Để giải quyết nợ xấu: Cũng phải để một số ngân hàng phá sản?

19:19 | 02/08/2012

1,919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nợ xấu đang là vấn đề rất được dư luận quan tâm và được các phương tiện truyền thông nói đến trong suốt thời gian qua. Vậy nợ xấu là gì lại có tầm quan trọng đến như vậy và nợ xấu “xấu” đến đâu cũng như để giải quyết vấn đề này, giải pháp đề ra có hiệu quả hay không v.v... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Nợ xấu rất xấu

PV: Thưa ông, với nhiều bạn đọc, nợ xấu đang được hiểu là nợ quá hạn không trả được, như vậy đúng hay sai?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Trong hoạt động ngân hàng, phân ra làm 2 loại nợ, nợ tốt và nợ xấu. Trong nợ tốt lại có 2 loại gọi là nợ tam hạn và nợ quá hạn. Nợ tam hạn thì vay trả bình thường. Còn nợ quá hạn vì một lý do nào đó có thể như: mùa màng thất bát, hợp đồng sản xuất chưa thanh toán được hay hàng hóa tiêu thụ chậm trễ... mà không trả được đúng hạn vốn vay. Nhưng sau đó khắc phục được tất cả những khó khăn này người ta vẫn trả được. Đó là nợ quá hạn. Nợ quá hạn hiểu một cách đơn giản là ngân hàng  vẫn thu hồi được vốn. Nợ xấu lại khác hẳn, rơi vào rủi ro bất khả kháng, ngân hàng không thể thu hồi được, khả năng mất vốn rất lớn.

PV: Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu của toàn bộ hệ thống Ngân hàng là 202 nghìn tỉ, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng... Nhưng có ý kiến cho rằng, thực tế nợ xấu còn cao hơn mức ấy. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo con số mà tôi có được cũng đã công khai trên báo chí tính đến 31/5/2012, nợ xấu là 4,47% theo báo cáo của các tổ chức tín dụng qua hệ thống thống kê, giám sát. Nhưng tính đến 31/3/2012, qua hệ thống giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu lại là 8,6%. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do các tiêu chí, cách tính nợ xấu khác nhau. Chẳng hạn, với tiêu chí định tính là đánh giá khả năng hoàn trả của khách hàng thì với tổ chức tín dụng này, đánh giá khả năng của doanh nghiệp này cao, nhưng với tổ chức tín dụng khác, lại đánh giá khả năng này là thấp hoặc không có. Do đó, dẫn đến thống kê nợ xấu không đồng nhất. Tuy nhiên, cũng cần nói đến nguyên nhân mà một số tổ chức tín dụng đang làm là cố ý phân loại nợ trong trích lập dự phòng rủi ro không phân loại đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này dẫn đến các con số thống kê nợ xấu cũng chênh lệch với nhau.

PV: Vậy nghĩa là con số thống kê nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước là...

Ông Cao Sĩ Kiêm: ...Đáng tin cậy hơn. 

PV: Với tư cách là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông đánh giá như thế nào về con số 202 nghìn tỉ nợ xấu, tương đương với 8,6% này? 

Ông Cao Sĩ Kiêm:  Nếu so với chúng ta, mức nợ ở nhóm 5 như thế này là cao. Cao so với khả năng an toàn của hệ thống ngân hàng và khả năng an toàn của nền kinh tế. Nếu không thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ rất gặp khó khăn do “thâm” vào vốn, mất vốn, không có tiền lưu thông hoặc không dám cho tiền lưu thông vì sợ tiếp tục rủi ro. Còn nếu không trả được nợ, doanh nghiệp cũng khó khăn đương nhiên do những tồn tại về nợ, không có vốn hoạt động dẫn đến đình trệ sản xuất, kinh doanh... Mà hệ thống ngân hàng khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì chắc chắn nền kinh tế sẽ khó khăn. Như vậy, 202 nghìn tỉ là khoản nợ xấu, rất xấu.

PV: Thưa ông, khoản nợ xấu này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nào?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: chứng khoán, hàng tiêu dùng và bất động sản. Nhưng trong đó bất động sản chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 30%. Nhưng không phải ở phân khúc  nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở theo cung - cầu bình thường... mà lại ở lĩnh vực đầu cơ, kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn, miếng đất đáng ra giá chỉ 5 triệu đồng anh bán tới tận 20 triệu đồng, tức là đẩy lên giá trị ảo. 15 triệu đồng tiền lãi, anh tiêu pha, mua sắm, thậm chí là ăn chơi hết rồi, chỉ còn lại 5 triệu, anh lại tiếp tục vay vốn để đầu cơ nhiều hơn. Nhưng do kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng, anh không giao dịch, bán được số đất đã ôm thế là khoản tiền vay trở thành nợ xấu. Đáng ra, người ta phải bán đất đã đầu cơ ấy đi với giá thật để thu hồi vốn, nhưng anh lại vẫn muốn bán giá với giá ảo nên vốn đã khó bán, đất ấy lại càng khó bán hơn. Vậy là nợ đẻ ra nợ, nợ xấu càng xấu...

