Thị trường năng lượng Việt Nam - những vấn đề cấp bách

07:00 | 03/04/2014

1,820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam với ba trụ cột là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển thị trường năng lượng hiện nay lại đang bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là về chính sách thu hút đầu tư, liên kết giữa các ngành, chính sách quản lý, cơ chế giá... Báo Năng lượng Mới xin lược ghi một số ý kiến, quan điểm của các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” xung quanh vấn đề này.

Năng lượng Mới số 309

Toàn cảnh hội nghị

“Giá năng lượng chưa phản ánh đúng giá thị trường”

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương:

Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những đóng góp hết sức to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt, thường xuyên đóng góp tới trên 30% tổng thu ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư; bất cập trong việc phân bổ hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ còn thiếu cân đối; đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội; tiến độ của nhiều dự án còn chậm; hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng...

Nguyên nhân chính của tồn tại trên là do quá trình đổi mới, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chất lượng công tác quy hoạch thấp, chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi. Thời gian qua, mới chú trọng phát triển các ngành năng lượng không tái tạo (khai thác dầu khí, than), các ngành năng lượng tái tạo chưa phát triển. Chưa có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Vai trò quản lý nhà nước, phân cấp đầu tư chưa phù hợp, phân cấp mạnh nhưng thiếu sự quản lý tập trung thống nhất và khả năng cân đối nguồn lực, thiếu chế tài kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cơ chế quản lý thị trường điện còn nhiều bất cập; cơ chế giá than cũng như lộ trình hình thành, phát triển thị trường than còn chưa đồng bộ và chưa hoàn chỉnh. Mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước đang trong giai đoạn thí điểm, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến các tập đoàn kinh tế còn thiếu, chưa đồng bộ.

Và để tạo dựng thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý và vận hành minh bạch, công khai, Nhà nước cần sử dụng sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ví như phải xây dựng cơ chế cụ thể để phát triển từng ngành năng lượng; triệt để sử dụng những ưu việt của “cơ chế thị trường”; xây dựng cơ chế để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển các phân ngành năng lượng; Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngành năng lượng, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; rà soát đổi mới các cơ chế, chính sách không hợp lý, đặc biệt là các cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp...

“Thị trường thì không thể xin - cho!”

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi:

Song song với cải cách kinh tế thị trường thì việc cải cách bộ máy Nhà nước hết sức quan trọng. Rõ ràng là thị trường không dung nạp được cơ chế xin cho, muốn dẹp bỏ được cơ chế này thì trước hết phải cải cách vai trò của Nhà nước. Việc tập trung vào cải cách doanh nghiệp Nhà nước minh bạch và xóa bỏ độc quyền sẽ là một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy bộ máy Nhà nước: Chẳng hạn tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu, tách chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường nếu làm được như vậy thì việc cải cách và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Chúng ta có thể công khai các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng được không? Chúng ta cần xem xét tăng nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho các khu vực này. Bên cạnh đó, cũng cần sớm thành lập quỹ phát triển năng lượng để hỗ trợ đầu tư cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, thực hiện các dự án công ích; đồng thời ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ phát triển ODA, các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho việc xây dựng phát triển thăm dò khai thác các nguồn năng lượng điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo v.v…

Về chính sách giá năng lượng, ai cũng thấy ngành năng lượng là một hệ thống nhất. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta thực hiện riêng lẻ các quy hoạch phân ngành, xây dựng giá các loại năng lượng độc lập, dẫn tới giá thiếu hài hòa, hợp lý. Cần xem chính sách giá năng lượng là một trong những đột phá mới, tiến tới xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Chính sách phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và chính sách năng lượng quốc gia. Định giá năng lượng phải kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính. Chính sách giá năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước và thế giới. Đề cao vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sách giá năng lượng, đặc biệt đối với dạng năng lượng mang tính độc quyền. Nhà nước chỉ điều tiết giá năng lượng thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác…

“Cần thống nhất một giá khí khu vực áp dụng cho từng loại khách hàng!”

