Phải cải cách để doanh nghiệp còn phát triển

07:05 | 16/10/2014

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) thuộc Hiệp hội DNVVN, người đã từng giữ chức vụ tại Ngân hàng Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương cũng như hàng chục năm gắn bó cùng các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán.

Năng lượng Mới số 365

PV: DNVVN đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua, chiếm số lượng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái cũng là lúc DNVVN gặp vô vàn khó khăn. Theo ông, những khó khăn đó là gì và nguyên nhân do đâu?

TS Phạm Ngọc Long: Theo tôi, có thể điểm ra 5 khó khăn chủ yếu của DNVVN: mặt bằng sản xuất; thị trường đầu ra; đổi mới công nghệ; tiếp cận tín dụng và hỗ trợ tài chính; kỹ năng quản trị, thông tin và hỗ trợ pháp lý. Tùy từng doanh nghiệp, ở giai đoạn cụ thể mức độ khó khăn khác nhau, tựu chung xoay quanh những vấn đề đã nêu. Đặc biệt thời gian gần đây khó khăn nổi lên là khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu nền kinh tế mới trải qua suy thoái, sự hồi phục chưa như kỳ vọng, thị trường đầu ra vẫn còn khó khăn nên DNVVN vẫn phải cầm chừng kể cả giải thể, phá sản vẫn còn rất nhiều. Trong khi đó, ngay bản thân ngân hàng cũng vật lộn với xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, chấn chỉnh, kiện toàn bộ máy sau giai đoạn tăng trưởng “nóng” tín dụng. Niềm tin giữa hai bên lung lay, cơ sở mở rộng tín dụng vướng nhiều rào cản về các điều kiện tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, xếp hạng rủi ro khách hàng, năng lực thẩm định tín dụng của cán bộ ngân hàng ...

Phải cải cách để doanh nghiệp còn phát triển

TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

PV: Rào cản về thủ tục hành chính đã khiến các quyết sách về phát triển DNVVN không thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả. Ông có thể nêu ví dụ về các thủ tục này và ảnh hưởng như thế nào tới các DN?

TS Phạm Ngọc Long: Trước khi nói đến rào cản thủ tục hành chính, chúng ta cũng thấy được tính hiệu lực chủ trương, chính sách chưa đủ mạnh; tính khả thi của cơ chế, chính sách chưa cao, đặc biệt năng lực tổ chức triển khai cũng chưa tốt. Lý do ở đây là gì? Tính hiệu lực chưa đủ mạnh do thiếu khung khổ pháp lý, mà cụ thể là chưa có luật về hỗ trợ phát triển DNVVN. Việc thực hiện phải “vay, mượn, viện dẫn” ở nhiều văn bản luật, dưới luật liên quan, nên thường không tập trung, dễ bị phân tán, méo mó bởi sự chồng chéo, dẫm đạp trong quá trình vận dụng; Tính khả thi chưa cao do thiếu tầm nhìn ngay từ khi hoạch định cơ chế, chính sách mang tính chắp vá, ngắn hạn, không gắn với chiến lược phát triển bài bản nên dễ bị phân tán nguồn lực vốn hạn hẹp, không đủ sức thúc đẩy phát triển như kỳ vọng; Năng lực tổ chức chưa tốt do thiếu “đầu mối” tập trung thống nhất quản lý hỗ trợ phát triển, thiếu tính phối hợp khăng khít, đồng bộ xuyên suốt của các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức kém, nhân lực quản lý yếu, lại thêm bị chi phối bởi tính cục bộ, lợi ích nhóm… tất yếu khó có cách làm năng động, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.

Tất cả những lý do nêu trên bị che đậy bởi “rào cản thủ tục hành chính” là thứ dễ thấy nhất, khó quy lỗi nhất và tưởng rằng dễ sửa nhất, dẫn đến loay hoay trong cuộc chiến với “chiếc cối xay gió” vì chưa biết “đột phá” ở đâu? Xét đến cùng “thủ tục hành chính” hay “rào cản thể chế” cũng chỉ là hệ lụy do mấy lý do nêu trên sinh ra.

Phải cải cách để doanh nghiệp còn phát triển

Cảnh người dân và doanh nghiệp đi nộp thuế

PV: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cải cách quyết liệt các thủ tục hành chính, nhưng suốt những năm qua chưa có cải thiện gì nhiều. Theo quan điểm của ông, những sự cải cách này đã có hiệu quả chưa? Nếu chưa thì chúng ta đang tắc ở chỗ nào? Lỗi do ai?

TS Phạm Ngọc Long: Trước hết phải xem lại hướng đích cải cách lần này, đúng là phải rỡ bỏ các “rào cản” thủ tục hành chính xét thấy không còn phù hợp, gây cản trở nhưng cách làm không phải chỉ tìm cách thay thế, giảm cái này, tăng cái kia, rồi cứ loay hoay theo kiểu bớt được giấy phép “mẹ” lại đẻ ra giấy phép “con”, cơ chế thì “1 cửa liên thông” nhưng đó lại là “1 cửa” nhiều “khóa”, nhiều “ngách”?!