PV: Như vậy, có thể hiểu việc cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cũng dễ dãi?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Cũng không hẳn như vậy. Vì bản chất của hoạt động ngân hàng là định chế trung gian, anh vay của người này rồi cho anh khác vay và nhiệm vụ của anh là quản lý dòng tiền chuyển ấy đồng thời hưởng lợi ích từ đấy. Tuy nhiên, do chịu sự tác động của nền kinh tế nói chung, việc quản lý dòng tiền ấy không phải lúc nào cũng như mình mong muốn. Cho nên, trong công tác quản lý ngân hàng rất cần sự nhạy cảm, chặt chẽ để tránh rủi ro cao.

PV: Mặc dù nợ xấu được công bố 202 nghìn tỉ, nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn báo cáo lãi. Theo ông, nghịch lý này có thể hiểu như thế nào?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Nếu theo cách tính của quốc tế, tất cả những nhóm nợ nằm ở nhóm 4, 5 đều coi là lỗ. Cho nên không có chuyện lãi được trong khi nợ xấu của anh nhiều như thế. Ở đây chỉ có thể là lãi giả. Và lãi giả ấy có thể các ngân hàng tính theo cách: đối với món nợ không trả được, vẫn cứ hạch toán và xếp vào loại “dự thu” rồi chia cổ tức cho cổ đông như là vẫn có lãi như thường. Nhưng thực tế thì đã thâm vào vốn tự có rồi, tiền chia cổ tức không lấy ở vốn thì ở đâu. Bởi vậy, báo cáo là lãi nhưng thực ra anh lỗ vốn, mất vốn nặng, mặc dù đã trích lập dự phòng rủi ro. Tôi biết nhiều ngân hàng như thế lắm.

Phải để một số ngân hàng phá sản

PV: Ngân hàng Nhà nước xây dựng và đề xuất giải pháp: thành lập công ty mua bán nợ với số vốn 100 nghìn tỉ đồng để “cứu” hệ thống ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về đề án này?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Thực ra đây mới là dự kiến thôi chứ chưa hình thành, nghiên cứu, để có kết luận... Tuy nhiên, để giải quyết nợ xấu này thì thành lập công ty mua bán nợ chỉ là một bộ phận thôi. Ngoài ra, còn nhiều việc khác phải làm đồng bộ. Bây giờ muốn giải quyết nợ xấu, có 3 việc cần làm: Trước hết phải làm cho nợ xấu này ở phía ngân hàng rõ địa chỉ như: sắp xếp ngân hàng loại yếu, loại khỏe, rồi xem nợ xấu trong những ngân hàng đó nằm ở đâu, là bao nhiêu và khả năng thu hồi ra làm sao... Về phía doanh nghiệp, cũng phân loại doanh nghiệp có nợ xấu ít hay nhiều, nợ xấu đó khả năng chi trả đến đâu, hay không thể chi trả được, tài sản còn hay không còn... Khi sắp xếp, phân loại như vậy thì sẽ lộ ra tất cả những địa chỉ của các nợ ấy đồng thời sẽ phân tích khả năng thu hồi của ngân hàng là bao nhiêu, doanh nghiệp có thể trả bao nhiêu, tài sản như thế nào, nợ mất hay không mất...  Trên cơ sở đó, sẽ hiện hình ngay nợ xấu và nợ xấu như thế nào để mình có cách xử lý. Cũng dựa trên cơ sở này, thành lập công ty mua bán nợ với phương châm giải quyết: Nợ xấu như thế nào thì sẽ xử lý thế ấy. Ví dụ, nếu nợ xấu còn tài sản thì tôi sẽ mua lại và bán. Còn nợ xấu hoàn toàn không có khả năng chi trả thì tôi phải tính. Vì tôi không thể mua được hết nợ xấu của tất cả các ngân hàng, nhất là của những ngân hàng “yếu”. Nếu làm được những việc trên đây thì mới thành lập công ty mua bán nợ còn không cứ đè ra mua hết số nợ thì việc thanh chừng nợ xấu bị thất bại ngay. Ở một số nước trên thế giới cũng đã thành công với giải pháp này. Ta cũng nên làm nhưng có chọn lọc để cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Hơn nữa, ta cũng đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu, tất nhiên ở quy mô nhỏ từ đó tìm ra giải pháp cho mức độ nghiêm trọng hơn, phạm vi rộng hơn.

