Kinh tế 2013: Nắm bắt thời cơ sau khủng hoảng

06:25 | 02/03/2013

1,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dù không có nhiều thông tin lạc quan và thách thức còn nhiều song các chuyên gia đánh giá, năm 2013 kinh tế Việt Nam sẽ dễ chịu hơn năm 2012 và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ sau khủng hoảng.

Nhiều thách thức

Ngày 1/3, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” diễn ra tại TP HCM, các chuyên gia đánh giá, chỉ số sản xuất của Việt Nam ở mức dưới 50, đây là mức chứng minh cho khả năng sản xuất vẫn chưa được sáng sủa lắm. GDP phục hồi nhưng chưa như mong đợi. Chỉ số lạm phát đang có dấu hiệu giảm dần nhưng nếu sớm nới lỏng chính sách tiền tệ có thể lạm phát quay trở lại.

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nợ xấu và hàng tồn kho tiếp tục là hai điểm nghẽn của nền kinh tế năm 2013. Tồn kho càng lớn, nợ xấu càng tăng. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xầu một cách hữu hiệu.

Ngoài ra, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang bị yếu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, bởi doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về cả đầu vào (vốn, nguyên liệu) và đầu ra của sản phẩm.

Nhiều thách thức còn tồn tại trong năm 2013 sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp đang mất niền tin vào thị trường và tiền đồng vì vậy, năm 2013 hệ thống ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, điều hành lãi suất phù hợp với kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% theo hướng linh hoạt.

Khi bàn về tăng trưởng tín dụng nhiều chuyên gia phân tích, tăng trưởng 12% là tăng nóng và có 3 cản trở: nợ xấu (tính chất nợ xấu nặng, cần giải quyết căn cơ); ngân hàng nâng chuẩn vay lên rất cao (chọn lĩnh vực nào “ngon” mới cho vay; tái cơ cấu nhưng ngân hàng vẫn chưa ổn nên tốc độ tăng trưởng thấp. Ba tác nhân này khiến cản trở tăng trưởng tín dụng và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.

Về nợ xấu, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nhận định: Nguyên nhân của nợ xấu xuất phát từ 3 phía: doanh nghiệp, ngân hàng, các bộ ngành. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng không rõ ràng nên khó có thể giải quyết một cách căn cơ.

Nắm bắt thời cơ sau khủng hoảng

Theo TS. Trần Du Lịch, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại. Mặc dù, tái cơ cấu thị trường một cách nghiệt ngã, có tính đào thải cao nhưng lại là cơ hội cho những doanh nghiệp khỏe có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, sau cái “họa” đều có cái phúc, những doanh nghiệp biết nắm thời cơ sẽ phát triển rất bền vững.

Theo dự báo, năm 2013 lạm phát 7 - 8% có thể thực hiện được vì tổng cầu không tăng được và tỷ giá có thể điều chỉnh ở 2 biên độ, vì vậy các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

Ông Nguyễn Viết Mạnh cũng khẳng định: Năm 2012 có nhiều khó khăn nhưng vẫn có một số điểm sáng: Lãi suất giảm và được kiểm soát, tỷ giá và đồng tiền được giữ vững một cách rõ ràng. Đây là điều kiện tốt cho doanh nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất cho năm 2013.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Deepak Mishra - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam là kinh tế Châu Âu đang đi xuống nên nhiều nhà đầu tư có xu hướng đến những thị trường mới nổi như Việt Nam và Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kinh tế năm 2013 của Việt Nam đan xen thách thức và cơ hội. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia nhận định, các khó khăn như: sức mua giảm, hàng tồn kho cao, nợ xấu tăng, lãi suất cao, doanh nghiệp thiếu vốn… sẽ được cải thiện hơn so với năm 2012. Vì vậy, đây là thời kỳ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, phát triển bền vững, thị trường sẽ lành mạnh hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải chủ tâm, tỉnh táo để vượt qua “cơn bão” kinh tế vẫn đang tiếp diễn.

Mai Phương