Vì sao doanh nghiệp vẫn đói vốn?

07:00 | 13/10/2014

746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều ngân hàng mà vay vẫn khó! Tưởng chừng như nghịch lý này không thể tồn tại khi mà “ra ngõ là gặp ngân hàng”. Thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn không thể vay vốn, gói hỗ trợ 50.000 tỉ đồng mua nhà xã hội cũng không giải ngân được bao nhiêu, trong khi nhu cầu vốn cho hồi phục và phát triển kinh tế vẫn luôn vô cùng cấp thiết.

Năng lượng Mới số 364

Từ chuyện ra ngõ gặp ngân hàng...

Theo thông tin cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hiện tại, cả nước có 40 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và liên doanh, 17 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính. Ngoài ra, còn có 51 chi nhánh NH nước ngoài, văn phòng đại diện NH và hàng trăm quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính trung gian khác.

Xét về quy mô, theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm 30-6, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 5,96 triệu tỉ đồng, trong đó những ngân hàng có quy mô hàng đầu trên 500 tỉ đồng như Vietinbank, BIDV, VCB. Ở chiều ngược lại, NH Phát triển Mekong (MDBank) và SaiGonBank là 2 ngân hàng duy nhất có tổng tài sản dưới 20 nghìn tỉ đồng.

Với một NH quy mô lớn, mạng lưới NH cũng được mở rộng tương ứng. Hầu hết các NH đều có từ 1 đến 2 chi nhánh tại các tỉnh thành. Cá biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có thể có 5-10 chi nhánh. Kèm theo mỗi chi nhánh là hàng chục phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm cấp dưới. Đặc biệt, mạng lưới Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) còn phủ xuống cấp xã tại các tỉnh với hình thức 3 xã có 1 điểm giao dịch.

Các NHTM cổ phần khác thì đến nay cũng đã có sự hiện diện tại rộng khắp tại các thành phố lớn như  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.

Vì sao doanh nghiệp vẫn đói vốn?

Phòng giao dịch của ngân hàng BIDV

Tính sơ sơ, các ngân hàng lớn có khoảng trên dưới 100 chi nhánh, vài trăm đến vài nghìn phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm. Còn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn thì số chi nhánh và phòng giao dịch có ít hơn, nhưng mức độ tập trung tại các thành phố cũng nhiều không kém. Chung cho cả hệ thống tín dụng, con số này là rất lớn và còn tiếp tục gia tăng hằng năm.

Chính vì vậy, với chỉ vài trăm mét mặt phố nhưng có sự hiện diện dày đặc các NH không còn là câu chuyện hiếm gặp ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Trước tình trạng NH mọc lên như nấm, NHNN đã có nhiều văn bản để kiểm soát và khống chế số lượng ngân hàng và các chi nhánh được phép mở trên địa bàn. Ngoài quy định tăng mức vốn điều lệ bắt buộc (NH là 3.000 tỉ đồng, công ty tài chính là 500 tỉ đồng), Thông tư 21/2013 ngày 9-9-2013 của NHNN ra đời đã đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt đối với việc mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch của một NH. Theo đó, NH muốn thành lập thêm chi nhánh phải đạt những yêu cầu do NHNN đưa ra như: hoạt động có lãi, giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định, tuân thủ các điều kiện an toàn và có nợ xấu dưới 3%… Ngoài ra, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các NHTM chỉ được thành lập tối đa 10 chi nhánh và không được thành lập quá 3-5 chi nhánh trong 1 năm.

Quy định này đã chặn lại đà tăng trưởng số lượng nhanh hơn chất lượng của các NHTM, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và giúp hoạt động NH ổn định, tránh thua lỗ do chạy đua mở rộng quy mô phải duy trì hoạt động các chi nhánh không hiệu quả. Bên cạnh đó, khống chế số lượng và tốc độ mở rộng mạng lưới còn góp phần giúp các ngân hàng sử dụng hiệu quả hơn mạng lưới hiện tại, tránh việc tốc độ phát triển quy mô vượt quá tốc độ phát triển chất lượng - một yếu tố khiến cho ngành tài chính tiền tệ gặp khủng hoảng trong thời gian qua.

…đến việc thiếu vốn cho nền kinh tế

Số lượng NH và quy mô hùng hậu như vậy, tuy nhiên, thời gian qua một thực tế đang nổi lên là nền kinh tế đang bị thiếu vốn.

