Thị trường bán lẻ:

Doanh nghiệp nội đuối sức

07:00 | 24/09/2014

2,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO, năm 2015 các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được đầu tư 100% vốn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được các nước thông qua. Với thực trạng bán lẻ trong nước như hiện nay, rất có thể từ năm sau, khi mà các nhà phân phối - bán lẻ nước ngoài ồ ạt mở rộng phạm vi hoạt động khiến các doanh nghiệp trong nước trở tay không kịp.

Năng lượng Mới số 354

“Nội” vẫn chưa sẵn sàng?

Với thị trường tăng trưởng nhanh, sức mua sắm lớn và được đánh giá hấp dẫn hàng đầu khu vực, Việt Nam luôn được các tập đoàn bán lẻ trên thế giới đánh giá cao về tiềm năng và sức mua của thị trường. Hiện nước ta có khoảng 90 triệu dân, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng. Dân số trẻ, trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao, thu nhập đang được cải thiện, Việt Nam được xem là mảnh đất vàng thu hút các nhà bán lẻ lớn trên thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích đang chiếm khoảng 20% thị phần bán lẻ trong nước. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển qua các kênh bán lẻ thay vì chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống. Cùng quan điểm về thị trường, Công ty Tư vấn AT Kearney (Mỹ) cũng dự báo doanh số doanh số bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khoảng 23% năm 2014. Điều đó tạo cơ hội để các kênh bán lẻ hiện tại tiếp tục có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, ngành bán lẻ trong nước dường như chưa biết cách để tận dụng và khai thác hết các lợi thế này.

Sự thất bại của hệ thống G7 Mart trong vài năm trước đã cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại của các doanh nghiệp nội khi tham gia thị trường bán lẻ. Đó là thiếu vốn, là quản lý yếu kém, là khó khăn tìm nguồn hàng cung ứng và độ “phủ sóng” trên toàn quốc. Khi đó, Trung Nguyên đã xây dựng G7 Mart dựa trên mô hình của các cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua nhượng quyền thương hiệu, với mục tiêu đưa đến người tiêu dùng một chuỗi các cửa hàng quen thuộc, thân thiện, có lượng hàng hóa phong phú, đảm bảo và giá rẻ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lớn, thiếu nguồn đầu vào giá rẻ, ổn định, G7 Mart đã không thể cạnh tranh được với chính các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và với cả chính các hãng sản xuất nên lụi tàn dần rồi chết yểu.

Trần Anh phải đóng cửa siêu thị Cát Linh, Hà Nội kể từ 31-8-2014

Điểm sáng trong số các doanh nghiệp nội hoạt động trong hệ thống  bán lẻ phải kể đến Coopmart của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Coop). Bắt đầu tập trung gây dựng tên tuổi tại thị trường phía nam, vài năm gần đây, Coopmart đang mở rộng sự hiện diện của mình tại Hà Nội cùng một số tỉnh phía bắc. Hiện Coopmart có 71 siêu thị trên cả nước và đang có kế hoạch mở thêm 8 siêu thị khác. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra có 100 siêu thị trên toàn quốc trước năm 2015 thì Saigon Coop đã không thể hoàn thành được. Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Coop khẳng định, do tác động của thị trường, sức mua chung không tăng trong khi áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ, bản thân Saigon Coop cũng chưa có sự đột phá vươn lên mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực chưa tốt. Đây cũng là điểm yếu chung của các nhà bán lẻ Việt Nam. Hiện Saigon Coop đang triển khai giai đoạn 2 “Dự án Điện toán tập trung” để chuẩn hóa việc quản lý tồn kho và quản lý tài chính để tăng cường khả năng quản lý và giảm chi phí, thất thoát trong hoạt động.

Một thương hiệu lớn khác trong nước cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ tại các siêu thị là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Đến thời điểm hiện tại, hệ thống Vinatex mart đã có 71 siêu thị, điểm bán hàng quy mô lớn khắp cả nước với nhiều mẫu mã, thương hiệu dệt may Việt Nam. Mô hình chuyên doanh này mặc dù tạo dựng được uy tín đối với người tiêu dùng khi mua sắm hàng dệt may, tuy nhiên lại thiếu sức hấp dẫn như các siêu thị, trung tâm mua sắm đa năng khác.

Trong lĩnh vực điện máy, một số đại gia trong nước khác cũng đang tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Viettel Store hiện đang có tới 846 cửa hàng, siêu thị điện máy trên cả nước. FPT Shops (thuộc quản lý của FPT Retail) cũng hối hả chạy đua và đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận chung của cả tập đoàn FPT.

Khảo sát cho thấy, dung lượng thị trường điện máy rất lớn và sức tiêu thụ cũng rất mạnh. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, dịp tết vừa qua, tổng chi tiêu của thị trường điện máy đã tăng 27,5% so với cùng kỳ 2013, lên xấp xỉ 35.000 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng mặt hàng điện thoại và máy tính bảng, tổng chi tiêu đã lên tới 16.000 tỉ đồng. Điều đó càng đẩy các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này thêm cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, sự biến mất hay thu hẹp hoạt động của nhiều siêu thị điện máy trong vài năm qua báo hiệu thị trường này không phải là miền đất hứa cho các doanh nghiệp nội. Nhiều doanh nghiệp như Việt Long, WonderBuy, Best Carings, Home Oneđã phải rời cuộc chơi, trong khi các doanh nghiệp khác như Trần Anh, Pico, Topcare cũng đang có những sự phát triển chậm chạp.