Nếu thực sự quyết tâm làm, làm quyết liệt thì ngoài việc phải khắc phục mấy lý do tôi đã nêu trên thì khâu “đột phá” chính là cải cách công tác nhân sự, cán bộ quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo đó đất nước sẽ “phát lộ” ngay và sớm những nhân tài thực sự là người khai sáng, dẫn dắt cải cách, sẽ tìm ra cách thức rút ngắn thời gian, lộ trình để sớm đưa cải cách đến thành công, giảm thiểu chi phí và rủi ro cho xã hội.

Mặt khác phải có đủ dũng khí, đủ pháp lực và khôn khéo để sớm loại bỏ các “cản trở” đối với cải cách. Cải cách chưa thể có hiệu quả chủ yếu do chưa làm cải cách thực chất và bế tắc ở chỗ rất nhiều việc to tát, tưởng chừng có thể “dời núi, lấp biển” lâu nay bàn nhiều, hô hào nhiều mà chưa làm đến nơi, đến chốn. Có lẽ tùy theo cách cảm nhận mà mỗi người dân, mỗi tổ chức phải thấy được trách nhiệm đã thực “đồng lòng, chung tay” với Đảng, Nhà nước làm cải cách hay chưa? Chứ không thể có ai khác ngoài chính chúng ta, dân tộc ta phải tự làm việc này.

Phải cải cách để doanh nghiệp còn phát triển

PV: Vấn đề về công nghệ gần đây được nhắc đến nhiều, người ta đưa ra con số gần 80% công nghệ ở các DN từ thập niên 90 và hết khấu hao. Theo ông, điều đó có phải lý do khiến DN hiện nay không thể bắt kịp được với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ và sản phẩm mới? Cần phải có thay đổi như thế nào để khắc phục tình trạng này?

TS Phạm Ngọc Long: Áp lực đổi mới, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thay thế, đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về tăng trưởng “xanh”, sản phẩm “sạch”, thân thiện môi trường... rõ ràng là ngày càng lớn đối với các DNVVN. Cùng với yêu cầu tăng năng suất lao động, giúp giảm giá thành sản phẩm, thì khoa học và công nghệ còn giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trên đồng sản phẩm. Đó cũng là “cú hích” cực mạnh buộc họ phải nâng cao năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh, tạo lập chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Suốt 5 năm nay, Chính phủ kiên trì với chủ trương định hướng doanh nghiệp sản xuất “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và khuyến khích “Người Việt dùng hàng Việt” cũng nhằm mục đích thông qua cơ chế thị trường và thách thức hội nhập buộc các doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới công nghệ sản xuất. Mặc dù đối với phần lớn các doanh nghiệp đây là sự đòi hỏi đầu tư khá tốn kém, nhưng không có cách nào khác hoặc là tồn tại, tiến lên phía trước hoặc là chấp nhận thất bại, thậm chí thua ngay trên “sân nhà”. Một mặt, cần khẩn trương kiện toàn hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ có điều kiện đối với doanh nghiệp. Mặt khác, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển sang mô hình phát triển kinh tế về “chiều sâu” chủ yếu dựa vào đổi mới khoa học và công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuối cùng, kiên quyết thực hiện các cam kết theo đúng tiến trình hội nhập thể hiện ở các hiệp định thương mại, đầu tư đã và sẽ tiếp tục ký kết ở cấp độ khu vực và thế giới; 

PV: Ngoài vấn đề về công nghệ, vấn đề về nguồn nhân lực và trình độ quản lý ở các DNVVN, những yếu tố trên có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng của DNVVN hiện nay?

TS Phạm Ngọc Long: Vấn đề nguồn nhân lực và trình độ quản lý ở các DNVVN cũng còn nhiều hạn chế, là thách thức lớn về nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của khu vực này. Tính tuân thủ pháp luật, minh bạch chế độ báo cáo tài chính, kế toán chưa cao, khả năng ứng phó biến đổi thị trường yếu, chậm cải tiến, đổi mới nâng cao kỹ thuật công nghệ; mẫu mã, chủng loại, chất lượng sản phẩm còn rất lâu mới theo kịp hàng ngoại... đều bắt nguồn từ trình độ quản lý doanh nghiệp. Mà trong đó chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu vực DNVVN là vấn đề đáng lo ngại. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến khu vực DNVVN tuy đông mà vẫn yếu, chỉ có 2,2% có quy mô vừa, còn lại là nhỏ và siêu nhỏ, trong đó gần 70% là siêu nhỏ. Sự phát triển thụt lùi, “nhỏ hóa” về quy mô, tụt bậc về các chỉ số về năng lực cạnh tranh của khu vực DNVVN làm suy giảm không ít niềm tin ở các đối tác, bạn hàng làm ăn lớn và chuyên nghiệp, trong đó có giới tài chính, ngân hàng, dầu khí, viễn thông, hàng không, bán lẻ hàng tiêu dùng nhìn chung đã có bước tiến khá dài theo cơ chế thị trường. Đặc biệt trước cơ hội và thách thức lớn của tiến trình hội nhập sắp tới thì những điểm hạn chế này nếu không khắc phục kịp thời sẽ là nguy cơ lớn không chỉ khu vực DNVVN mà còn là nền kinh tế đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Sơn (thực hiện)