Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung:

Phải công khai vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

09:50 | 01/02/2013

1,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là một trong những nội dung lớn đã được sửa đổi trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2013.

Sẽ phải xác minh tài sản nếu bị tố cáo thiếu trung thực trong kê kha tài sản.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung trong đó có nhiều quy định nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy Nhà nước. Luật sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2013.

Được biết, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, khi có yêu cầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.

Căn cứ để xác minh tài sản là khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định.

Ngoài ra, để hạn chế những tiêu cực trong quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản, Luật Sửa đổi, bổ sung quy định phải công khai, minh bạch báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

Với các doanh nghiệp Nhà nước, Luật quy định phải có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi; báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; việc lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp; việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cổ phần hóa có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp. Cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp có trách nhiệm công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có).

Đáng chú ý, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, phải công khai, minh bạch công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch đó phải công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh;

Đất đai vẫn được xem là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng nhất. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở; các khoản thu tài chính cho ngân sách Nhà nước từ việc quản lý, sử dụng đất và các khoản miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải công khai, minh bạch chính sách khuyến khích về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng; điều kiện, trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đăng ký quyền sử dụng rừng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, khai thác, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản.

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc, phải công khai, minh bạch: Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách dân tộc thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn; việc thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn; báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc…

Luật Sửa đổi, bổ sung cũng quy định rõ, trong trường hợp pháp luật không có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thêm hình thức công khai công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thanh Ngọc