Doanh nghiệp than thở thiếu vốn để hồi phục và phát triển sản xuất; đa số các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn NH do không đủ điều kiện để tiếp cận các khoản tín dụng. Nền kinh tế vì thế cũng phục hồi chậm hơn, các chính sách kích thích hỗ trợ doanh nghiệp không phát huy hiệu quả.

Các cá nhân mong muốn tiếp cận vốn NH để vay mua nhà, bất động sản cũng không dễ dàng gì. Gói ưu đãi mua nhà xã hội 50.000 tỉ đồng hiện mới giải ngân được khoảng 2% cho thấy việc vay vốn giá rẻ không hề dễ! Hệ lụy của nó là chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước không được thực thi, doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục bê bết vì không bán được nhà, người có nhu cầu thì vẫn không có nhà để ở.

Bằng chứng rõ nhất của tình trạng vốn đang ứ đọng trong các NH là giao dịch liên NH hiện đang có mức lãi suất cực thấp, dao động chỉ từ 1,4-2% cho kỳ hạn 1 tuần. NHNN cũng tích cực thông qua thị trường OMO hút ròng lượng vốn lớn từ thị trường. Ngoài ra, lãi suất huy động giảm và tốc độ tăng trưởng thấp (hiện khoảng 6,73% so với cuối năm 2013) cũng cho thấy các NH đang có hiện tượng dư thừa tiền rất lớn, đồng thời phản ánh khả năng hấp thụ của nền kinh tế thấp do tổng cầu yếu.

Hiện nay, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc biệt, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là: 7-8%/năm, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường: 9-10%/năm (ngắn hạn), 10,5-12%/năm (trung và dài hạn). Nhưng theo báo cáo của Thanh tra NHNN, mặc dù từ đầu năm đến nay các NH đã giảm lãi các khoản cho vay cũ, tuy vậy, số lượng các khoản lãi cao hiện còn khá lớn. Các khoản vay có lãi suất trên 15% chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ, lãi suất trên 13% còn tỷ trọng khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng.

Vậy, câu hỏi đặt ra là: ngân hàng dư thừa vốn tại sao lãi suất cho vay không giảm mạnh? Nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế lý giải có thể do hầu hết các khoản vay được ký kết trước đây, do vậy, lãi suất cho vay đang được áp dụng theo các thỏa thuận trước đó của hợp đồng tín dụng. Do đó, mặc dù lãi suất các khoản vay mới đã giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp không tất toán được khoản vay cũ và vẫn è cổ với các khoản vay này với lãi suất cao hơn nhiều.

Việc tiếp cận các khoản vay mới cũng không dễ dàng gì do nhiều doanh nghiệp đang có dư nợ hoặc phát sinh nợ xấu tại các NH. Trong khi đó, hành vi vay đảo nợ bị nghiêm cấm, vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn ở trong vòng luẩn quẩn khi khoản vay hiện tại chịu lãi cao mà không thể tiếp cận khoản vay mới lãi thấp hơn.

Nhìn theo một khía cạnh khác, do khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn thấp, bắt nguồn từ doanh nghiệp chưa hồi phục, phương án kinh doanh chưa hiệu quả hoặc có các khoản nợ xấu phát sinh. Vì vậy, các NH cũng không mặn mà gì với việc cho vay ra, nhất là con số nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang khiến nhiều người giật mình khi có thể lên tới 9,71% (tính đến 2-2014) chiếm 307.000 tỉ đồng tổng dư nợ (báo cáo của Thanh tra giám sát NHNN).

Tại diễn đàn kinh tế mùa thu vừa tổ chức ngày 27-9 vừa qua, lý giải nguyên nhân vì sao tín dụng vẫn mắc, chưa chảy vào nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho rằng: “Doanh nghiệp muốn hạ lãi suất xuống nữa, nhưng liệu hạ lãi suất tiếp có thể tháo gỡ lưu thông tín dụng hay không? Thực tế, tín dụng mắc rất nhiều, chứ không phải chỉ là lãi suất”.

Như vậy, có thể thấy NHNN đã nhìn nhận vấn đề nút thắt tín dụng ở nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ từ vấn đề lãi suất mà còn do các vấn đề khác liên quan đến khoản vay như: Nhu cầu, tài sản bảo đảm, tính hiệu quả của phương án vay, nguồn trả nợ… Chắc chắn, thời gian tới, NHNN sẽ có nhiều chính sách đồng bộ hơn để gỡ nút thắt này, thay vì chỉ tập trung giảm lãi suất như thời gian gần đây.

Thành Trung