Doanh nghiệp thép sản xuất cầm chừng để giải phóng hàng tồn kho

19:00 | 05/03/2013

1,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù, trong những tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ thép đã tăng lên song các doanh nghiệp vẫn chưa dám đẩy mạnh sản xuất mà vẫn chỉ sản xuất cầm chừng để giải phóng hàng tồn kho.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tháng 2, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 167 nghìn tấn, chỉ bằng 64,7% so với tháng 2/2012; thép cán ước đạt 158,1 nghìn tấn, tăng 2,8% so với tháng 2/2012; thép thanh, thép góc ước đạt 198,4 nghìn tấn, chỉ bằng 86,6% so với tháng 2/2012.

So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng 18,1%, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép tăng 5,4%; xét về lượng, xuất khẩu sắt thép các loại tăng 32%.

Sản lượng sản xuất giảm, xuất khẩu gia tăng, sức tiêu thụ trong nước nhích lên dẫn đến lượng thép tồn kho giảm mạnh, giảm hơn 16% so với cùng kỳ.

Giá bán thép ở khu vực phía Bắc và phía Nam hiện tăng phổ biến từ 220.000 - 300.000 đồng/tấn so với giá bán bình quân của tháng 1. Hiện, giá bán tại nhà máy của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) ở khu vực phía Bắc là: thép cây phổ biến từ 13,25 - 14,45 triệu đồng/tấn, thép cuộn từ 13,35 - 14,45 triệu đồng/tấn (chưa chiết khấu, chưa VAT); khu vực phía Nam thép cây có giá từ 16,32 - 16,67 triệu đồng/tấn; thép cuộn từ 16,32 - 16,61 triệu đồng/tấn.

Thị trường thép có nhiều dấu hiệu lạc quan trong năm 2013

Hầu hết, các chuyên gia đánh giá, ngành thép sẽ có bước phục hồi trong năm 2013 nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Dự kiến, sản lượng toàn ngành thép sẽ tăng khoảng 2% so với năm 2012, đạt khoảng 9,33 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.

Tuy thị trường có tín hiệu lạc quan nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa dám đẩy mạnh sản xuất mà tiếp tục tập trung giải phóng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt, thép phế liệu, phôi thép đã tăng lên do thị trường Trung Quốc hút hàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thép trong nước. Các doanh nghiệp cũng ngừng nhập khẩu phôi thép trong tháng 2.

Theo đánh giá của VnSteel, năm 2012 là năm khó khăn nhất trong lịch sử của các doanh nghiệp ngành thép do thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài khiến nhiều dựa án xây dựng bị đình trệ, đầu ra ngành thép bị tắc nghẽn, tồn kho tăng cao. Trong tình hình khó khăn đó, sản phẩm thép trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Tình thế này, khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản, ngừng hoạt động, phần lớn các nhà máy thép chỉ chạy 40 - 50% công suất để duy trì hoạt động và giữ chân người lao động.

Năm 2013, dự báo nhu cầu thép xây dựng nội địa tăng trưởng khoảng 4 - 4,5% so với năm 2012. Tuy nhiên, tình hình cũng tiếp tục được dự báo sẽ còn khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư giảm sút, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi. Do đó, các doanh nghiệp ngành thép cũng chỉ cầm chừng, trông chờ sự ấm lên của thị trường.

Mai Phương