Nếu không giải quyết được nợ xấu, sản xuất kinh doanh sẽ bị đình trệ

PV: Tuy nhiên, với nguồn vốn 100 nghìn tỉ đồng, trong khi kinh tế đang khó khăn như thế này để có được không phải đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh: hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng ngân hàng thì được cứu trong khi các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác lại không, phải chịu rủi ro, phá sản... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Như tôi đã phân tích ở trên ngân hàng là một định chế trung gian vay tiền của người này cho người khác vay cho nên nếu để nợ xấu cao thì ảnh hưởng cả đến dân, đến doanh nghiệp. Mà hai đầu ấy bị ảnh hưởng thì dẫn đến nền kinh tế kiệt quệ ngay, đổ vỡ ngay. Do đó, vì sao nó được ưu tiên hơn so với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác. Nếu chúng ta không làm như vậy thì rất nhiều hệ lụy xảy ra như hoạt động kinh doanh sản xuất bị đình trệ, dòng vốn không được luân chuyển, thất nghiệp gia tăng trong xã hội... Nên cứu hệ thống ngân hàng là ta cứu nền kinh tế nói chung chứ không phải riêng ngân hàng. Còn nguồn vốn 100 nghìn tỉ đồng nếu công ty mua bán nợ được thành lập thì phải tính toán, bàn bạc kỹ. Cụ thể huy động từ đâu? Chắc chắn ngân sách không có nhiều. Vậy phải huy động từ các ngân hàng thương mại nhưng phải tính toán kỹ phân chia đóng góp thế nào, theo kiểu gì vì dù to hay nhỏ thì ngân hàng nào cũng có nợ xấu. Khi đóng góp vào đấy thì trách nhiệm, nghĩa vụ của các ngân hàng ra sao, xác định rõ vốn, ngân hàng lấy từ đâu...

Nếu huy động cả vốn từ trong dân thì như thế nào. Giả  sử phát hành trái phiếu thì ai sẽ đứng ra bảo đảm trái phiếu ấy, lãi suất của trái phiếu tính thế nào. Tất nhiên, nợ xấu hơn 200 nghìn tỉ thì không phải  tôi bỏ ra cả ngần đó tiền để giải quyết mà chỉ cần một số vốn để giải quyết những chỗ nào có thể giải quyết được và giải quyết dần chứ không phải cùng lúc giải quyết hết. Về phương thức mua, không phải anh nợ 100 tỉ đồng thì tôi phải trả anh cả 100 tỉ đồng. Tôi chỉ mua sau khi đã tính tài sản của anh còn bao nhiêu, trị giá bao nhiêu. Giả sử trị giá tương đương 20 tỉ đồng, tôi trả anh 20 tỉ để mua số nợ của anh. Còn đâu 80 tỉ anh phải chịu lỗ. Hoặc tôi mua nợ của anh đấy, nhưng tôi chưa trả tiền ngay, cứ khoanh ở đấy. Bao giờ tôi xử lý được tài sản thế chấp của anh, nợ của anh thì tôi mới trả tiền.  Chứ tôi mua hết, trả tiền hết anh chẳng phải chịu trách nhiệm gì, chẳng thua thiệt gì mà để người khác phải chịu thì tạo tiền lệ xấu, không được!

PV: Nghĩa là các ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu của mình?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Đúng rồi, được lợi anh hưởng thì khi hỏng, rủi ro anh cũng phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, ngân hàng nào yếu, không vực dậy được thì cũng phải chấp nhận phá sản để vừa làm sạch hệ thống ngân hàng vừa cứu được nợ xấu. Đó cũng là quy luật bình thường của thị trường.

PV: Nhưng nhiều người lo ngại, nếu thành lập công ty mua bán nợ, e rằng cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như trong khâu định giá,chạy đua để được  mua bán nợ...

Ông Cao Sĩ Kiêm: Để tránh được tất cả những hiện tượng như vậy, theo tôi Nhà nước nên là cơ quan trực tiếp điều phối, quản lý dựa trên các tiêu chí đã phân tích ở trên là công khai, minh bạch, phân định rõ các chỉ tiêu, địa chỉ... Đồng thời thành lập một hội đồng định giá gồm các thành phần: cơ quan quản lý, pháp lý, các nhà chuyên môn...

