Cổ phần hóa không phải là "thay áo"

07:00 | 30/07/2014

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, trước những khó khăn của công tác cổ phần hóa hiện nay, để thực hiện hiệu quả công tác này là điều không dễ dàng.

Năng lượng Mới số 343

Tiến trình cổ phần hóa hơn 20 năm qua không phải là ít, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm từ trên 10.000 doanh nghiệp thời kỳ trước đổi mới xuống còn 5.600 doanh nghiệp năm 2001 và đến đầu năm 2014 chỉ còn 1.200 doanh nghiệp, trong đó giảm nhanh nhất là các doanh nghiệp do địa phương quản lý. Một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đã bị giải thể, phá sản, bán hoặc sáp nhập nhằm tăng tính bền vững cho hệ thống. Ðồng thời, những doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh được sắp xếp lại hình thành nên các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nắm giữ vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia như: điện lực, dầu khí, xây dựng.

Tuy nhiên, nếu ở thời hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2004-2005, trung bình mỗi năm có đến 800 doanh nghiệp được cổ phần hóa thì thời gian gần đây tốc độ cổ phần hóa diễn ra rất chậm, không đạt yêu cầu và mục tiêu Chính phủ đề ra. Giai đoạn 2011-2013, cả nước mới chỉ sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp.

Cổ phần hoá không phải là

Cổ phần hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn

Có nhiều lý do làm chậm quá trình cổ phần hóa mà các chuyên gia kinh tế đã nêu ra như: Những năm gần đây tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, thị chứng khoán không thuận lợi, điều kiện thoái vốn khó khăn. Tại các doanh nghiệp Nhà nước, hội đồng thành viên được giao quyền quá lớn, đại diện cho sở hữu Nhà nước mà không gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm, cộng với tư duy nhiệm kỳ nên một số lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại mình sẽ bị mất hoặc giảm quyền khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần; vướng mắc trong chính sách giải quyết số lao động dôi dư trong quá trình cổ phần; lạm phát năm cao năm thấp làm cho giá cả không phản ánh đúng thật chất tài sản của doanh nghiệp Nhà nước, khiến doanh nghiệp lúng túng trong xác định giá trị để cổ phần hóa.

Một nguyên nhân khác nữa là có quá nhiều bê bối xảy ra tại các doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong các tập đoàn, tổng công ty, trong đó phần lớn là sai phạm trong việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả, tiến độ thực hiện dự án chậm, gây thiệt hại lớn... Nhìn vào cơ chế hoạt động phức tạp, thông tin tài chính không minh bạch, sự đầu tư kém hiệu quả, nợ đầm đìa, khó thu hồi vốn... thì rất khó cho cổ phần hóa bởi không ai dám mua. Do đó, bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân căn bản làm chậm quá trình cổ phần hóa chính là yếu kém nội tại của doanh nghiệp.

Chính vì quá trình cổ phần hóa những năm qua diễn ra chậm nên mới dẫn đến việc dồn “toa” cho giai đoạn 2014 - 2015. Trong giai đoạn này, Chính phủ quyết tâm thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp hoặc hơn nửa số doanh nghiệp Nhà nước và sẽ kiên quyết thực hiện lộ trình thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp Nhà nước...

Quyết tâm là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại không thực hiện được theo mục tiêu đề ra bởi với một số lượng lớn doanh nghiệp phải bán ra bên ngoài, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì rất khó bán. Ðồng thời, nếu cổ phần hóa nhưng tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp của Chính phủ sau cổ phần vẫn còn tới gần 65% hoặc hơn nữa thì việc điều hành các doanh nghiệp này về cơ bản vẫn chưa thay đổi. Kết thúc quý I/2014, hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM đã tổ chức cho 25 doanh nghiệp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo hình thức đấu giá với tổng cộng hơn 355 triệu cổ phần, nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên 70% số này bị ế, tương đương lượng vốn hơn 2.500 tỉ đồng theo mệnh giá.

TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng Trường ÐH Tài chính - Marketing nhận định: “Mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015 có vẻ quá tham vọng trong tình hình cổ phần hóa chậm chạp như hiện nay. Nếu theo mục tiêu đề ra, trung bình mỗi ngày hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP HCM phải đưa ra bán đấu giá hơn 1 doanh nghiệp. Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% trong thời gian từ tháng 8-2013 đến tháng 3-2014 nhưng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn còn khá nhỏ so với lượng vốn cần thiết để đảm bảo sự thành công của chương trình cổ phần hóa”.

 Ðể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế Phạm Ðỗ Chí cho rằng: Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước cần được giải quyết bằng những biện pháp cụ thể hơn, trong đó có giải pháp thu hút tư nhân đầu tư vào 432 doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần. Ngoài vấn đề vốn, việc cấp thiết là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay; tạo môi trường tự do kinh doanh, bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân; hoàn thiện các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tự chủ, minh bạch của doanh nghiệp.

Không chỉ quan tâm đến số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, mục tiêu chính của cổ phần hóa là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tự chủ hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực của xã hội để mở rộng quy mô cũng như tận dụng mọi thời cơ để doanh nghiệp vươn ra biển lớn trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hiện nay. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là tạo sự chuyển biến thực sự trong năng lực hoạt động của doanh nghiệp sau khi cổ phần chứ không đơn thuần chỉ là “thay áo mới”.

Ðể làm được điều này, TS Nguyễn Văn Ðiển, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM cho rằng: Trước tiên phải tạo sự chuyển biến trong tư duy, phong thái làm việc ở doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa. Thoát khỏi sức ỳ, tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào sự bao cấp, bảo hộ của Nhà nước, đưa doanh nghiệp thực sự bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường. Muốn tồn tại đòi hỏi phải luôn đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh nếu không đành chấp nhận quy luật đào thải khốc liệt của thương trường; đòi hỏi, người lãnh đạo phải thay đổi tư duy điều hành. Bởi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chủ trương, chính sách và phương châm hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư. Người lãnh đạo phải là người thực sự có năng lực, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Bên cạnh đó, từng người lao động phải thấy được trách nhiệm của mình với doanh nghiệp vì khi cổ phần hóa người lao động trở thành cổ đông, tức là người đồng sở hữu doanh nghiệp chứ không chỉ là làm công ăn lương.

Chính phủ đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa. Chúng ta hy vọng, công cuộc cổ phần hóa sẽ đem lại chuyển biến thực sự trong hoạt động của doanh nghiệp và qua đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Phương Nguyễn