Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng: Cần nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro

07:18 | 08/12/2012

1,271 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ trong khoảng 3 năm gần đây, khi nhiều tổ chức tín dụng rơi vào trạng thái mất thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, vai trò của quản trị rủi ro mới được nhìn nhận đúng mức…

Chưa được quan tâm đúng mức

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đang là văn bản pháp lý cao nhất yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định về quản trị rủi ro, đồng thời ghi rõ nghĩa vụ của người điều hành phải là người am hiểu về các loại rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa có được hệ thống quản trị rủi ro đầy đủ từ quy định đến bộ máy vận hành, trong khi hướng dẫn thực hiện của NHNN vẫn đang dừng lại ở dự thảo thông tư quy định về yêu cầu đối với hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng mà chưa thể ban hành.

Rơi vào trạng thái mất thanh khoản vai trò của quản trị rủi ro mới được nhìn nhận đúng mức

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng lên tiếng cảnh báo: “Điều đáng lo nhất hiện nay của ngân hàng TMCP là họ gần như bỏ đi hoàn toàn chức năng quản trị rủi ro. Tất cả các quyết định hằng ngày của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đều không có tiếng nói của quản trị rủi ro. Tôi đến kiểm tra 3 ngân hàng vừa mới thành lập, quy chế về quản trị rủi ro của ngân hàng dày nhất cũng chỉ 6 trang giấy. Tôi thực sự choáng váng. Không phải một vài ngân hàng, mà hiện tại đang xảy ra ở đại bộ phận các ngân hàng TMCP. Hiện nay, bộ phận quản trị rủi ro chỉ là hình thức và nếu cứ như vậy thì hệ thống ngân hàng trong tương lai sẽ ra sao”.

Thực tế cho thấy, trong toàn hệ thống ngân hàng TMCP mới chỉ có Maritime Bank tự tin tuyên bố đã sẵn sàng ngay khi thông tư của NHNN về quản trị rủi ro có hiệu lực. Thêm vào đó là những gì đã diễn ra trên thị trường tiền tệ Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy vấn đề quản trị rủi ro trong các ngân hàng thương mại có ý nghĩa cấp bách. Điều đó khẳng định, công tác quản trị rủi ro hiện ít có vai trò tham mưu, tư vấn và không phát huy được vai trò độc lập trong cảnh báo, giám sát rủi ro.

Nợ xấu của các ngân hàng gia tăng bên cạnh nguyên nhân chung là khó khăn của nền kinh tế, về chủ quan thì nguyên nhân đầu tiên do các ngân hàng tự gây nên. Nói đúng hơn, đây là sự trả giá của chính các ngân hàng trong việc kiểm soát cho vay, nhất là đối với bất động sản và chứng khoán - một thị trường nhạy cảm với sức khỏe nền kinh tế và rủi ro cao. Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan giám sát cũng được nhắc đến như lời Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình báo cáo trước Quốc hội: “Năng lực giám sát của NHNN một thời gian dài còn hạn chế trong việc ngăn chặn việc đầu tư quá mức của các ngân hàng thương mại vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao”.

Một trụ cột chính

Đề án tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng của NHNN hiện đang được triển khai tích cực, với sự phối hợp liên ngành. Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu hiện đang ở trong giai đoạn xử lý các vấn đề tồn tại như xử lý nợ xấu, xử lý thanh khoản mà chưa tập trung nhiều đến nhóm các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả quản trị mà trong đó quản trị rủi ro là một nòng cốt chính. Điều đó đặt ra yêu cầu bước tiếp theo, NHNN phải có những biện pháp nhằm duy trì sự phát triển bền vững, lành mạnh của hệ thống giai đoạn hậu khủng hoảng. Hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ lành mạnh khi nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro, đồng thời ban hành quy định chuẩn mực về xây dựng và tổ chức hoạt động quản trị rủi ro tại mỗi tổ chức tín dụng là việc tiếp theo cần làm của NHNN.

Một khía cạnh khác cần được nhắc đến là mối quan hệ mật thiết giữa ngành ngân hàng và nền kinh tế với sợi dây ràng buộc là quá trình huy động và cung ứng vốn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, quản trị tốt quá trình đầu tư trong nền kinh tế cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu rủi ro cho chính các ngân hàng. Có như vậy, quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng mới được đảm bảo.

Xu hướng phát triển hiện nay đòi hỏi các ngân hàng thương mại cần nhanh chóng thay đổi, theo kịp những tiêu chuẩn quốc tế. Đó là một trong những điều kiện để các NHTM trong nước có được hệ thống quản trị rủi ro hiện đại thực hiện song song mục tiêu lợi nhuận.

Trong thế giới hiện đại, việc đi tắt đón đầu là việc làm không mới của những nước có nền công nghiệp, dịch vụ kém phát triển khi muốn hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đối với ngành ngân hàng nước ta, hệ thống NHTM mới có khoảng 20 năm hình thành và phát triển, để theo kịp chuẩn quốc tế thì việc áp dụng kinh nghiệm quản trị của các ngân hàng có lịch sử hàng trăm năm trên thế giới vào hoạt động là hướng đi đúng đắn và hoàn toàn khả thi.

Quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược là các cổ đông nước ngoài, có kinh nghiệm về quản trị cũng là một lựa chọn mà khá nhiều các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Hiện tại, nhiều ngân hàng của nước ta đang từng bước nâng cao hệ thống quản trị của mình với sự tham gia trực tiếp điều hành của đại diện cổ đông chiến lược. Trong 2 năm qua, một số ngân hàng đã tận dụng lợi thế này để củng cố hệ thống quản trị rủi ro của mình, đó là Seabank, Techcombank, Maritime Bank đều sử dụng nhân sự nước ngoài tại các vị trí lãnh đạo tại khối quản trị rủi ro.

Một yêu cầu khác để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro là các tổ chức tín dụng cần phải thay đổi tư duy về quản trị rủi ro. Nếu như trước đây mới chỉ quan tâm nhiều đến rủi ro tín dụng thì hiện tại, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường đang nổi lên như là những rủi ro chính, quyết định sự tồn tại của mỗi ngân hàng. Kinh nghiệm cho thấy, chính rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động mới là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng có lịch sử hàng trăm năm phải chấm dứt hoạt động. Một loạt các ngân hàng lớn trên thế giới, mà điển hình là trường hợp của Bear Stearn, Lehman Brothers và Merrill Lynch, những ngân hàng này đã phải phá sản sau hàng trăm năm hoạt động vì gặp phải các vấn đề trong rủi ro hoạt động.

Mới đây, một số NHTM đã mạnh tay đầu tư nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro của mình: MB hợp đồng tư vấn với Công ty Kiểm toán Quốc tế Deloitte để xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hoạt động theo chuẩn quốc tế, Maritime Bank đầu tư dự án MR Risk đáp ứng hầu hết các nội dung quản trị rủi ro, Techcombank ứng dụng thành công hệ thống phần mềm lõi core-banking giúp công tác quản trị hiệu quả hơn, PVFC sử dụng thẻ điểm cân bằng BSC giúp báo cáo nhanh tất cả các hoạt động trên toàn hệ thống…

Thành Trung