Doanh nghiệp Việt thiếu kinh nghiệm phòng vệ rủi ro

14:25 | 22/10/2012

1,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kinh doanh là một nghề đầy rủi ro, như người Anh thường nói “Đã kinh doanh bạn phải chấp nhận rủi ro, sợ rủi ro thì bỏ nghề kinh doanh. Vấn đề là lường trước rủi ro, hạn chế rủi ro và tránh được rủi ro”. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và gia tăng những bất ổn chính trị hiện nay khả năng gặp rủi ro của doanh nghiệp càng cao, do đó việc phòng vệ từ xa là rất cần thiết!

Để giúp doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm phòng vệ và quản lý rủi ro trong kinh doanh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Hảo - Chuyên gia tư vấn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Gia Hảo - Chuyên gia tư vấn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Rủi ro luôn rình rập

PV: Thưa ông, trong thời kỳ khủng hoảng thì nguy cơ gia tăng các rủi ro trong kinh doanh như thế nào?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Chúng ta cần ổn định nhưng rủi ro luôn rình rập trong môi trường kinh doanh. Rủi ro có thể xuất hiện do thay đổi thể chế, chính sách, ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh… làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời kỳ khủng hoảng những bất ổn gia tăng thì tất nhiên rủi ro cũng gia tăng theo. Bên cạnh những rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng có những rủi ro do chính doanh nghiệp không nắm rõ những quy định của luật pháp, không tìm hiểu kỹ về khách hàng, dự đoán thị trường kém, bị lừa đảo…

PV: Đâu là những chiêu lừa trong kinh doanh mà doanh nghiệp thường vướng phải?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Theo kinh nghiệm bản thân trong 47 năm làm nghề kinh doanh xuất nhập khẩu và với vai trò là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt nam (VIAC) tham gia xét xử nhiều vụ kiện của các doanh nghiệp tôi nhận thấy có một số dạng lừa đảo tương đối phổ biến như sau: Lợi dụng sơ hở trong hợp đồng, chứng từ thanh toán để chiếm đoạt hàng và tiền; lừa đảo thông qua mạng; tỏ ra là khách “sộp” để nhận được lợi lộc từ doanh nghiệp đối tác nhưng không có ý định hợp tác làm ăn; rửa tiền, đưa tiền bẩn vào đầu tư để rửa thành tiền sạch; phô tiền đầu tư, khoe mẽ vốn lớn để giành dự án nhằm mua đi bán lại,…

Theo thống kê của chúng tôi, có đến 60% các vụ tranh chấp là do ký hợp đồng không chặt chẽ. Hiện nay, độ dài trung bình của hợp đồng chỉ khoảng 1,5 trang A4, trong đó các điều khoản hết sức sơ sài, hầu hết chỉ có tên hàng, số lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán, thường không hoặc có nhưng không đầy đủ các điều khoản quy định về xử lý tranh chấp như: trọng tài, luật áp dụng, nơi xử, ngôn ngữ xét xử… Các hợp đồng của những dự án lớn, kể cả chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp lớn cũng làm đơn giản hơn xưa. Ở một chừng mực nào đó, tôi nhận thấy về mặt pháp lý đã và đang có sự thụt lùi.

PV: Vậy các hợp đồng ngày xưa chặt chẽ hơn bây giờ?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Thời bao cấp, Nhà nước độc quyền ngoại thương, chỉ có 23 tổng công ty thuộc Bộ Ngoại thương được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, tất cả các tổ chức kinh doanh nào thuộc thành phần kinh tế nào muốn xuất, nhập hàng hóa đều phải qua 23 tổng công ty này. Tất cả các tổng công ty đều có  hợp đồng mẫu, điều khoản mẫu, điều kiện mẫu, kể cả xuất lẫn nhập để chủ động đàm phán với đối tác trong và ngoài nước nên các hợp đồng rất chặt chẽ.