Chia sẻ và nhường nhịn

PV: Thưa ông, trong khi giải pháp xử lý tổng thể, quy mô về nợ xấu còn đang bàn bạc thì hiện nay, một số ngân hàng để giải quyết nợ xấu đã thực hiện biện pháp rất “chụp giật” dưới hình thức: anh cứ trả nợ cũ rồi tôi sẽ cho anh vay mới. Nhưng thực ra khi doanh nghiệp bằng mọi cách kể cả vay chợ đen để làm như vậy thì kết quả nhận được là ngân hàng “cấm cửa” ngay, không cho vay nữa. Theo ông, cách làm này có nên không?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Trong tâm lý hiện nay muốn giảm nợ xấu xuống tối đa, nên nhiều ngân hàng sử dụng “chiến thuật” như vậy. Nói về lý họ không sai. Nhưng về tình, trong thời buổi khó khăn như thế này, quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp là quan hệ biện chứng đáng ra phải cùng chia sẻ, cùng giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả. Như hai người cùng ngồi trên một con thuyền, ở giữa khơi cả hai phải cùng chèo thuyền thay vì một người cố gắng thoát ra ngoài và để mặc người kia. Nhưng thực tế việc thoát này không được. Vì doanh nghiệp “chết” nghĩa là anh cũng “chết” hoặc ngược lại. Cho nên đây là chiến thuật không nên làm và không hay...

PV: ...Vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết nợ xấu một cách tổng thể, hệ thống đúng không thưa ông?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Chắc chắn như vậy. Ngay như ngân hàng anh  ép họ 1 lần thì anh chỉ thu được nợ 1 lần thôi. Doanh nghiệp sẽ không trả nợ nữa, cũng không vay nữa. Như vậy nợ xấu anh càng nhiều. Vì cháo húp quanh công nợ trả dần hay lấy nợ nuôi nợ, ngân hàng phải cho doanh nghiệp vay thì doanh nghiệp mới tiếp tục sản xuất, kinh doanh rồi từ đó họ sẽ giải quyết dần dần món nợ với anh. Anh không cho người ta vay tức là tự anh cũng đóng cửa với các nợ xấu, không giải quyết được. Xét về tổng thể, nếu càng nhiều ngân hàng làm như vậy thì nợ xấu tăng lên càng nhiều dẫn đến sản xuất sẽ đình trệ, dòng vốn không lưu thông, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều khó khăn. Nền kinh tế vì thế càng suy thoái hơn, nguy cơ đổ bể lớn hơn...

PV: Hiện nay, một trong những giải pháp được coi là vừa giải quyết cho ngân hàng và doanh nghiệp về dòng tiền lưu thông, vừa giảm nợ xấu là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp? Nhưng các doanh nghiệp lại không hào hứng đón nhận chủ trương này? Theo ông, vì sao?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Để chặn nợ xấu phát sinh, ngân hàng đã giảm lãi suất xuống 15% thay vì 20-25% như trước đây. Với mức lãi suất cũ này thì gây ra rất nhiều nợ xấu. Trong khi với mức lãi suất mới người ta hy vọng thu gọn nợ xấu lại và khuyến khích tiếp tục các ngân hàng vay vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không hào hứng với chủ trương này là do tiêu chí dành cho doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất đó quá nghiêm ngặt – phải không có nợ xấu, 2 năm liền kinh doanh, sản xuất có lãi. Mà trong thời buổi khó khăn như thế này, khó doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn ấy. Cho nên họ không hoan nghênh nó. Thứ hai, sản xuất kinh doanh đang tồn kho cao do không bán được hàng. Nếu anh tiếp tục vay để sản xuất sau đó lại chất đống vào kho thì không vay. Thứ ba, số được tiếp tục cho vay không nhiều chỉ 8-10% trong khi những năm trước là 3-40%. Bởi vậy, đây là chủ trương của Nhà nước nhưng đi vào cuộc sống lại không hiệu quả.

PV: Vậy phải làm thế nào để hạn chế nợ xấu  thưa ông?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Nói chung còn bế tắc lắm, vướng mắc cả đầu ra, đầu vào, cả tiêu thụ sản phẩm, cả vốn vay... Bây giờ chỉ có trông chờ ở giải pháp đột phá, đồng thời có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ từ phía tất cả những cơ quan liên quan. Chia sẻ và nhường nhịn là tinh thần không những để hạn chế mà còn giải quyết nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng. Chứ anh nào cũng chỉ muốn mình an toàn, còn khó khăn đổ cho người khác thì không giải quyết được. Nhà nước cũng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm cao trong việc này.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)