Giá gas tăng mạnh - dân lo lắng

14:20 | 07/12/2013

1,234 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày nay, từ trong nhà đến ngoài chợ, đâu đâu cũng thấy các bà nội trợ, các nhân viên công sở xôn xao bàn luận về giá gas tăng đột biến lên 485.000 - 491.000 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân, thực trạng, những hệ lụy… của việc tăng giá này được dư luận “mổ xẻ”, kèm theo những bức xúc và lo lắng…

Năng lượng Mới số 280

“Ba đấm không bằng một đạp”

Trong cuộc họp thường kỳ vào đầu tháng 12/2013, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận: Trước thông tin giá gas tăng mạnh, hầu hết người tiêu dùng ai ai cũng bức xúc. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho biết: “Riêng với giá gas và thị trường gas thì vẫn được quản lý theo quy định Luật Giá, theo Nghị định 107 liên quan đến quản lý nhà nước về giá. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý và cũng rất tích cực chủ động thực hiện theo những cơ chế điều hành trên. Không chỉ các hộ gia đình và cá nhân người tiêu dùng bức xúc về giá gas mà các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh gas cũng đang rất lo lắng. Họ cũng tự thấy khó khăn và lo ngại người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng loại nhiên liệu, chất đốt khác thay thế”.

Rà soát lại những lần điều chỉnh giá gas từ đầu năm đến nay có thể thấy, giá gas tăng 1 lần đã vượt tổng giá giảm trong 6 tháng. Giá gas đã có điều chỉnh giảm liên tục 6 tháng, cụ thể đối với loại bình 12kg là tháng 5/2013 giảm 17.000 đồng/bình; tháng 4/2013 giảm 24.000 đồng/bình; tháng 3/2013 giảm 4.000 đồng/bình; tháng 2/2013 giảm 13.000 đồng/bình; tháng 1/2013 giảm 7.000 đồng/bình; tháng 12/2012 giảm 12.000 đồng/bình. Nhưng từ tháng 6, giá gas tăng liên tục, với mức tăng cao, cụ thể: tháng 6/2013 tăng 1.000 đồng/bình so với giá tháng 5/2013; tháng 7/2013 tăng 13.000 đồng/bình; tháng 8/2013 tăng 8.000 đồng/bình; tháng 9/2013 tăng 12.000 đồng/bình; tháng 11/2013 tăng 18.000 đồng/bình. Và “ngoạn mục” nhất là giá gas tháng 10/2013 giảm 8.000 đồng/bình thì đến tháng 12/2013 lại đột ngột tăng tới 80.000 đồng/bình.

Lỗi tại “giá gas thế giới”?

“Việc giá gas trong nước tăng mạnh là do giá gas thế giới tăng mạnh, tăng 267,5USD/tấn và tăng cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay”, ông Nguyễn Xuân Chiến cho biết. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, gas trong nước mới đáp ứng trên 50% nhu cầu, còn gần 50% phải nhập khẩu. Ông Trần Trọng Hữu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam giải thích thêm: Từ năm 2000, giá gas trong nước thực hiện theo quy luật của thị trường thế giới. Do đó, giá gas thế giới tăng, giá trong nước sẽ tăng theo do phụ thuộc nhập khẩu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại “phản biện”: Nói giá gas trong nước phụ thuộc nhập khẩu là không thuyết phục vì hiện gas sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. Trước lý lẽ này, Hiệp hội Gas Việt Nam “hồi đáp”: Dù gas sản xuất trong nước, nhưng cơ cấu giá vẫn được tính theo thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, các chi phí đầu vào như vận tải, lương bổng... cho gas tăng, nên giá gas bán lẻ trên thị trường bị đẩy lên cao cũng là một nguyên nhân khiến giá gas tăng mạnh. Nhưng có một thực trạng khiến không ít người thắc mắc là nếu mức tăng theo Hiệp hội Gas Việt Nam là khoảng 70.000-80.000 đồng/bình 12 kg thì mức giá tăng mới này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên 475.000- 485.000 đồng/bình 12kg. Vậy mà một số doanh nghiệp, đại lý bán lẻ gas hiện vẫn thông báo mức giá bán 340.000-345.000 đồng/bình 12kg cho những khách hàng truyền thống, cam kết.

Giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá gas?

Bàn về giải pháp để giảm giá gas trong thời gian tới, Bộ Công Thương đồng tình với kiến nghị từ Hiệp hội Gas là đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này từ 5% hiện hành xuống 0%. Theo đó, việc giảm thuế nhập khẩu gas sẽ góp phần bình ổn thị trường gas trong nước và giảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm. Nhưng người tiêu dùng và các doanh nghiệp còn lo lắng hơn, trước dự báo trong tháng 1/2014 giá gas sẽ còn có thể tiếp tục tăng.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 0% của Hiệp hội Gas Việt Nam trước tiên là nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hội viên, sau đó mới đến lợi ích người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giá gas thế giới biến động ảnh hưởng tới nội địa khó tránh khỏi. Tuy nhiên, giá gas tăng một lần tới 78.000 đồng (tăng khoảng 17% so với mức trước đó) là quá cao. Do vậy, Bộ Tài chính nên xem xét để giảm ngay thuế nhập khẩu.

Thực tế theo dõi cho thấy, trong các năm 2011-2012, khi giá gas tăng cao đến gần 500.000 đồng/bình 12kg, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu gas về 2%; thậm chí mấy tháng đầu năm 2012 còn áp mức 0%. Do đó, nếu nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam, việc được xem xét giảm thuế nhập khẩu hoàn toàn có thể xảy ra.
Ô

ng Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam chia sẻ thông tin “trấn an dư luận”: “Nếu đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas được thông qua, sẽ giảm được khoảng 17.000 đồng/bình”. Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế các hành vi lợi dụng giá gas tăng để thao túng thị trường, nâng giá tùy tiện cũng đã được tính đến. Bộ Công Thương đề nghị có sự phối hợp của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các cuộc kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas có ảnh hưởng tới các yếu tố hình thành giá, nếu thấy sai phạm sẽ xử lý...

Kịch bản “găm hàng” có diễn ra?

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, giá gas trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức trên 1.000USD/tấn. Do đó, từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 70.000-80.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức tăng 6.600 đồng/kg. Với mức tăng như trên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là khoảng 475.000-485.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.

Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng và bức xúc là ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, một số doanh nghiệp bán lẻ gas găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao cũng là nguyên nhân khiến giá tăng mạnh. Hiện một loạt công ty kinh doanh đầu mối gas đã điều chỉnh giá bán gas trong tháng 12.

Theo đại diện Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn, từ ngày 1/12, giá gas của công ty tăng 79.000 đồng và quy định giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 493.000 đồng/bình 12kg. Công ty Gas Pacific Petro tăng 78.000 đồng, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 489.000 đồng/bình 12kg... Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas phía bắc nhận định: “Ảnh hưởng của giá thế giới là nguyên nhân chính, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp bán lẻ gas đã có biểu hiện găm hàng để tăng giá”.

Trước câu hỏi liệu các đơn vị kinh doanh chiếm thị phần lớn có lợi dụng để tăng giá? Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp dù chiếm thị trường lớn nhưng nếu không vi phạm Luật Cạnh tranh, vẫn tuân theo Nghị định về quản lý giá thì không vi phạm. “Không phải doanh nghiệp gas muốn tăng giá như thế nào cũng được mà các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra yếu tố cấu thành giá gas”, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Xuân Chiến nói.

Năm hết tết đến, câu chuyện “thời giá” lại thêm nóng hơn trong dư luận xã hội sau khi giá gas tăng vọt. Người tiêu dùng lo ngại rằng, hệ lụy theo sau “cú đạp” này sẽ là sự tăng giá của cả loạt các mặt hàng khác trong đời sống sinh hoạt của mọi nhà.

Hiếu Nguyễn