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh:

“Đối với cơ chế kinh doanh và chính sách một giá khí, kinh nghiệm triển khai các dự án khí trong thời gian qua cho thấy, việc thống nhất giá khí thường mất nhiều thời gian, kéo dài là nhân tố then chốt. Với việc nguồn cung khí từ các mỏ hiện có đang dần bị suy giảm, sự chênh lệch về giá khí đầu vào từ các nguồn khí khác nhau ngày một mở rộng (hiện tại: Cửu Long/Nam Côn Sơn trong & ngoài bao tiêu/PM3-CAA; tương lai: Lô B & 48/95 và Lô 52/97; Thái Bình, Lô 102-106 và Lô 103-107; Thiên Ưng - Mãng Cầu; Cá Voi Xanh, Mỏ Sư Tử Biển, Cá Ngừ Vĩ Đại v.v… LNG nhập khẩu), để có thể đảm bảo nguồn cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu năng lượng của quốc gia; trong những năm tới Chính phủ cần thiết phải có những chính sách nhằm đột phát, giải tỏa các vướng mắc trên, đảm bảo lợi nhuận khuyến khích các nhà thầu đầu tư vào các dự án khí thượng nguồn/trung nguồn; như hỗ trợ PVN như là một bên trong quá trình triển khai các dự án khí/nhập khẩu khí LNG.

Với vấn đề này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ/Bộ Công Thương sớm phê duyệt cơ chế kinh doanh khí và phương án giá bán khí theo thị trường, theo đó thống nhất áp dụng một giá khí khu vực áp dụng cho từng loại khách hàng: a) Sản xuất điện (trừ Nhà máy điện Hiệp Phước và lượng khí trong bao tiêu của các nhà máy điện BOT như Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3); b) Sản xuất đạm; c) Sản xuất hóa chất/hóa dầu; d) Khách hàng công nghiệp trong đó giá khí bán cho khách hàng sản xuất công nghiệp được tính theo mức cạnh tranh với nhiên liệu thay thế FO hoặc LPG.

Với công tác triển khai các dự án điện, để hỗ trợ PVN đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án điện, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam xin kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ PVN trong đàm phán thu xếp vốn, cấp bảo lãnh cho các dự án điện, trước mắt cho dự án Thái Bình 2 và các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1. Bên cạnh đó, PVN nhận thấy tiến độ chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc xây dựng cơ chế chính sách giá điện hợp lý, đảm bảo cho PVN và các nhà đầu tư nguồn điện đủ bù đắp chi phí và có lãi là cực kỳ quan trọng. Trước mắt, PVPower kiến nghị phê duyệt giá điện cho Nhà máy Phong điện Phú Quý để tháo gỡ khó khăn cho dự án”.

“Tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh”

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành:

Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức vận hành từ 1/7/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 202/TB-VPCP và Văn bản số 5742/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương. Tham gia VCGM ban đầu bao gồm 32 nhà máy điện (NMĐ) có tổng công suất là 8.965MW chiếm khoảng 37% công suất đặt của hệ thống. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, trên toàn hệ thống điện có 102 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất đặt là 26.901 MW (không xét đến các nhà máy điện nhỏ có công suất dưới 30MW và các nguồn nhập khẩu). Trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường, với tổng công suất đặt là 11.947MW, chiếm 44,4% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Các nhà máy tham gia VCGM được đánh giá là đã tuân thủ theo đúng quy định thị trường điện và đã tìm kiếm được các cơ hội trên thị trường điện để tối đa hóa lợi nhuận, đảm bảo tuân thủ các ràng buộc pháp lý khác như đảm bảo nước tưới tiêu cho hạ du...

Tuy nhiên, hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế như sau: Nguồn cung trên thị trường điện chưa được dồi dào như yêu cầu, đặc biệt là việc mất cân đối nguồn điện trong khu vực miền Nam; hệ thống truyền tải điện yếu, đặc biệt hiện tượng quá tải và nghẽn mạch diễn ra rất phổ biến trên lưới 500kV, 220kV gây cản trở cho việc đưa cạnh tranh vào khâu phát điện và làm giảm tính minh bạch trên thị trường điện; cạnh tranh được đưa vào khâu phát điện, một khâu chi phí trung gian, trong đó đầu vào là năng lượng sơ cấp (như than, dầu, khí) và đầu ra là giá bán lẻ thì vẫn chưa được thị trường hoá một cách tương ứng, mặc dù đối với giá bán lẻ, Chính phủ đã có lộ trình nâng dần mức giá bán lẻ đến mức thị trường điện vào 2015; hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến VCGM đang trong quá trình hoàn thiện nên đã bộc lộ các bất hợp lý cần phải sửa đổi bổ sung như tính đồng bộ của các văn bản, các bất cập trong thiết kế VCGM từ lập kế hoạch vận hành VCGM đến thanh toán thị trường điện...

