Hướng đi nào cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam?

11:01 | 21/02/2014

3,306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Kinh tế càng phát triển - xã hội càng nhiều vấn đề, doanh nghiệp xã hội (DNXH) sẽ là công cụ bổ sung thêm cho việc giải quyết những vấn đề đó " - Quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: "DNXH có điều kiện để phát triển tại Việt Nam"

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện và mô hình tiêu biểu nhất để phát triển loại hình doanh nghiệp còn khá mới mẻ này. Trước hết, Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ cần một định hướng như vậy thôi, DNXH đã có một dư địa rộng lớn để phát triển. Hiện đã có hơn 200 DNXH chính thức đăng ký hoạt động và hàng nghìn doanh nghiệp khác có ý định trở thành DNXH.

Thực tế như CIEM đã khảo sát trong những năm gần đây, rất nhiều thanh niên mới ra trường có khát khao cháy bỏng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Có nhiều người đã sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD để tự mở một DNXH. Rất nhiều bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đã phải trầm trồ ngạc nhiên với chính những DN này ở Việt Nam.

Phải kể đến là Koto - trường đào tạo nghề nhân đạo đang sở hữu chuỗi nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM - đã có hơn một thập kỷ phát triển đầy ngoạn mục. Koto chỉ nhận trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn về đào tạo nghề dịch vụ, khách sạn và hướng nghiệp cho các em. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển. Cũng không thể không nhắc tới Trường Trung cấp kinh tế - du lịch Hoa Sữa ở Hà Nội, ra đời từ những năm 1994 với mục tiêu tham gia vào hoạt động xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng chính là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn…

Trong buổi hội thảo tại Hà Nội được tổ chức bởi CIEM và Hội đồng Anh, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã khẳng định những lợi ích mà DNXH mang lại, đồng thời cũng cho biết những quy định về DNXH mà viện CIEM đã và đang đề xuất trong Luật Doanh nghiệp - sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5 tới đây.

Hy vọng trong tương lai không xa, hình thức DNXH sẽ được chính thức công nhận và trở thành một công cụ hiệu quả nhằm hỗ trợ Nhà nước cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề của xã hội.

Doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp được mở ra để giải quyết các vấn đề của xã hội theo phương thức kinh doanh, nếu có lợi nhuận thì sẽ chủ yếu được tái đầu tư để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp hướng tới. Mô hình này đang được sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều Chính phủ. Vương quốc Anh là nơi có DNXH phát triển bậc nhất thế giới hiện nay, với hơn 70.000 doanh nghiệp, chiếm trên 5% tổng số đơn vị kinh tế, mang lại việc làm cho hơn 1 triệu người và đóng góp hàng năm lên tới 24 tỉ bàng. Đặc biệt, đây là vấn đề duy nhất mà các đảng phái chính trị ở Vương quốc Anh luôn tìm được sự đồng thuận.

Bảo Sơn