Làm ăn quốc tế phải theo luật quốc tế

PV: Như vậy, ông cho rằng độc quyền ngoại thương là tốt?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Ý tôi không phải vậy, ở đây tôi chỉ so sánh về mặt pháp lý của các hợp đồng để các doanh nghiệp nhận thấy những hợp đồng hiện nay quá sơ sài, cần phải xem xét lại. Còn thành quả của đối mới thì chúng ta đã nhận thấy. Đổi mới giúp chúng ta có được sự phát triển nhanh chóng như ngày nay. Đặc biệt, chính đổi mới đã hình thành nên một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó có đến hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, góp phần đưa hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển… Chúng ta cảm ơn đổi mới cho dù còn có nhiều điều chưa được hoàn thiện.

Hiện nay, tôi thấy rằng, trong tiếp cận với luật pháp, thông tục mua bán quốc tế chúng ta đang có vấn đề. Trong các hoạt động xúc tiến có xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhưng chưa nghe ai nói đến xúc tiến về luật pháp. Đã làm ăn quốc tế thì phải theo luật quốc tế. Chúng ta không hiểu luật thì rất dễ bị thiệt thòi. Ở nước ta có luật nhưng xúc tiến về luật rất yếu.

PV: Theo ông, điều gì làm cho các hợp đồng “đi lùi” về mặt pháp lý như ông nói?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Tôi cho rằng nguyên nhân chính là từ đào tạo. Doanh nghiệp của ta xuất thần từ nhiều nguồn, có phải ai cũng được đào tạo đâu, hơn nữa, hiện nay, giữa đào tạo và thực tiễn có vấn đề. Gần đây có đào tạo về kinh tế thị trường nhưng tôi thấy chỉ đào tạo về mặt tốt thôi, không thấy dạy về rủi ro trong kinh doanh. Trong các trường kinh tế nước ta, tại các khoa quản trị kinh doanh thầy và trò cứ ra rả dạy và học “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”… mà không thấy dạy “Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng”, như tên một cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt.

Trong thực tiễn kinh doanh hiện nay ở nước ta cũng vậy, với quan niệm “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nên nhiều doanh nghiệp bị “lừa” cũng không dám nói ra vì sợ xấu mặt. Do đó, dù bị gạt cũng không ai biết để rút kinh nghiệm mà phòng tránh. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp bị vướng cùng một chiêu lừa.

PV: Trong thời kỳ khủng hoảng với những rủi ro luôn rình rập như hiện nay, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình, phải đào tạo, tự đào tạo mình. Thay vì thụ động ngồi chờ khủng hoảng đi qua thì cần phải chủ động biến “nguy thành cơ”, khủng hoảng là cơ hội tốt để doanh nghiệp tự xem lại mình, để tái cấu trúc, ổn định sản xuất kinh doanh nhằm tạo động lực mới bắt kịp đà phát triển khi hết khủng hoảng. Ngoài việc trông chờ vào những biện pháp của cơ quan quản lý có trách nhiệm, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tự nâng cao năng lực dự đoán, ứng phó, dự phòng và cần thiết phải thay đổi ngay cả phương thức kinh doanh của mình, thay đổi mặt hàng, bạn hàng, thị trường, đa dạng hóa sản phẩm…, chống lại “sức ì” ngay trong bản thân mình để đứng vững và không hụt hẫng trước mọi biến động.

PV: Nếu không may doanh nghiệp gặp phải rủi ro thì cách xử trí như thế nào để giảm thiệt hại?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Khi gặp rủi ro, nếu doanh nghiệp lúng túng trong xử lý hoặc không thể tự thương lượng với đối tác thì họ có thể đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán có thẩm quyền như trọng tài và tòa án để giải quyết. Đó là cơ quan sẽ giúp giải quyết những xung đột quyền lợi giữa các bên khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt hại nặng khi xảy ra rủi ro doanh nghiệp cần quy định rõ những điều khoản xử lý rủi ro ngay trong hợp đồng mua bán từ khi ký kết.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mai Phương (Thực hiện)