Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012:

“Không để mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng chiến lược dài hạn!”

09:59 | 01/08/2012

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xung quanh những chuyển động tích cực của nền kinh tế vĩ mô sau hai quý đầu năm 2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, thời gian tới thường trực Chính phủ sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho để cứu doanh nghiệp bằng mọi giá.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo

Chưa có cơ sở nói giảm phát

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, trước thông tin cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời kỳ giảm phát, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng. “Thường thì chỉ số GDP không tính theo tháng mà được ước lượng theo quý,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam phát biểu. “Từ đầu năm đến nay các quý đều tăng trưởng dương, tốc độ tăng trưởng vẫn khá cao. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước và kế hoạch, nhưng không có nghĩa là suy giảm kinh tế. CPI tháng 5 dương, tháng 6, 7 âm, tương đương -0,26 và -0,29%”.

Theo phân tích của người phát ngôn Chính phủ, nếu loại bỏ ra nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực (vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài, không phải bản chất tài chính tiền tệ của nền kinh tế), lạm phát lõi 2 tháng 6 và 7 đều dương. “Đúng là chỉ số giá tiêu dùng đã giảm liên tục, có thể tháng 8 sẽ âm nếu tính cả năng lượng và lương thực. Lạm phát từ nay đến cuối 2012 không quá 7% nếu không tính đến biện pháp nào điều chỉnh đặc biệt. Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì tăng trưởng. Với một nước đang phát triển thì thông thường lạm phát phải thực dương, nhưng nếu mức lạm phát ở mức 7% thì lại là mức tương đối cao. Bởi vậy chưa có cơ sở nào để nói rằng nền kinh tế của chúng ta rơi vào tình trạng giảm phát”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Người đứng đầu văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ, với đặc thù hầu hết vốn phục vụ sản xuất hiện nay đều phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng như ở Việt Nam thì việc lạm phát giảm, tạo điều kiện cho lãi suất tiếp tục giảm là điều vô cùng quan trọng hiện nay. “Điều hành vĩ mô hiện nay phải rất khéo léo, tránh tình trạng lạm phát ở mức quá thấp rồi liên tục đưa ra các biện pháp kích cầu khiến lạm phát lại “bùng” trở lại. Như thế sẽ vô cùng nguy hiểm” – Bộ trưởng nói. “Vốn ở Việt Nam chủ yếu đến từ ngân hàng. Muốn doanh nghiệp đủ lực thì ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp, ổn định. Mà muốn lãi suất thực dương thì lạm phát phải rất thấp, giúp người dân có niềm tin nhiều hơn nơi đồng nội tệ, giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn bố trí cho mở rộng sản xuất, tái cơ cấu quản trị, cải tiến khoa học công nghệ...”

Chủ trì buổi họp báo trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ, do CPI thấp nên dư địa điều hành kinh tế vĩ mô đến cuối năm còn khá lớn. “Nguồn vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới là rất tốt. Cụ thể, về chi đầu tư công thì tổng nguồn năm 2012 có 180 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cộng với 45 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, cộng với một số nguồn vốn tiết kiệm… trước sau đầu tư công có 240 nghìn tỉ đồng. Đấy là còn chưa kể hơn 3.000 nghìn tỉ vượt thu ở các địa phương. Tuy nhiên từ đầu năm đến hiện tại, chúng ta mới giải ngân được khoảng 86 nghìn tỉ đồng, tức là từ bây giờ để cuối năm chúng ta có thể giải ngân 25 nghìn tỉ đồng/tháng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định. “Chính phủ đang điều hành nhịp nhàng, đúng lúc. Đồng tiền trong tay rất quan trọng, nhưng đầu tư lúc nào, ở đâu, vào ngành hàng, hạng mục nào cho hợp lý mới là điều Chính phủ quan tâm hơn cả”.

Tái cơ cấu DNNN một cách căn bản

Xung quanh Nghị định 32/CP về phân quyền và trách nhiệm cho lãnh đạo Chính phủ, Bộ quản lý chuyên ngành đối với DNNN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam tiết lộ, do Nghị định có thời gian chuẩn bị dài, được bàn nhiều lần từ năm 2009 nên được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản sự hiệu quả của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Về cơ bản, Nghị định sẽ tập trung vào việc bỏ cơ chế chủ quản, tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp.

“Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo Luật này. Tuy nhiên, do vai trò, nhiệm vụ và hoạt động đặc thù, nên ở một số thời điểm, một số khâu trong không nhiều doanh nghiệp Nhà nước để dẫn đến tình trạng quản lý không đủ chặt chẽ và dẫn đến sai phạm. Đặc biệt là khi các Công ty kiểm toán vào cuộc, trách nhiệm của các bên liên quan là rất không rõ ràng,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết. Dự thảo Nghị định lần này chính là phân định rất rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Nghị định 32/CP quy định rõ trách nhiệm của CP là quản lý vốn, tổ chức nhân sự, định hướng chiến lược SXKD... theo pháp luật. Trách nhiệm là vậy, nhưng thẩm quyền của CP đến đâu? DNNN là thuộc sở hữu của NN, nhưng ai là chủ đại diện Nhà nước? Thủ tướng, các PTT và các Bộ trưởng, là 1 tập thể, CP làm những việc gì? Quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Trách nhiệm của lãnh đạo Bộ quản lý chuyên ngành đến đâu? Đây là nội dung rất quan trọng trong đề án tái cơ cấu DNNN. Nghị định cũng quy định rõ: giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả DNNN là yêu cầu các DN sau này phải tiến hành kiểm toán thường xuyên bởi các Công ty kiểm toán được cấp giấy phép.

Trên tinh thần chung đã được Thường trực Chính phủ thống nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ điều phối một số Tập đoàn Đối với một số tập đoàn kinh tế lớn, chủ lực của Nhà nước, có chức năng điều tiết nền kinh tế. Với các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty còn lại, vai trò quản lý của Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành, các HĐTV, HĐQT sẽ được xác định rõ ràng hơn. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sau phiên họp Chính phủ lần này, dự thảo Nghị định sẽ được chỉnh sửa và thông tin rộng rãi, đầy đủ đến người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Đề án tái cơ cấu DNNN đến năm 2015. Nhiệm vụ đầu tiên là phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm sau: DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục, với mỗi nhóm DN vừa nêu đề án cũng đã đưa ra quyết sách cụ thể. Thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối; Tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Dự kiến, đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.

Hữu Tùng - Văn Dũng