“Ngoại” đã bắt đầu thôn tính thị phần

Đầu tiên là 2 thương hiệu lớn của thế giới là BigC và Metro Cash&Carry, đều có mặt tại nước ta từ rất sớm. Hiện BigC có 28 siêu thị phủ khắp 18 tỉnh thành phố trên cả nước và đã khẳng định được tên tuổi, uy tín và là địa chỉ mua sắm hấp dẫn của người dân. Trong khi đó, Metro Cash&Carry có mặt từ năm 2002 với 19 trung tâm tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hơn 900.000 khách hàng chuyên nghiệp. Việc Metro “âm thầm” chuyển nhượng cho đại gia Thái Lan là Tập đoàn Berli Juker cũng đã gây nhiều lo ngại cho các nhà bán lẻ Việt Nam. Berli Juker sở hữu một hệ thống xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối hàng đầu châu Á hiện nay sẽ là một cạnh tranh đáng kể với những đối thủ đã có mặt trên thị trường

Tiếp đến là phải kể đến sự góp mặt của Lotte Mart. Đại gia châu Á này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007 nhưng phải sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng, tới đầu năm 2014 mới bung ra mạnh mẽ. Hiện Lotte đã có các trung tâm thương mại lớn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng 7 siêu thị tại một số thành phố lớn khác trên cả nước. Số vốn đầu tư cho mỗi siêu thị ước khoảng 30-40 triệu USD. Mục tiêu của Lotte tại thị trường Việt Nam là đến 2020 mở 60 trung tâm thương mại và vươn lên trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Chiến lược xâm nhập thị trường một cách vững chắc, mạnh mẽ của Lotte đang cho thấy hệ thống bán lẻ tại Việt Nam nằm trong kế hoạch tính toán lâu dài của đại gia bán lẻ này.

Cũng cần lưu ý rằng, năm 2011, hai “gã khổng lồ” Wal-Mart và Carrefour  đã phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc vì không cạnh tranh nổi với Lotte. Điều này cho thấy khả năng am hiểu thị trường bán lẻ và sức mạnh của Lotte Mart là rất tốt.

Một tập đoàn bán lẻ lớn khác của Thái Lan, Central Group cũng đã khai trương chuỗi siêu thị Robins ở Royal City, Hà Nộivới diện tích 10.000m2. Dự kiến Central Group sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai lớn hơn tại TP HCM vào cuối năm 2014. Người tiêu dùng sẽ tìm thấy mọi thứ cần thiết tại mỗi siêu thị được đầu tư tới 100 triệu USD của Robinsons.

Ngoài ra, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Wal-Mart (Mỹ) mới đây cũng khẳng định sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Wal-Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wal-Mart tiêu thụ khoảng 40 tỉ USD hàng từ Trung Quốc. Nếu vào Việt Nam, sẽ là đối thủ lớn của các nhà bán lẻ khác.

Sức hấp dẫn của người tiêu dùng nội đối với các trung tâm mua sắm của nước ngoài thể hiện rất rõ khi Trung tâm Mua sắm Aeon Mall (Nhật Bản) khai trương hoạt động ở quận Tân Phú, TP HCM. Sức hút của siêu thị đến từ Nhật Bản mạnh đến mức theo đại diện của Aeon Mall Tân Phú, trước khai trương chính thức 10 ngày, lượng khách tham quan, mua sắm tại trung tâm lên đến 30.000 người/ngày và cao điểm cuối tuần lên đến 70.000 người. Theo kế hoạch, Aeon sẽ tiếp tục mở rộng thị phần ra Bình Dương và Hà Nội ngay trong năm 2014 này.

Đánh giá tiềm năng hấp dẫn, nhiều hãng bán lẻ quốc tế khác cũng đã có bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Tập đoàn Auchan (Pháp) cam kết đầu tư 500 triệu USD trong vòng 10 năm tới.

Như vậy, có thể thấy thị trường bán lẻ trong nước đang đứng trước nhiều thử thách, có thể coi năm 2014 là năm bản lề, đánh dấu bước ngoặt khi mà các nhà bán lẻ lớn trên thế giới và khu vực đang tích cực chạy đua mở rộng sự hiện diện và thị phần tại nước ta. Với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản lý tốt cùng khả năng am hiểu thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài đang thể hiện rõ ưu thế vượt trội trên thị trường nội khi mà các rào cản pháp lý không còn nữa. Chắc chắn trong năm 2015 và một vài năm tới đây, thị trường bán lẻ trong nước còn tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc đổ bộ của nhà đầu tư ngoại. Các doanh nghiệp nội nếu không có chiến lược và giải pháp đúng đắn thì rất có thể sẽ bị gạt ra ngoài phải nhường sân chơi lại cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Thành Trung