“Nhóm lợi ích” có "đạo diễn" tin đồn tỉ USD!?

07:00 | 25/02/2013

2,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chứng khoán sụt giảm, vốn hoá thị trường “bốc hơi” 1,6 tỉ USD nhưng cũng lại có hơn 250 triệu cổ phiếu được giao dịch sau khi tin đồn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị bắt.

 

Chứng khoán luôn biến động tăng - giảm sau những tin đồn.

Theo ghi nhận trên thị trường chứng khoán (TTCK), chốt phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index đã giảm tới 18 điểm xuống còn 476,75 điểm (-3,66%), HNX-Index giảm 3,55 điểm xuống còn 63,45 điểm (-5,3%).

Tuy nhiên, cũng trong ngày 21/2, TTCK đã ghi nhận tới 250 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt trên 130 triệu cổ phiếu, còn sàn HoSE đạt trên 120 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn lên tới 2.600 tỉ đồng. Sự bất thường này lập tức khiến giới đầu tư đặt câu hỏi: Có hay không một kịch bản đã được viết sẵn, một kế hoạch được lập ra từ trước nhằm trục lợi trong một ngày “sóng gió” của TTCK?

Sự hoài nghi này là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế từ nhiều năm nay, câu chuyện đầu tư theo tâm lý “bầy đàn”, “sóng lên thì thuyền lên” đã ngấm vào máu của giới đầu tư từ chứng khoán, vàng, bất động sản. Nền kinh tế hẳn không quá xa lạ với hình ảnh tranh mua, tranh bán trên thị trường vàng tháng 7 năm 2011 hay hiện tượng ồ ạt đổ tiền vào bất động sản trước khi thị trường này đóng băng,...

Tâm lý “bầy đàn”, đám đông trên TTCK thể hiện qua việc giới đầu tư ồ ạt đổ tiền vào mã chứng khoán yếu của những công ty vốn đang trong tình trạng kinh doanh bết bát, triển vọng kinh doanh kém,... chỉ đơn giản là vì có tín công ty này sắp triển khai dự án A hay chuẩn bị ký hợp tác chiến lược với một Tập đoàn lớn B,...

Hiện tượng bất thường này cũng được ông Trần Bắc Hà thẳng thắn chỉ ra rằng: Đây là tin đồn thất thiệt có dụng ý xấu, do một cá nhân, nhóm đầu cơ nào đó tung ra để kiếm lợi.

Ông Hà nhận định: những kẻ tung tin đồn trong vụ việc này có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Tin đồn ra, giá cổ phiếu giảm đồng loạt nhưng giao dịch lại tăng mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm này, đại diện Tổng cục An ninh II cũng đưa ra nhận định: Thông tin bịa đặt này gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường tài chính, ngân hàng, kết quả giao dịch của thị trường chứng khoán và uy tín thương hiệu BIDV. Đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính, ngân hàng.

"Nhóm lợi ích" với tiềm lực tài chính hùng hậu đang bị thị trường đặt nhiều nghi vấn.

Vậy ai là đạo diện của tin đồn trên? 500 – 700 tỉ đồng trục lợi được Chủ tịch BIDV đưa ra đã chảy vào túi ai?... là những câu hỏi mà giới đầu tư đang đặt ra cho các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trong thời gian tới. Nhưng có một điều mà giới đầu tư đang đặt nhiều nghi ngờ nhất chính là sự thao túng của các “nhóm lợi ích” hay những liên minh “ma trận” trên thị trường tài chính – ngân hàng (đây đều là những vấn đề “nóng” đã được giới chuyên gia phân tích từ hơn 1 năm nay).

Một căn cứ rõ ràng để đưa ra nhận định này chính là giá trị giao dịch được thực hiện trên thị trường trong 2 ngày 21 – 22/2, theo ghi nhận lên tới 5.000 tỉ đồng. Đây là con số quá lớn bởi nó được thực hiện trong bối cảnh TTCK đang trên đà giảm và mới chỉ dừng ở mức ổn định tạm thời sau khi đại diện các cơ quan chức năng và bản thân ông Trần Bắc Hà lên tiếng phủ nhận.

Lượng tiền khổng lồ trên được bung ra trên thị trường chỉ trong một thời gian rất ngắn cũng không khỏi khiến giới đầu tư nghi ngờ về một kịch bản đã được định đoạt sẵn. Con số 2.600 tỉ đồng giá trị giao dịch trong ngày tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà và một loạt lãnh đạo ngân hàng bị bắt hẳn không phải là ngẫu nhiên.

Ai có thể huy động được lượng tiền khổng lồ trên?

Trong nhiều bài viết đăng tải trước đây, Petrotimes đã từng đề cập tới “ma trận” trên thị trường tài chính – ngân hàng với sự chi phối của một cá nhân hay “nhóm lợi ích”. Dưới sự chi phối của những đối tượng này, một lượng tiền lớn đã được “nắn” và “chảy” vào các công ty do bản thân họ lập lên hoặc nắm quyền chi phối để từ đó đi thực hiện những thương vụ thâu tóm.

Kịch bản tương tự hoàn toàn có thể xảy ra phía sau những tin đồn liên quan đến hàng loạt các sếp lớn ngân hàng thời gian qua. Tung tin, chứng khoán sụt giảm, mua vào lúc giảm giá, nắm quyền chi phối hoặc bán ra lúc thị trường đi lên để trục lợi có vẻ là những điều đã được “đạo diễn” tin đồn ‘vịt” dự báo từ trước.

Ngoài ra cũng phải thấy rằng, đánh sập TTCK có thể xem là một trong những giải pháp, là thứ “vũ khí” chiến lược cho thao túng, sáp nhập – xu thế được cho là sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2013. Cùng với lượng tiền nhất định, những người đi thao túng, sáp nhập sẽ mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn, từ đó nắm quyền quyết định tại những đơn vị cao hơn.

Phiên giao dịch ngày 22/2 ghi nhận hơn 223 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng thanh khoản thị trường đạt mức 2.405 tỉ đồng. Trong đó, sàn HSX giao dịch 107,35 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.4667 tỉ đồng, sàn HNX giao dịch 116 triệu cổ phiếu, tương ứng 938 tỉ đồng.

Thanh Ngọc