TP HCM: Doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận theo chiều sâu

06:51 | 21/07/2012

1,298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM về vấn đề trên và xung quanh các chính sách của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Các doanh nghiệp có nợ xấu ngân hàng từ nhóm 3 trở lên sẽ bị đưa lên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để cảnh báo chung cho toàn hệ thống. Do đó, khi bị đưa lên hệ thống này, doanh nghiệp (DN) khó lòng vay được vốn ngân hàng. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù có trả xong nợ xấu thì tên DN vẫn bị lưu ở “sổ đen” trong 5 năm khiến không ít DN khó tiếp cận được với vốn ngân hàng.

PV: Thưa ông, hiện nay nhiều DN phản ánh rằng, họ không vay được vốn ngân hàng do bị lưu tên trên hệ thống CIC mặc dù đã trả xong nợ xấu. Vậy khi DN bị liệt vào “sổ đen” của ngân hàng thì có cách gì để họ có thể tiếp cận với vốn vay ngân hàng?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Nợ ngân hàng được chia ra thành 5 nhóm từ 1 đến 5 theo mức rủi ro từ thấp đến cao, trong đó nợ nhóm 3, 4, 5 là nhóm có rủi ro cao. Khi DN có nợ bị xếp vào nhóm này thì hệ thống thông tin tín dụng CIC sẽ đưa thông tin DN lên hệ thống.

Khi ngân hàng muốn cho một đối tượng khách hàng nào vay vốn họ đều phải tra cứu thông tin trên CIC xem khách hàng có vay vốn ở các ngân hàng khác không? Có nợ xấu không?… để nghiên cứu, thẩm định trước khi quyết định cho vay. Do đó, khi tên DN có nợ xấu đã bị “treo” trên hệ thống này thì DN rất khó lòng vay vốn của các ngân hàng. Cho dù DN đã trả xong nợ thì tên vẫn bị lưu trên hệ thống trong thời gian 5 năm mới gỡ xuống. Việc này là theo thông lệ quốc tế chứ không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, với những DN rơi vào trường hợp đã trả nợ xấu mà vẫn không vay được vốn ngân hàng do tên bị đưa lên CIC thì tốt nhất khi vay vốn DN và ngân hàng phải ngồi lại với nhau để ngân hàng hiểu rõ tình hình của DN khi quyết định cho vay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh  - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM

PV: Trước những khó khăn của DN, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng nên nới lỏng điều kiện cho vay vì với hàng loạt các điều kiện để được vay vốn như hiện nay thì chỉ một số rất ít DN có thể đáp ứng được?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc nới lỏng điều kiện cho vay tín dụng sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng và đặc biệt không phải rủi ro về mặt tài chính, vật chất mà còn là rủi ro tổn thất về mặt con người và cả hệ thống. Do đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Thống đốc NHNN cũng như ngành ngân hàng vẫn kiên quyết giữ điều kiện vay vốn chứ không nới lỏng. Dù có cải tiến nhưng hồ sơ vay vốn cũng phải đảm bảo tính pháp lý và tính chặt chẽ. Tuy nhiên, thời gian qua để các DN có điều kiện tiếp cận với vốn ngân hàng nhiều hơn, nhiều ngân hàng cũng đã giải quyết cho vay đối với trường hợp DN không có tài sản thế chấp và chấp nhận cho DN thế chấp bằng dòng tiền (nguồn thu bán hàng của DN). Và hiện tại, ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cường cho các DN vay vốn để phục hồi sản xuất, kể cả DN đang bị lỗ nhưng còn hoạt động sản xuất kinh doanh.

PV: Theo chỉ đạo của NHNN thì đến ngày 15/7 các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất các khoản cho vay cũ về mức lãi suất tối đa là 15%/năm. Việc kéo giảm lãi suất trần cho vay xuống còn 15% thì ngành ngân hàng có bị ảnh hưởng không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc kéo giảm lãi suất xuống 15%/năm, các ngân hàng sẽ mất một nguồn thu tương đối lớn. Nếu làm nghiêm túc việc này thì các ngân hàng sẽ mất khoảng 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng cũng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận của mình để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Trước mắt, chính sách này không gặp sự phản ứng nào của các ngân hàng thương mại và các ngân hàng thương mại cũng đang rất nghiêm túc thực hiện. Cụ thể như Vietinbank, ngoài việc điều chỉnh lãi suất đối với tất cả các khoản vay cũ xuống mức tối đa 15% thì với các khoản vay mới ngân hàng này cũng tuyên bố sẵn sàng cho DN vay vốn lưu động với lãi suất chỉ 11–12%/năm.

PV: Hiện nay, hàng tồn kho là khó khăn chung của nhiều DN, để giải quyết hàng tồn kho thì cho vay kích cầu tiêu dùng là một giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay việc cho vay tiêu dùng của các ngân hàng ở nước ta còn hạn chế. Vậy trong thời gian tới ngân hàng có mở rộng cho vay kích cầu tiêu dùng hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Để kích cầu tiêu dùng cần có sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các sở, ngành địa phương, các hiệp hội và bản thân DN. Trong thời gian qua cũng có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng nhưng có thể do động thái của một số sở, ngành còn chậm nên hiệu quả bước đầu chưa đạt được như mong muốn. Thời gian tới, ngân hàng sẽ mở rộng rất nhiều trong việc cho vay kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là cho vay để mua phương tiện đi lại, thiết bị gia dụng hoặc cho vay để chi trả chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.

PV: Tại TP HCM, để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN với ngân hàng, UBND thành phố đã đề ra giải pháp yêu cầu các sở, ngành, hiệp hội, UBND các quận, huyện lập danh sách DN cần vay vốn, sau đó chuyển qua cho phía ngân hàng. Các ngân hàng sẽ đến trực tiếp từng DN để tháo gỡ vướng mắc và xem xét việc hỗ trợ vốn cho DN. Việc làm này đem lại hiệu quả như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đây là biện pháp kết nối giữa DN và ngân hàng theo chiều sâu, ngân hàng trực tiếp xuống các quận, huyện, đến từng DN, từng khu vực để kết nối với các DN. Việc này thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực và đang tiếp tục được mở rộng.

Từ giữa tháng 5 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho 4.200 các DN thuộc đối tượng ưu tiên vay với lãi suất ưu đãi 12 - 13%/năm với số tiền 25.247 tỉ đồng. Mới đây chúng tôi cũng đã ký với quận Tân Bình, cho 11 DN ở quận vay với số tiền hơn 92 tỉ đồng, lãi suất bình quân 12%/năm, thời hạn cho vay là 12 tháng. Trong tuần tới chúng tôi sẽ triển khai cho vay ở một số quận, huyện nữa. Cụ thể, Sacombank sẽ hỗ trợ một khoản tín dụng là 2.000 tỉ đồng và 50 triệu USD cho 15 DN vay với lãi suất 13%/năm đối với đồng Việt Nam và 4,5%/năm đối với USD. Ngân hàng Đông Á cũng sẽ hỗ trợ cho 6 DN vay với lãi suất 13%/năm và tổng số tiền cho vay khoảng 40 tỉ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc tế VIB cũng vừa làm việc với chúng tôi và cho biết sẽ tài trợ một khoản tín dụng là 1.500 tỉ đồng để hỗ trợ cho các DN trên địa bàn thành phố vay với lãi suất 12-13%/năm. Riêng mảng bất động sản, VIB còn có 1 dự án riêng cho vay với lãi suất chỉ 9,9%/năm.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

M. Phương (thực hiện)

(Báo Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)