Kinh tế Việt Nam với ám ảnh lạm phát

06:45 | 09/10/2012

1,507 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – TS Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhận định, từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam không thoát khỏi ám ảnh về lạm phát. Chúng ta vẫn giữ mục tiêu xuyên suốt trong chính sách kinh tế vĩ mô là kiềm chế lạm phát nhưng việc chống lạm phát chưa bền vững, cứ vừa kiềm chế được lạm phát thì ngay sau đó lại bị tái lạm phát.

Áp lực lạm phát kéo dài từ năm 2008 nên Chính phủ luôn phải ứng phó với điều này trong suốt 4 năm qua. Bước sang năm 2012, tình hình càng khó khăn hơn, khi chúng ta phải chống lạm phát trong điều kiện lãi suất ngân hàng đã quá cao. Vì vậy, chúng ta vừa phải thực hiện mục tiêu chống lạm phát vừa phải giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Theo lý thuyết thì không thể nào vừa chống lạm phát mà vừa giảm lãi suất nhưng Việt Nam phải thực hiện một nghịch lý là chống lạm phát nhưng Ngân hàng Nhà nước đã phải 5 lần hạ lãi suất.

Ám ảnh lạm phát kéo dài từ năm 2008 đến nay

Từ đầu năm đến nay, CPI có chiều hướng giảm, thậm chí tháng 6, 7 tăng trưởng âm. Tính chung 8 tháng CPI chỉ tăng 2,86% so với tháng 12/2011. Bước vào tháng 9, CPI tăng đột biến lên 2,2%, dẫn đến kết quả 9 tháng đầu năm 2012 đã vượt mức 5% so với tháng 12/2011. Tuy nhiên, CPI trong tháng 9 tăng chủ yếu ở 4 nhóm hàng hóa (dịch vụ y tế tăng 23,87%, giáo dục tăng 10,54%, giao thông tăng 3,83% và vật liệu xây dựng tăng 2,18%), còn các ngành hàng hóa, dịch vụ khác chỉ tăng cao nhất 0,61%.

TS Trần Du Lịch dự báo, CPI trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại nhưng cả năm cũng chỉ ở mức từ 8 – 8,5% so với tháng 12/2011.

Với tình hình này, có vẻ chúng ta đã kiềm chế tốt lạm phát, giữ lạm phát ở mức một con số. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc kiềm chế lạm phát hiện nay không bền vững vì lạm phát hiện nay không xuất phát đơn thuần từ yếu tố giá mà lạm phát giảm là do giảm tổng cầu, nên chỉ cần tổng cầu tăng lên thì lập tức CPI sẽ tăng trở lại.

Vì vậy, trong chính sách tài khóa hiện nay và cả đến năm 2013, Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành chính sách theo hướng kiềm chế lạm phát để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, chính sách tài khóa và tiền tệ chưa thể nới lỏng mà chỉ hỗ trợ thị trường ở một mức độ nào đó không gây tái lạm phát. Do vậy, vai trò tác động của nhà nước trong việc kích cầu sẽ hạn chế mà thị trường sẽ phải tự điều tiết.

Năm 2012, do tình hình kinh tế khó khăn nên nguồn thu ngân sách giảm và dự kiến nguồn thu ngân sách 2013 tiếp tục giảm. Điều này dẫn đến tình trạng, đầu tư tư nhân giảm và giảm cả đầu tư công nên năm 2013 sẽ tiếp tục giảm tổng cầu, tăng trưởng kinh tế có sự phục hồi nhưng chỉ ở mức rất chậm.

Các chuyên gia dự báo, năm 2013, kinh tế vẫn ở trong tình trạng trì trệ, với tốc độ tăng GDP chỉ có thể nhích hơn đôi chút so với năm 2012 (ở mức khoảng 5,5%). Đồng thời, các loại thị trường đều chưa thể khởi sắc, đầu tư chưa thể tăng mạnh, sức mua vẫn chậm, hàng tồn kho cao, bất động sản chưa thể phục hồi, thị trường chứng khoán chưa lấy lại được niềm tin.

Mai Phương