Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp phát huy tác dụng

07:00 | 20/06/2014

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chờ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng thực hiện chức năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiên phong trong việc tiếp xúc và đối thoại thẳng thắn, từ đó tìm đường ra ngắn nhất với bế tắc của doanh nghiệp. Và kết quả đang đem tới một luồng không khí mới mẻ cho nền kinh tế còn trong thời gian ngột ngạt…

Năng lượng Mới số 331

“Là trách nhiệm người đứng đầu!”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Viết Mạnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khi nói về “sáng kiến” đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN) của NH Trung ương. “NHNN thực hiện chủ trương đối thoại trực tiếp NH - DN để giải quyết cơn khát vốn của DN từ đầu năm 2012, sau khi thanh khoản hệ thống được cải thiện rõ nét. Và bây giờ, khi nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã chấm dứt, DN cần được kéo gần nhà băng hơn, dòng tiền thông minh phải chảy tới chỗ cần tới”.

Theo ông Mạnh, NH không nên và không thể “quan liêu” trong công tác xét duyệt hồ sơ. Giờ là lúc phải chia cắt từng khía cạnh, phân tích từng điểm mạnh và mặt tích cực của mỗi DN để từ đó tìm ra những mảng miếng kinh doanh có thể cung cấp tín dụng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Và NHNN đã, đang và tiếp tục là mũi “tiên phong” trên mặt trận tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần của rất nhiều nghị quyết Chính phủ đã ban hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm 2013 và 2014, hàng chục chuyến công cán của đích thân Thống đốc và các phó thống đốc NHNN tới các địa phương là “điểm nóng” tín dụng, dành nhiều buổi làm việc với cộng đồng DN đã được thực hiện. Đây là điều chưa từng có, bởi vấn đề cung cấp tín dụng vốn là nhiệm vụ của hệ thống cấp 2, tức là của các NH thương mại và tổ chức tín dụng chứ không phải NH Trung ương.

TPHCM đang dẫn đầu cả nước về cấp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp

Bên hành lang Quốc hội, đặc biệt ở kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu hài lòng với báo cáo của NHNN về hơn 30 chuyến “vi hành” của Thống đốc cùng cấp phó của mình trong vòng 1 năm để trực tiếp cùng NHNN chi nhánh rà soát từng phương án, từng hồ sơ của DN. TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhận định, đây là điều chưa từng có trong lịch sử điều hành của các NH Trung ương. Thường thì việc xét cấp tín dụng cụ thể do chi nhánh NHNN các tỉnh thực hiện nhưng ở những “điểm nóng” đích thân Thống đốc, các phó thống đốc cùng thường trực UBND tỉnh, thành tham gia xử lý. “Đó là cách hay, bởi vấn đề mấu chốt là DN được vay và NH có khách để cho vay một khoản tín dụng khỏe mạnh, đáng tin cậy. Và điều quan trọng là sự có mặt của lãnh đạo NHNN sẽ có sức nặng riêng của nó”, TS Trần Du Lịch phân tích.

Trong công tác điều hành, hầu như năm nào NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các địa phương chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam; kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

“Chúng tôi luôn yêu cầu NHNN các địa phương phải trực tiếp làm việc với các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng) trên địa bàn để kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các giải pháp về tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay...), áp dụng lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở mức hợp lý và theo quy định hiện hành của NHNN Việt Nam, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm để chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp và hộ dân”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng nêu rõ cách thức chỉ đạo của NHNN.

Công tác phối hợp với UBND tỉnh, thành và các tổ chức tín dụng tổ chức hội nghị đối thoại với DN trên địa bàn (chủ yếu là địa bàn Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố có thị phần tín dụng lớn) nhằm đánh giá sát những khó khăn, vướng mắc của các DN trong quan hệ tín dụng NH, từ đó có biện pháp tháo gỡ phù hợp. Bên cạnh đó là việc giám sát chặt chẽ đối với từng tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định của NHNN Việt Nam về trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam, đồng thời nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động NH trên địa bàn để báo cáo và đề xuất với NHNN Việt Nam.

Dòng tiền thông minh đã chảy!

Có thể khẳng định, địa phương thành công nhất trong chương trình kết nối NH - DN chính là TP HCM. Thống kê cho thấy, trong năm 2013, chính quyền các cấp TP HCM đã kết nối thành công cho các DN với NH tại đủ 24 quận, huyện, thu hút 136 lượt NH tham gia cho vay và ký kết trực tiếp với khách hàng, với tổng hạn mức gần 14.000 tỉ đồng. Đặc biệt, tại hầu hết các quận, huyện, lượng vốn giải ngân của chương trình này đều đạt tới mức 90-100% trong thời gian ngắn. Điểm tích cực hơn cả, đó chính là thái độ của các NH thương mại đã thay đổi hoàn toàn khi thấy “cấp trên” của mình vào cuộc không câu nệ, nề hà.

Tính đến đầu tháng 5/2014, TP HCM đã tổ chức được 10 đợt ký kết cho vay giữa DN và NH tại 9 quận, huyện với tổng số vốn tín dụng cam kết trên 6.421 tỉ đồng. Đã có gần 300 DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất 7-11%/năm. Với thành công trên, vào nửa cuối tháng 4 vừa qua, NHNN đã có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp mở rộng chương trình kết nối này. TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Chương trình kết nối NH - DN có ý nghĩa thiết thực và mang lại những kết quả cụ thể đối với cộng đồng DN và hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội”.

TS Lịch cũng cho rằng, qua chương trình này, DN được tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và nếu được nhân rộng hơn sẽ góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Bởi, chương trình đã có những hỗ trợ rất thiết thực: Giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho DN, nhờ đó sản phẩm, dịch vụ được DN bán ra với giá cả hợp lý sẽ tạo thành lực đẩy kích cầu cho toàn nền kinh tế - đó là điều chúng ta đang mong muốn hiện nay.

Theo lãnh đạo NHNN, tới đây ngành NH tiếp tục đối thoại với DN thông qua hội nghị, hội thảo hoặc giao ban trực tuyến để thông tin, phổ biến cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, lãi suất và các cơ chế chính sách khác có liên quan, đồng thời giải đáp, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của DN. Với hình thức tổ chức “Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN” cùng sự hiện diện của lãnh đạo chính quyền địa phương, nhiều NH đã cho các DN trên từng địa bàn vay vốn trực tiếp. Thêm vào đó, tùy vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương và qua khảo sát nắm bắt tình hình cụ thể, NH có thể mở rộng thêm đối tượng tiếp cận nguồn vay này là hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối… Như vậy, đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng lợi ích của chương trình ngày càng phong phú, đa dạng về thành phần kinh tế, vốn tín dụng hỗ trợ, giải ngân ngày càng hiệu quả.

Lê Tùng