Nhà đầu tư nước ngoài cứ yên tâm!

06:00 | 18/06/2014

589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2014 (VBF 2014) cùng lời khẳng định Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, đã trở thành thông điệp chính thức tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Năng lượng Mới số 330

Ổn định chính trị, giữ vững an ninh

Trong bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điểm lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm vừa qua: tình hình kinh tế tiếp tục ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt, GDP năm 2014 có thể đạt 5,8%, xuất khẩu cả năm 2014 có thể tăng 15-16%, dự trữ ngoại tệ đảm bảo 12 tuần nhập khẩu… Đó là minh chứng mạnh mẽ cho sự ổn định của một nền kinh tế mới đạt mức thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, trong bức tranh tổng thể tươi sáng đó vẫn có những điểm chưa thể làm Chính phủ, nhân dân và các nhà đầu tư an tâm. Đó chính là những vụ phá hoại vào trung tuần tháng 5, khi một số kẻ manh động, quá khích lợi dụng việc biểu tình yêu nước đã thực hiện hành vi phá hoại tài sản của một số doanh nghiệp FDI, khu công nghiệp… “Toàn thể bộ máy chính trị, nhân dân Việt Nam đã hành động kịp thời, ngăn chặn ngay lập tức tình trạng, đồng thời gấp rút hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất sớm nhất. Hệ thống chính trị của chúng tôi hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện quyết tâm này”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh vụ việc xảy ra vào tháng 5. Theo Bộ trưởng Vinh, đây là sự cố bất ngờ, hoàn toàn chưa có tiền lệ tại Việt Nam, dẫn đến phản ứng chậm trễ của một số bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương. Tuy vậy, ngay lập tức, Chính phủ đã vào cuộc nhằm ngăn chặn dứt điểm tình trạng trên. Bằng chứng là cho đến nay, chỉ riêng Chính phủ đã ban hành 6 văn bản liên quan, chưa kể các bộ, ngành và UBND các địa phương cũng đã có những chỉ đạo cần thiết. Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy, 95% các doanh nghiệp FDI đã trở lại sản xuất bình thường.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc hội nghị

Để giải quyết dứt điểm hậu quả của vụ việc trên, Chính phủ đã tiếp tục thành lập các tổ công tác gồm Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống từng địa phương, từng doanh nghiệp cụ thể, phối hợp với chính quyền nhằm tháo gỡ khó khăn và ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.

Chia sẻ, cảm thông sâu sắc tới Chính phủ và các doanh nghiệp đang đối diện với những biến động vừa qua, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cũng có những đề xuất nhằm giúp các doanh nghiệp sớm ổn định trở lại. Trước hết, Chính phủ cần công bố chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới về tình hình hiện nay cùng các giải pháp cụ thể để ổn định môi trường kinh doanh. Korcham cũng đề nghị Chính phủ đưa ra những khoản vay với lãi suất phù hợp, miễn thuế cũng như tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc để khôi phục sản xuất và mạng lưới cung ứng bị thiệt hại.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa lại có một góc nhìn khác về sự việc vừa xảy ra. Theo bà Kwakwa, đó là sự việc đáng tiếc, nhưng Việt Nam đã có phản ứng phù hợp, nhanh chóng, kiểm soát hoàn toàn tình hình. Chỉ trong một thời gian ngắn, các nhà đầu tư đã lấy lại được niềm tin và hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thương mại với Trung Quốc cũng như thể hiện sự quan tâm cụ thể với các nhà đầu tư và môi trường kinh doanh.

Quốc tế đặt niềm tin

Trong các giải pháp của Chính phủ Việt Nam, chính sách tiền tệ được doanh nghiệp nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, sự nhất quán, linh hoạt và chính xác trong một thời gian dài mới gây ấn tượng mạnh mẽ, chứ không chỉ với thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên Biển Đông của Việt Nam. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ, mục tiêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp.

Nhấn mạnh quan tâm vào lĩnh vực ngân hàng, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Theo cam kết WTO đến năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết Việt Nam (trừ công ty chứng khoán) vẫn giới hạn ở mức 49% theo quy định hiện hành. Do đó, EuroCham hoan nghênh việc Bộ Tài chính đề xuất nâng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn này.

Đối với NHNN, sự vận hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động đưa tiền ra và rút bớt tiền về linh hoạt qua các kênh để kiểm soát lượng tiền cung ứng, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong điều kiện mua ngoại tệ tăng dự trữ Ngoại hối Nhà nước. Theo đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống cả năm 2014 khoảng 12-14%, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD và yêu cầu các TCTD thực hiện theo chỉ tiêu được giao, đồng trong quá trình thực hiện sẽ bám sát diễn biến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống và tình hình tài chính khả năng mở rộng tín dụng của từng TCTD để linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch JBAV nhấn mạnh Việt Nam cần quyết liệt hơn về phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo khảo sát của JETRO về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong các DN Nhật Bản đã tăng 4,3 điểm so với năm ngoái, đạt mức 32,2%.  Dẫu vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64%), Thái Lan (53%), Malaysia (43%)… Điều này cho thấy các hãng chế tạo Nhật Bản phải bỏ ra chi phí cao hơn khi chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhận định, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ là bạn bè họ có khả năng cạnh tranh cao muốn đến Việt Nam đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

Một vấn đề rất quan trọng thời gian vừa qua, đó là công tác khắc phục thiệt hại của các doanh nghiệp trong các vụ việc quá khích ở một số địa phương. Bà Lưu Mỹ Đức, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam đánh giá cao việc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) bị tổn thất tại Bình Dương và Đồng Nai trong vụ việc vừa qua. Đến nay có 99% doanh nghiệp bị thiệt hại đã quay lại sản xuất, trong đó 95% doanh nghiệp Đài Loan đã hoạt động lại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ hết sức nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ gây rối. Chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã ra 6 văn bản chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp. Các bộ, ngành như Tài chính, LĐ-TB&XH, Công Thương, NHNN, Ngoại giao, KH&ĐT, Công an, Bảo hiểm xã hội và UBND các địa phương cũng có biện pháp và chỉ đạo quyết liệt.

Bảo Sơn - Lê Tùng