Chưa đến thời kỳ có thể nới lỏng quản lý ngoại hối

19:00 | 06/03/2013

924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 6/3, tại buổi tọa đàm góp ý về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, TS. Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta chưa đến thời kỳ có thể nới lỏng quản lý ngoại hối.

Theo TS. Trần Du Lịch, “Hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam một năm phải “một nắng hai sương” mới xuất khẩu được hơn 3 tỷ USD, trong khi đó, một năm số tiền người dân nước ta mang ra nước ngoài đi học, chữa bệnh, mua nhà khoảng 3,5 tỷ USD. Cho thấy, vấn đề “chảy máu” ngoại tệ là rất lớn. Do đó, cần quản lý ngoại hối như là vấn đề liên quan đến cán cân quốc gia, chưa có thể dễ dàng tự do hóa trong giai đoạn hiện nay”.

Ngoài ra, cũng theo TS. Trần Du Lịch, ngoại hối bao gồm cả vàng nhưng hầu như trong pháp lệnh chủ yếu bàn về việc quản lý ngoại tệ, nội dung quản lý về vàng không đáng kể. Trong khi đó, quản lý vàng là một trong những vấn đề rất lớn và cấp bách hiện nay. Trong Nghị định 24 quản lý về vàng vừa được ban hành, quyền quản lý thuộc về Ngân hàng Nhà nước rất lớn, vì vậy cần bổ sung thêm vào pháp lệnh các quy định về quản lý vàng.

Cần quản lý chặt chẽ để hạn chế “chảy máu” ngoại tệ

Tại buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều không đồng tình với phương án cho cá nhân vay nợ nước ngoài mà cho rằng chỉ nên cho pháp nhân vay. Vì cá nhân vay thì khó có khả năng trả nợ khi đó sẽ ảnh hưởng đến nợ quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Ngân hàng Bảo Việt, hiện nay, việc chảy ngoại tệ ra nước ngoài hầu như chúng ta không quản lý được, việc đi học, chữa bệnh, mua nhà ở nước ngoài hay vay cá nhân trên thực tế vẫn đang hiện hữu. Nếu có cấm chắc chắn cũng sẽ xảy ra hiện tượng lách luật, chuyển ngân lậu. Do đó, thay vì cấm, tại sao chúng ta không nghiên cứu tình hình thực tế để đưa ra biện pháp quản lý nhằm thu phí, kê khai thuế, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; không nên cứ áp dụng biện pháp “cấm” đối với những vấn đề chúng ta không quản lý được.

Cũng tại buổi toạ đàm, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi pháp lệnh là việc làm cần thiết để công tác quản lý ngoại hối phù hợp hơn với tình hình mới. Tuy nhiên, pháp lệnh sửa đổi phải nên cụ thể hóa hơn nữa các quy định, càng chi tiết càng tốt để dễ thực hiện khi pháp lệnh có hiệu lực thi hành.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Tuy nhiên, theo các đại biểu khi pháp lệnh được ban hành cũng phải chờ rất nhiều rất nghị định và thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước vì nhiều điều trong pháp lệnh còn chiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế hiện nay, một số vấn đề bất cập về quản lý ngoại hối đang tồn tại nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra được thông tư hướng dẫn.

Mai Phương