Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế

14:07 | 22/04/2014

1,201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là mối quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp nước ta có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày 22/4, tại TP HCM, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã tổ chức hội thảo “Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế”.

Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong việc tìm kiếm thị trường mới và định hướng khách hàng tiềm năng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp hoạch định được chiến lược xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại hội thảo

Ông Nathan Lane, Chuyên viên Kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM nhận định: Tại Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế, chiếm 96% số doanh nghiệp và 50 - 80% việc làm trong xã hội, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển toàn diện và công bằng của kinh tế, xã hội trong cộng đồng. Tuy nhiên, do có nhiều điểm hạn chế như: vị thế cạnh tranh thấp, khả năng phân công lao động quốc tế còn thấp, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh nên phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, hiện nay chỉ có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng mới chỉ là cung cấp các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất sản phẩm chính.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm nhiều giải pháp để hoàn thiện mình như: đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, đồng thời liên doanh, liên kết với các đối tác, đặc biệt là các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm nên nỗ lực tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, thách thức cơ bản của doanh nghiệp vừa và nhỏ là: thiếu vốn, không có khả năng cạnh tranh về giá, thiếu nguồn nhân lực có trình độ, chưa quen với các thủ tục phức tạp và thiếu các hoạt động quảng cáo.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa phải đi qua một doanh nghiệp nước ngoài khác làm môi giới, làm giảm lợi nhuận và hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để trực tiếp đi vào thị trường các nước mà không phải thông qua trung gian.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lê Triều Bảo Lộc, Tổng giám đốc Công ty An Việt Long cho biết: Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trước hết doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và ban đầu cũng phải chấp nhận phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế dựa vào các công ty môi giới, sau đó từng bước xây dựng mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm để tiến tới trực tiếp xuất khẩu đến công ty nhập khẩu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tiên nên tiếp cận với những thị trường “gần nhà” trước, sau đó mới tiến đến các thị trường tiềm năng khác.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kinh nghiệm: tìm kiếm thị trường mới dựa vào thương mại điện tử, quản lý tài chính và thanh toán xuyên quốc gia, áp dụng khoa học công nghệ để tăng sức mạnh trong hội nhập, giảm thiểu các rủi ro về sai phạm pháp lý và các hợp đồng kinh tế liên quốc gia. Đó là những kinh nghiệm bổ ích giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và từng bước vươn lên tầm cỡ quốc tế, góp mặt vào các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.

Mai Phương