Kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn

16:05 | 30/09/2012

2,609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Kinh tế Việt Nam trong năm 2012 sẽ kém hơn 2011 và dự bao trong năm 2013 nền kinh tế nước ta vẫn tiềm tàng những bất ổn. Là nhận định của nhiều đại biểu tham dự “Diễn đàn kinh tế Mùa Thu 2012” được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP Vũng Tàu trong hai ngày 28 và 29vừa qua.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình chung. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là tình trạng nợ xấu và lượng hàng hóa đóng băng ngày càng lớn. Đáng lưu ý là khối tài sản đang bị ngâm từ bất động sản, chỉ tính riêng giá trị từ lượng tài sản này tại TP.HCM và Hà Nội đã lên đến 70.000 tỷ.

Theo PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, tình hình kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ được cải thiện nhờ những chính sách kịp thời của Chính phủ. Tuy nhiên xét trong tổng thể, nền kinh tế chưa thể thoát khỏi những hệ lụy từ tình trạng lãng phí đầu tư công, đầu tư dàn trải… Tình hình có thể dịu đi nhưng về lâu dài sẽ tiếp diễn những bất ổn thường trực, đòi hỏi chính phủ phải có những bước đi cẩn trọng.

Đại đa số ý kiến các đại biểu đều cho rằng bước qua năm 2013, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn. Những nguy cơ bất ổn và lạm phát vẫn tiềm tàng vì vậy không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao sẽ là gánh nặng lớn cho sự phục hồi của kinh tế.

Cũng tại diễn đàn này nhiều giải pháp căn cơ giúp phục hồi nền kinh tế đã được đưa ra. Trong đó, giải pháp cấp bách nhất là ngăn chặn việc đóng cửa tràn lan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần phải phát huy và đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nghị quyết mười ba của chính phủ nhằm ổn định sản xuất. Điển hình là thời gian qua, nhờ có những chính sách này nên đã có trên 6000 doanh nghiệp vừa và nhỏ nối lại việc sản xuất.

Bên cạnh đó cần phải tính toán lại sự phân bổ tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này. Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM nhận xét: “ Chính phủ cần có chính sách xem xét nguồn tín dụng của các doanh nghiệp. Đặc biệt với những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có phương hướng làm ăn tốt đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nhưng do khó khăn nhất thời nên họ bị ảnh hưởng thì nên mạnh dạn khoanh nợ và cho vay tiếp giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Kinh tế Việt Nam năm 2013 cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trong các giải pháp được đưa ra, biện pháp được cho là có yếu tố quyết định đó chính là tập trung tái cơ cấu nền kinh tế. Quá trình này cần được giải quyết trong thời gian dài và xuyên suốt để đưa nền kinh tế phục hồi, không nên giải quyết theo từng giai đoạn riêng lẻ. 

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Trong chính sách tái cơ cấu các doanh nghiệp, chính phủ cần phải có sự kiên quyết và dứt khoát. Ngay cả với những doanh nghiệp lớn hoạt động không có hiệu quả thì nên đóng cửa và giải thể chấp nhận cái chết của những doanh nghiệp này. Từ đó có nguồn lực giành cho những doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm số lượng lớn trong cả nước. Bởi lẽ số doanh nghiệp này đang giải quyết công ăn việc làm cũng như bình ổn cuộc sống của nhiều người trong xã hội."

Bên cạnh đó, trong quá trình cải cách cơ cấu phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi nền công nghiệp từ gia công lên sản xuất để có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển của nền kinh tế. Điều này cũng gắn với chủ trương đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra là phát triển theo chiều sâu. Để hướng tới mục tiêu trong thời gian tới, tăng trưởng không dựa nhiều vào vốn, vào tín dụng, vào khai thác tài nguyên… muốn vậy thì ngay từ bây giờ Chính phủ cần phải có các chính sách cụ thể. 

Một vấn đề khác đó chính là phải giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu trong các ngân hàng hiện là điểm yếu trong nền kinh tế hiện nay của nước ta. Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ: Nợ xấu là yếu tố có tác động tiêu cực đến sự phát triển huyết mạch của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn thì Đảng và Nhà nước cần có những biện pháp mạnh hơn để giải quyết vấn đề này góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thế phát triển ổn định lâu dài.

Thùy Trang