Do vậy để tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh thì cần phải: Chuyển sang mức cạnh tranh cao hơn khi hoàn thành xong các điều kiện tiên quyết về nguồn cung trên thị trường điện; thị trường năng lượng sơ cấp và giá bán lẻ được điều chỉnh ở mức tương ứng; hạ tầng lưới điện truyền tải phải được củng cố giảm thiểu nghẽn mạnh trên hệ thống; hệ thống văn bản pháp lý được hoàn thiện trên cơ sở tổng kết và khắc phục các bất cập phát sinh trong giai đoạn trước và nguồn nhân lực tham gia phát triển và vận hành thị trường được đào tạo. Ngoài ra, cần có cơ chế đưa cạnh tranh vào khâu đầu tư, ví dụ việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án theo tổng sơ đồ phát triển điện lực là một giải pháp nên được áp dụng.

“Chính nhu cầu sẽ đẩy nhanh tốc độ thị trường hóa giá than”

Thư ký HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam:

Sau khi Tổng Công ty Đông Bắc tách ra khỏi TKV và trở thành tổng công ty độc lập do Bộ Quốc phòng quản lý từ năm 2014, như vậy ngoài TKV sẽ có các đơn vị khai thác, cung cấp than cho thị trường trong nước gồm Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty 319 (đều là của Bộ Quốc phòng), Vietmindo (doanh nghiệp FDI) và một số đơn vị khác đã và sẽ được cấp phép khai thác than cùng hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh. Hiện nay, ngoài TKV, các Tập đoàn PVN, EVN... đã và đang thành lập các công ty nhập khẩu than từ nước ngoài. Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng sẽ chủ động xuất khẩu than vào Việt Nam khi nhu cầu than vượt quá khả năng khai thác trong nước và có giá cạnh tranh hơn. Như vậy, sắp tới trên thị trường than sẽ có sự sôi động nhất định vì có sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lâu nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan căn cứ vào từng thời kỳ, tình hình sản xuất và tiêu thụ than, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giá bán than hợp lý cho bốn hộ tiêu thụ than lớn: điện, xi măng, giấy và đạm theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí sản xuất hợp lý. Vì vậy, đến năm 2013, giá than bán cho 4 ngành tiêu thụ than lớn: điện, xi măng, giấy và đạm, nhất là đối với hộ điện vẫn thấp hơn giá thành. Ngành than buộc phải tăng cường xuất khẩu than để lấy lợi nhuận từ xuất khẩu bù đắp chi phí cho phần than bán cho 4 ngành nêu trên và đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Đây là nguyên nhân chính làm cho sản lượng than xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua, thậm chí trong nhiều năm, sản lượng than xuất khẩu vượt xa sản lượng than tiêu thụ trong nước khiến định hướng “có một phần hợp lý xuất khẩu để điều hòa về số lượng, chủng loại và tạo nguồn ngoại tệ” không thực hiện được.

Như vậy, giá than đã thực sự vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành than nói chung, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than nói riêng tiết kiệm chi phí, khai thác tận thu tài nguyên, chủ động phương án kinh doanh theo hướng có hiệu quả cao nhất để tăng cường tích lũy cho đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản lượng, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao. Từ đó, buộc các ngành tiêu thụ than sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh than.

Vì nhu cầu than cho nền kinh tế tăng rất nhanh từ sau năm 2018, vì vậy việc tạo lập thị trường than cạnh tranh, công khai, minh bạch là điều cần phải tính đến trước tiên. Trước tiên là đẩy nhanh việc hoàn thiện và xây dựng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, công tác thể chế hóa quản lý, vận hành minh bạch, công khai và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần tăng cường năng lực và chất lượng quản lý nhà nước về thị trường cũng như về công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh than, đảm bảo khai thác hợp lý, giảm tổn thất tài nguyên, an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm xã hội theo quy định của pháp luật”.

Hữu Tùng - Lê Hà