Thị trường vàng từ bài học bất động sản

08:45 | 14/10/2012

939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đâu là lực cản khiến bài toán huy động vàng trong dân vào nền kinh tế lâm vào thế bế tắc như hiện nay?

Làm sao để biến 400 tấn vàng (tương đương 22 tỉ USD) mà người dân đang nắm giữ trở thành nguồn lực phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đang là bài toán “khó” mà nền kinh tế đặt ra cho thị trường vàng. Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhưng đều thất bại và dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thời hạn chốt huy động vàng là 25/11 thì tâm lý “ôm vàng”, “găm vàng” của đại bộ phận người dân vẫn là “bất di, bất dịch”. Vậy đâu là lực cản khiến bài toán huy động vàng trong dân vào nền kinh tế lâm vào thế bế tắc như hiện nay?

Lực cản tâm lý

Không giống như giới đầu tư châu Âu, Mỹ, Nhật… tìm đến vàng để đầu tư, để tích trữ nhằm tránh những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và nợ công châu Âu cuối năm 2011, lượng vàng dự trữ mà người dân Việt Nam đang nắm giữ xuất phát chủ yếu từ yếu tố tâm lý, tâm lý đám đông và tâm lý tích lũy vàng truyền thống.

Được biết đến là một trong những kênh đầu tư lớn của nền kinh tế nhưng từ nhiều năm nay, thị trường vàng luôn có những biến động rất bất thường và không theo bất kỳ quy luật của thị trường. Và tất nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc vận động “vô kỷ luật” trên thị trường vàng sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả tai hại. Mức chênh lệch lên tới 2 hay 3 triệu đồng/lượng được xác định là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giới đầu cơ thu gom ngoại tệ rồi nhập khẩu vàng bán trong nước kiếm lời. Đây có thể xem là một hiện tượng bất thường đối với một nền kinh tế đang phát triển, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn như Việt Nam.

Người dân vẫn coi vàng là thứ tài sản tích cóp có tính bảo đảm an toàn tối ưu nhất.

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo được giới chuyên gia đưa ra trước và sau mỗi “cơn điên loạn” của vàng nhưng bỏ ngoài tai tất cả, nhà đầu tư nhỏ lẻ, tự phát vẫn hòa mình vào “cơn điên loạn” của vàng để rồi, nhiều người trong số họ đã phải lĩnh “đòn đau” vì vàng. Khả năng phân tích, phán đoán và nhìn nhận, đánh giá thị trường của nhà đầu tư là rất yếu được xem là nguyên nhân dẫn tới các quyết định đầu tư, mua hay bán mang nặng yếu tố tâm lý đám đông. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và tất nhiên, trong những cuộc chơi mang nặng tính may rủi như vậy, nhà đầu tư Việt Nam luôn là người chịu thiệt. Tâm lý đám đông vì thế được chỉ ra là căn bệnh cố hữu trong hoạt động đầu tư của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, tự phát trong nước.

Xin dẫn ví dụ, ngày 22/8 (tức một ngày sau thông tin “bầu” Kiên bị bắt được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng), sau một quãng thời gian vận động yên bình, thị trường vàng lập tức “dậy sóng”.

Theo ghi nhận, chỉ 20 phút sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 22/8, giá vàng đã tăng 520.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng lên mức 43,6 - 43,75 triệu đồng/lượng - mức cao nhất tính từ tháng 4/2012. Và kể từ đó tới nay, giá vàng trong nước biến động tăng không ngừng, liên tục thiết lập những mốc kỷ lục mới và cao hơn giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng/lượng (mức chênh lệch được cho là có dấu hiệu đầu cơ, thao túng).

