Tạm nhập - tái xuất xăng dầu:

Lợi thế dễ thành gian lận

10:10 | 26/12/2012

1,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lợi dụng lỗ hổng từ cơ chế, chính sách, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang tạm nhập nhiều loại hàng hóa nhưng không tái xuất hòng trục lợi. Tình trạng này không chỉ xảy ra với rác thải công nghiệp, linh kiện điện tử, thực phẩm đông lạnh… mà còn lan sang mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và phá hoại thị trường trong nước. Đây chính là cách mà xăng dầu “chảy lậu” vào Việt Nam và từ “tạm nhập” đến “nhập thật” cho nội địa, xăng dầu còn có thể ăn không tiền thuế tới cả ngàn đồng mỗi lít.

Tạm nhập rồi “xù” tái xuất

Qua thanh tra tại các địa bàn trọng điểm trong vòng 3 tháng, Tổng cục Hải quan cho biết, tại Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã phát hiện một loạt container các loại phế phẩm như vi mạch điện tử, thực phẩm… và cả xăng dầu đã lọt qua cửa khẩu bằng con đường tạm nhập nhưng sau đó không tái xuất theo quy định trong vòng 180 ngày.

Số liệu thu thập được cũng cho thấy kim ngạch tạm nhập - tái xuất gia tăng nhanh và bất thường trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu kim ngạch tạm nhập năm 2006 chỉ 1,3 tỉ USD thì đến năm 2011 đã tăng lên đến 6,3 tỉ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2012, con số này còn lên đến hơn 3,8 tỉ USD. Bộ Tài chính nhận định, chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch tạm nhập tăng gần 5 lần là hết sức bất thường, tạo rủi ro lớn đối với nền kinh tế.

Nếu không có sự giám sát vấn đề tạm nhập tái xuất xăng dầu một cách rõ ràng, sẽ dễ dẫn tới việc “tạm nhập” thành “tiêu thụ thật” trong nước

Với mặt hàng xăng dầu, vào tháng 9/2012, Tổng cục Hải quan đã có công bố về thực trạng tạm nhập - tái xuất xăng dầu của các DN đầu mối. Thống kê cho thấy, tính từ năm 2009 đến hết tháng 6/2012, các DN đã tạm nhập gần 10 triệu tấn xăng dầu nhưng lại chỉ tái xuất hơn 8 triệu tấn. Số xăng dầu tạm nhập mà không tái xuất còn tồn tới hơn 1,98 triệu tấn, giá trị 1,4 tỉ USD. Điều đáng nói là, hiện tượng tạm nhập ồ ạt nhưng tái xuất nhỏ giọt hoặc thậm chí không tái xuất như đăng ký ban đầu. Năm sau, hàng tạm nhập mà không tái xuất ở mỗi DN lại gia tăng mạnh so với năm trước.

Đơn cử như trong khoảng 3 năm rưỡi qua, SaigonPetro không tái xuất dầu diesel tới 83% lượng tạm nhập và 100% đối với xăng tạm nhập. Riêng năm 2011, khoảng 14,4 nghìn tấn xăng và dầu diesel đã tạm nhập nhưng rốt cục, không tái xuất giọt nào. Cả những DN mới chớm bước vào thị trường xăng dầu cũng không đứng ngoài cuộc. Ví dụ như Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà “tồn” từ 96% dầu diesel, 100% xăng tạm nhập; hay Nam Viet Oil cũng lưu hàng tạm nhập mà không tái xuất tới 86% đối với xăng, 72% dầu mazut, 49% dầu diesel. Chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex là tái xuất gần bằng với lượng nhập và lượng tồn hàng chỉ dưới 10% theo quy định được phép của Nhà nước.

Lợi thế dễ tạo cơ hội cho gian lận?

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2006 đến tháng 10/2011 đã xảy ra nhiều vụ việc, như Cục Hải quan Quảng Ninh phát hiện 13 vụ vận chuyển dầu diesel tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường với số lượng 660,76 tấn.

Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 28/11, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố hình sự về tội buôn lậu xăng dầu tại Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco). Tội buôn lậu xăng dầu trên xuất phát được xác định là có liên quan tới 422 nghìn lít xăng tạm nhập nhưng đã không được Vinapco thực hiện đúng với 7 tờ khai tái xuất tại Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng đến cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng. Tổng giá trị của số xăng dầu trên được xác định trị giá khoảng 8 tỉ đồng; và theo nội dung tờ khai Hải quan thì chúng sẽ được tái xuất cho sang Trung Quốc cho đối tác là Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải.

