Ngân hàng lỗ to, sao không thấy ai đi tù?

19:00 | 19/02/2013

695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dân tài chính có chỗ "đổ rác" vì có những người vì lòng tham mà tình nguyện làm "bãi rác"

(Ảnh minh họa)

Vì sao gây ra cả một cuộc khủng hoảng mà không thấy ai đi tù? Cơ quan công tố nói rất khó chứng minh ý định lừa đảo, theo họ công chúng còn có lợi hơn nếu dàn xếp sau hậu trường thay vì kiện người ta mà vẫn thua.

Bộ Tư pháp Mỹ đã không kết tội nổi hai nhà quản lý quỹ đầu cơ của Bear Stearns dù ban đầu họ nghĩ vụ này chắc phải “ngon” lắm. Phần lớn các vụ kiện dân sự của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) sau này đều nhắm vào công ty thay vì cá nhân, tức cổ đông mới là người nộp phạt thay vì những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp.

Thực tế ấy khiến người ta đặt câu hỏi liệu cơ quan tố tụng đã đủ mạnh tay, và liệu họ có nhắm đúng mục tiêu.

Vấn đề phần nào là do cơ quan công tố chưa nhắm đúng người đúng tội. Cái sai không nằm ở người bán các sản phẩm rủi ro với giá quá cao, mà là ở kẻ ngây thơ đi mua những sản phẩm ấy cho người tiết kiệm và người về hưu.

Nguyên nhân là nhiều thứ vốn bình thường với dân tài chính lại rất “bất thường” với người ngoại đạo. Điều đó không có nghĩa mọi thứ trong ngành tài chính đều hợp pháp, mà nó cho thấy vì sao không xét xử được nhiều thứ gây “bức xúc dư luận”.

"Cái sai không nằm ở người bán các sản phẩm rủi ro với giá quá cao, mà là ở kẻ ngây thơ đi mua những sản phẩm ấy..."

Hiểu được vấn đề này, người ta sẽ không còn bị lừa như mấy năm vừa qua nữa. Ít nhất, họ cũng sẽ không dễ tha thứ cho mấy tay quản lý tài sản “ngây thơ” của mình.

Đa phần mọi người đều nghĩ bán cái gì xấu là vừa phạm pháp, vừa vô đạo.

Cơ quan tư pháp ắt chẳng tha cho công ty dược nào bán loại thuốc họ biết uống vào là chết người. Thế là người ta cũng nghĩ ai sản xuất ra các “sản phẩm tài chính độc hại” là có tội, và không truy tố được ai tức là cơ quan công tố hoặc bất tài, hoặc tham nhũng, hoặc cả hai.

Nhưng những ai từng làm trong ngành tài chính đều hiểu nhiều giao dịch tài chính không hơn một ván bài “thắng của kẻ thua, thua cho người thắng”.

Một công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng? Tức là ông chủ hiện tại muốn thoái vốn và ngân hàng có nhiệm vụ bảo lãnh phát hành không muốn mua cái thứ cổ phiếu ấy.

Môi giới chứng khoán “gợi ý” bạn một giao dịch? Tức là bộ phận tự doanh công ty ấy muốn “đổ vỏ”.

Ngân hàng đóng gói các khoản vay trên sổ sách của mình, chia nhỏ dòng tiền thành các “tranche” (gói), và bán ra như chứng khoán? Tức là ngân hàng muốn “đổ rác”.

Cần phải nhấn mạnh rằng những hành vi trên không phi pháp, cũng chẳng phi đạo đức, vì cả hai phía đều hiểu câu chuyện là gì và thông tin họ có cũng chính xác. Chỉ truy tố được nếu một trong hai bên nói dối mà thôi.

AIG từng bán rất nhiều đơn bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (“CDS”) vì họ nghĩ người ta định giá rủi ro cao quá, và đây là cơ hội kiếm lời. Nếu họ đúng thì những người từng “phất lên” nhờ mua CDS như tỷ phú John Paulson ắt không sạt nghiệp cũng lỗ to.

Một số người thoái vốn khỏi công ty khi họ nghĩ đã sắp tới đỉnh, ví dụ như Groupon và Blackstone. Bất kỳ ai nghĩ một công ty vốn cổ phần tư nhân sẽ “bán mình” với giá chiết khấu tốt nhất đừng có đầu tư cổ phiếu, thậm chí đừng có làm gì liên quan đến tiền.

Không ai làm cái nghề kinh doanh tiền tệ này lại không hiểu đó chính là “luật chơi”. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao nhiều nhà đầu tư có trình độ chỉ “thường thường bậc trung” lại bị ngân hàng lừa mua hàng đống “rác” như thế.

Ngạn ngữ có câu, “đừng hòng bịp được người lương thiện”. Nhà đầu tư không bị ép phải thua lỗ.

Cái hấp dẫn của các gói có quyền ưu tiên thanh toán trong các trái phiếu bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn (subprime CDO) là ở chỗ, người ta nghĩ nó phi rủi ro y như Trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng lợi suất lại cao hơn.

Nếu dừng lại mà nghĩ một chút ắt hẳn họ phải nghi ngại. Nhưng tiền kiếm dễ quá, nghĩ làm gì nhiều?

Và nạn nhân ở đây là người tiết kiệm và người về hưu, vốn vẫn nhờ các nhà quản lý quỹ trông coi hộ mình tiền. Ngân hàng không thể bán được “rác” nếu không có người tình nguyện mua.

Những người mua này chắc chắn đã vi phạm các trách nhiệm pháp định của mình, hoặc ít nhất, làm việc không đủ nghiêm túc. Có lẽ, đây là nơi cơ quan công tố nên nhắm đến.

Nên lưu ý rằng, Fannie Mae và Freddie Mac, hai cơ quan được chính phủ Mỹ chống lưng, đã mua tới hơn 1/3 số chứng khoán “rác” dạng này vào giữa thập niên 2000.

Họ mua không phải vì luật yêu cầu cho người nghèo và người thiểu số vay tiền, mà vì khi ấy chứng khoán bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp dưới chuẩn lãi “điên đảo luôn”.

Thời ấy dàn lãnh đạo Fannie Mae và Freddie Mac kiếm được hàng đống tiền nhờ khai thác chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lợi suất các subprime CDO với tỷ lệ đòn bẩy 50:1. Khi mô hình ấy sụp đổ, người nộp thuế phải đứng ra gánh hậu quả.

Hình như cơ quan công tố chưa quan tâm lắm đến chuyện này.

Minh Tuấn/TTVN