Điều dễ nhận thấy là sau mỗi “cơn điên loạn” của vàng, một lượng vàng không nhỏ đã nằm lại trong túi người dân. Như đã nói ở trên, phần lớn các nhà đầu tư tham gia thị trường vàng lúc vàng lên “cơn điên loạn” không có kiến thức chuyên môn về đầu tư nên khi giá vàng giảm, nhiều người trong số họ đã quyết định không bán mà giữ lại như một thứ tài sản để giành. Sở dĩ họ đưa ra lựa chọn này bởi vì, nếu chấp nhận bán vàng thì sẽ bị lỗ mất một khoản tiền không nhỏ, trong khi đó, tiền bán vàng cũng không biết đầu tư vào đâu, gửi ngân hàng thì lãi suất cũng thấp mà nguy cơ lạm phát, suy thoái tiền tệ… lại luôn hiện hữu. Vậy nên, từ tâm lý đám đông khi tham gia đầu tư vàng, họ đã chuyển sang tâm lý tích lũy tài sản truyền thống.

Dùng vàng để làm tài sản tích cóp, là vật hộ thân, là thứ tài sản đảm bảo lúc trái gió trở trời, lúc ốm đau, bệnh tật… không phải là tư tưởng mới đối với người Việt Nam mà có từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước. Đặc biệt với một đất nước sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm một tỉ trọng lớn như Việt Nam thì vàng được xem là thứ tài sản trung gian có thể quy đổi ra các loại tài sản khác và giải quyết hầu hết các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người nông dân. Vàng với đại bộ phận người dân Việt Nam là lá bùa hộ mệnh cho sự tồn tại, phát triển của gia đình, dòng tộc xuất phát từ đó và đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao người dân Việt Nam dù được xếp vào diện nghèo trên thế giới nhưng lại được liệt vào danh sách nắm giữ vàng cao nhất thế giới.

Bài học bất động sản

Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế mà Đảng và Chính phủ đề ra đang đặt ra cho nền kinh tế rất nhiều vấn đề cần giải quyết mà một trong số đó là chi phí tái cơ cấu nền kinh tế. Và theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì con số để đáp ứng việc thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vào khoảng 200.000 tỉ (tương đương 10 tỉ USD) - con số được xem là quá sức với một nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn như Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh, lượng vàng có giá trị lên tới 22 tỉ USD mà người dân đang nắm giữ được chờ đợi sẽ là lời giải tối ưu cho chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, để nguồn lực vô cùng quý giá này chảy vào nền kinh tế lại không hề đơn giản!

Nhìn vào những nỗ lực mà nền kinh tế đang cố gắng thực hiện nhằm thu hút nguồn lực từ vàng mà người dân đang nắm giữ gần đây hẳn nhiều người sẽ liên tưởng tới những diễn biến trên thị trường bất động sản gần 2 năm nay. Sự thiếu minh bạch dẫn tới việc người tiêu dùng thờ ơ, nhà đầu tư rút khỏi thị trường được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ế ẩm, đóng băng, thanh khoản kém trên thị trường bất động sản hiện nay. Một loạt các giải pháp hỗ trợ từ nền kinh tế đã được đưa ra nhưng thị trường bất động sản vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Và dù báo cáo của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) đã chỉ ra rằng, lượng tiền trong dân vẫn còn nhưng không đổ vào bất động sản. Điều này được khẳng định qua kết quả khảo sát của công ty khi có tới 84% khách hàng khẳng định, bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để mua nhà do họ kỳ vọng giá còn giảm tiếp. Từ đó, CBRE cũng đưa ra nhận định, tâm lý này chỉ thay đổi khi nền kinh tế có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn.

Từ đó thấy rằng, để bài toán huy động nguồn lực từ vàng mà người dân đang nắm giữ vào nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế mà Đảng và Chính phủ đặt ra thì tính minh bạch trên thị trường vàng cần phải được đảm bảo. Ngoài ra, nền kinh tế cũng cần phải xây dựng cơ chế huy động vàng dựa trên quyền lợi của người dân.

Điều này đã được ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Có thể huy động vàng trong dân bằng nhiều phương án nhưng phải theo nguyên tắc đảm bảo quyền sở hữu của người dân đối với vàng và dựa trên quyền lựa chọn của người dân chứ không ép buộc”.

Thanh Ngọc