì trạng thái vàng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng không được quá 2% trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, với việc được ủy thác tạm nhập tái xuất một lượng vàng lên tới 3,5 triệu tấn vàng và nếu áp dụng mức giá giao dịch là 43 triệu đồng/lượng thì giá trị số vàng mà Ngân hàng thương mại CP Thương tín (Sacombank) lên tới 4.000 tỉ đồng, trong khi vốn tự có của ngân hàng này chỉ vào khoảng 10.000 tỉ đồng.

Vậy Sacombank lấy đâu số vàng lớn như trên khi mà bản thân lượng vàng ngân hàng này huy động được từ người dân đã được không chỉ Sacombank mà cả những ngân hàng khác chuyển đổi sang tiền đồng để mang cho đi vay?

Bên cạnh đó, thông tin có tới 10 ngân hàng vẫn chưa hoàn tất việc tất toán (chấm dứt huy động, trả vàng cho người gửi) do đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Lễ ký kết hợp đồng gia công vàng miếng SJC mới đây càng khiến giới đầu tư thêm phần lo ngại.

Trả lời cho nghi vấn trên, giới chuyên gia cho rằng, đây rất có thể là một “chiêu” mới của “nhóm lợi ích”. Lý giải này xem chừng không hẳn là vô lý bởi thực tế, giá vàng SJC trong nước sau 2 ngày giảm giá (khi có thông tin tạm nhập tái xuất vàng và việc Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng gia công vàng miếng SJC) đã bất ngờ tăng trở lại ngay sau đó.

Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung theo hướng sau: Ngân hàng huy động được của người dân 1 tấn vàng rồi chuyển sang tiền đồng để cho vay. Nhưng khi những chính sách mới trên thị trường vàng được áp dụng, ngân hàng này đã tìm cách “xin” được tạm nhập 1 tấn vàng về trước sau đó sẽ tái xuất 1 tấn vàng ở “thì tương lai”. Họ nhập về 1 tấn vàng và dập bán cho người dân với giá giảm rồi từ từ mua vào giá thấp. Vấn đề ở đây là giá vàng SJC trong nước lại luôn luôn thấp hơn giá vàng thế giới, với mức chênh lệch lên tới vài triệu đồng/lượng.

Như vậy, với mức được cho phép tạm nhập tái xuất lên tới vài tấn vàng, những ngân hàng này có thể ăn chênh lệch một khoản lợi nhuận không nhỏ bởi rất có thể, lượng vàng họ có thể mua gom được khi tiến hành trả lại vàng cho người dân sẽ không dừng lại ở 1 tấn mà sẽ là 2 tấn. Và đương nhiên, 1 tấn mua gom “vượt dự” kiến sẽ được các ngân hàng tiến hành tái xuất. Chung quy lại, tạm nhập tái xuất cuối cùng cũng chỉ là “mỡ nó rán nó” mà thôi.

Nhìn thị trường vàng dưới một góc độ khác có thể thấy, rất có thể các ngân hàng đang tìm cách “trốn” lỗ vì vàng. Như đã phân tích ở trên, lượng vàng mà các ngân hàng huy động được bao nhiêu vàng thì đã chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay và giờ đứng trước những chính sách mới về thị trường vàng, chẳng ngân hàng nào còn vàng trong kho. Thực tế cho thấy, nếu các ngân hàng có vàng phi SJC trong kho thì sao không tạm xuất trước rồi mới tái nhập.

Qua đó để thấy rằng, thị trường vàng rất đáng nghi ngờ. Và nếu tính theo mức giá hiện tại, vàng SJC cao hơn vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, trong khi vàng phi SJC lại rẻ hơn vàng SJC chừng 1 triệu đồng/lượng. Như vậy, mỗi lượng vàng sau khi qua chu trình tạm nhập tái xuất (các ngân hàng sẽ mua gom dần vàng phi SJC trong dân để tái xuất), các tổ chức được nhập vàng hoàn toàn có thể thu lãi 1 triệu đồng/lượng.

Từ những phân tích trên, cùng với đó là xu hướng giảm giá của vàng thế giới trên thế giới và thực tế giá vàng trong nước nhiều năm gần đây (giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới), giới đầu tư đang đồn đoán về một “nhóm lợi ích” đang “cầm trịch”, “đạo diễn” thị trường vàng!

Những nghi vấn trên giới đầu tư đang rất mong mỏi các cơ quan chức năng đưa ra lời giải thỏa đáng trong thời gian tới.

Thanh Ngọc