Cân bằng các mục tiêu kinh tế

19:00 | 29/01/2013

1,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự gia tăng “bất thường” của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cùng với những thách thức đã được dự báo trước từ nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng… khiến bài toán lạm phát năm 2013 không dễ giải!

Bất thường CPI

Theo lẽ thông thường, trong tháng 1, nhóm hàng tác động mạnh nhất đến CPI phải là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết Nguyên đán của người dân. Thực tế điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định khi nhấn mạnh “… giá cả tăng cao chủ yếu tập trung và những tháng đầu năm”.

Từ đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, Quý I/2013, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá.

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một loạt các chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 như: Chỉ thị số 04/CT-BTC; Công điện số 01/CĐ-BTC;… của Bộ Tài chính đã được ban hành nhằm kiềm chế sự gia tăng giá cả đột biến của các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, trái hẳn với quy luật thông thường và những dự báo trước đó, CPI tháng I vẫn tăng nhưng vấn đề là nó tăng chủ yếu là do giá viện phí và dịch vụ y tế tăng.

Nhóm hàng y tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ "phá” lạm phát

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 1-2013 tăng 1,25% so với mức tăng 0,27% trong tháng 12/2012 và nếu chỉ xét riêng trong tháng 1 thì đây mức tăng cao thứ 4 trong vòng 10 năm gần đây. Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: “CPI tháng 1 tăng chủ yếu là do hàng chục tỉnh thành trong cả nước tiếp tục tăng giá viện phí và dịch vụ y tế như lộ trình mà ngành y tế đã công bố trong năm 2012 khiến cho giá dịch vụ y tế tăng tới 9,5%. Với việc điều chỉnh đồng loạt này, nhóm y tế đã đóng góp 0,44% vào mức tăng CPI chung”.

Hiện tượng “bất thường” này đang đặt ra rất nhiều lo ngại cho nền kinh tế bởi thực tế, cùng với mức tăng 2,5% trong năm 2012 thì việc gia tăng thêm 0,44% trong tháng 1/2013 của nhóm y tế ít nhiều sẽ tác động đến hầu bao của người dân. Và nếu hiện tượng này không được kiềm chế mà cộng hưởng với sự tăng giá của nhóm hàng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn vào tháng tết thì CPI tháng 2 và rất có thể là những tháng tiếp theo biến động khó lường.

Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi theo chu kỳ tính thì CPI tháng 2 sẽ được tính từ 16/1 đến 15/2 và đây cũng chính là thời gian có tết cổ truyền, giá cả nhiều lại hàng hóa tăng sẽ tăng. Và nếu dựa theo cách tính bình quân mức tăng CPI tháng 2 so với tháng 1 từ năm 2004 đến 2012 thì CPI tháng 2 hoàn toàn có thể “cán đích” ở mức 2,2%.

Chờ “thuốc” chính sách

Trả lời báo chí xung quanh mức tăng CPI tháng 1/2013, TS Vũ Đình Ánh đã thẳng thắn khẳng định rằng 1,25% là mức tăng quá cao và nếu các cơ quan quản lý, điều hành không có những chính sách linh hoạt, cẩn trọng trong thời gian tới thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 6,81% mà Chính phủ đã đề ra sẽ khó hoàn thành.

Đi sâu phân tích cụ thể các yếu tố làm tăng giá CPI, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết: Việc giá cả nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao tới 7,4% chứng tỏ các địa phương đã bắt đầu tăng giá nhóm mặt hàng này. Vào tháng 9/2012, khi CPI đột ngột tăng lên 2,2% do một loạt các địa phương tăng giá thuốc và dịch vụ y tế, Chính phủ đã chỉ đạo khoảng 30 địa phương còn lại tạm ngừng tăng giá. Như vậy, các tỉnh đó sẽ có thể tăng giá thuốc và dịch vụ y tế trong năm 2013 này, và đây là một trong những nguyên nhân đẩy CPI tăng cao.

Cùng chia sẻ những lo lắng trên, trong một thông báo phát đi ngày 25/1, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2013 sẽ dao động trong khoảng từ 8-10%. Căn cứ mà đưa ra nhận định này được đưa ra là do trong thời gian vừa qua, chính sách nới lỏng chỉ có tác động nhỏ lên nguồn cung tín dụng và tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở dưới mức tiềm năng 7-8% nên áp lực tăng giá từ lực cầu là không đáng kể.

ANZ cũng lưu ý, tốc độ tăng giá tại nhóm y tế sẽ giảm xuống mức vừa phải do mối quan ngại từ phía Chính phủ liên quan đến diễn biến chỉ số CPI và sẽ có có các biện pháp can thiệp. Từ đó, ANZ đưa nhận định, sắp tới Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục thận trọng trong suốt thời gian còn lại của năm bởi, các nhà hoạch định chính sách rất lưu tâm đến mục tiêu giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Xung quanh vấn đề này, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ để lạm phát năm 2013 phải thấp hơn 6,8% của năm 2012, tỉ giá tiếp tục ổn định và quản lý thị trường vàng tốt như đối với thị trường ngoại tệ.

Từ đó để thấy rằng, bài toán kiềm chế lạm phát của Việt Nam đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là vấn đề túi tiền của người dân với bài toán hàng tồn kho, kích thích sản xuất. Và đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề cập khi cho rằng, vấn đề cần quan tâm trong năm 2013 là khả năng cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý. Việc tăng giá một số dịch vụ, hàng hóa là cần thiết và hợp lý, khi giá cả của các hàng hóa, dịch vụ đó đã quá lạc hậu so với giá thành, làm biến dạng các quy luật kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, vấn đề là Nhà nước phải điều phối, các cơ quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp chặt chẽ. Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ khoa học để tính toán tác động của việc tăng giá các dịch vụ, hàng hóa tới nền kinh tế, tới lạm phát, từ đó có thể điều khiển quá trình tăng giá theo lộ trình một cách chặt chẽ, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thanh Ngọc