Thay vì tái xuất, số xăng trên đã được Vinapco mang tiêu thụ tại các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ và Thái Nguyên. Do có nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng đã mượn xăng của đơn vị khác để nhập lại nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng, cụ thể vào ngày 1/8/2012, Vinapco đã xin làm thủ tục nhập lại Kho xăng dầu Đình Vũ số xăng trên sau đó xin hủy tờ khai và chuyển tiêu thụ nội địa.

Qua điều tra xác minh, Cơ quan Hải quan đã xác định tại Trung Quốc không tồn tại Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải. Đáng chú ý, trước đó Công ty Xăng dầu Hàng không cũng đã mở 2 tờ khai tái xuất 2.330 tấn xăng thuộc số xăng 5.463 tấn tạm nhập ngày 10/5/2012 cho Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải theo đường biển. Với hành vi buôn lậu trên, các đối tượng đã trốn các loại thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt tổng cộng 2,5 tỉ đồng (chưa tính phí).

Về vấn đề quản lý xăng dầu tạm nhập - tái xuất, trong buổi giao lưu trực tuyến “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 20/12 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính) khẳng định: “Đây là loại hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, là lợi thế quốc gia, vậy chúng ta không nên bỏ, đặc biệt là phù hợp với công ước quốc tế về hải quan. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quản lý thế nào, giám sát hải quan như thế nào? Theo quy định về tạm nhập - tái xuất xăng dầu, hàng hóa phải nguyên trạng, nhưng theo thông tin của chúng tôi ở một vài nơi không thực hiện được như vậy, không phân biệt được hàng nào là tạm nhập - tái xuất, hàng nào là kinh doanh nội địa”.

Ông cũng nhận định, trong thời gian vừa qua, có hiện tượng một số DN lợi dụng để buôn lậu. Do tạm nhập - tái xuất có ưu đãi rất lớn, ân hạn thuế 90 ngày nên các DN mở tạm nhập tái xuất để tận dụng ưu đãi. Sau 90 ngày nếu không tái xuất, DN có thể yêu cầu cơ quan chức năng cho kinh doanh nội địa, quay lại nộp khoản thuế đã được ân hạn.

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng thừa nhận, trong thời gian qua do giám sát chưa nghiêm nên đã có một số trường hợp gian lận trong việc tạm nhập - tái xuất xăng dầu. Nhưng theo ông, chúng ta không thể gom tất cả vào một nhóm. Gian lận có hai dạng: Thứ nhất là tạm nhập và tái xuất rồi nhưng người mua lại nhập lậu vào nội địa. Đây không phải là tạm nhập tái xuất mà là gian lận. Thứ hai là, tạm nhập nhưng không tái xuất. Đấy là do chúng ta quản lý chưa tốt. Về vấn đề dừng tạm nhập tái xuất qua đường biển, ông Tú cũng nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta không cấm tạm nhập tái xuất mà chỉ tạm dừng, rà soát lại để làm tốt hơn”.

Tuy nhiên, tạm nhập - tái xuất xăng dầu không chỉ “tiếp tay” cho việc buôn lậu, gian lận mà bản thân nó đem lại nhiều lợi ích cho DN và cho đất nước. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): “Tạm nhập tái xuất là hình thức kinh doanh bình thường, có thể khai thác thêm dịch vụ cảng biển, sân bay, góp phần nâng sức cạnh tranh của đất nước. Kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh, chúng tôi thấy, nếu ổn định thuế giá trị tuyệt đối thì mọi vấn đề xung quanh tạm nhập tái xuất không như thời gian qua bởi vì tạm nhập vào bao nhiêu không liên quan gì tới giá, khi nào xuất ra có chứng từ hải quan thì được trả lại tiền. Với tiêu thức rõ ràng như vậy, loại hình tạm nhập tái xuất sẽ phát triển. Ví dụ Singapore hình thức tạm nhập tái xuất tới 30 triệu tấn/năm”.

Vì thế, để đảm bảo việc tạm nhập - tái xuất xăng dầu đảm bảo lợi ích cho DN và đất nước, đồng thời tránh được những hành vi gian lận, buôn lậu, các cơ quan chức năng nên xem xét lại những khung quy định và xem xét lại thời gian tạm nhập hàng đó, đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, tuyệt đối không cho phép DN tạm nhập - tái xuất đối với hàng cấm, tạm nhập cửa khẩu nào phải tái xuất ở cửa khẩu đó, hàng tạm nhập quá 15 ngày coi như hàng không có chứng từ phải xử lý, riêng đối với tạm nhập - tái xuất xăng dầu phải nguyên trạng…

Khánh An