Vàng nữ trang "cứu cánh" thị trường vàng

11:32 | 24/12/2013

3,789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mùa cưới và thời gian cận tết đã tạo lực mua vàng lớn đối với thị trường vàng nữ trang trong khi vàng miếng án binh bất động.

Xu thế chuộng vàng nữ trang

Bất chấp nền kinh tế đang khó khăn, sức mua vàng trang sức trong những ngày gần đây đang tăng mạnh. Theo đại diện Phòng Kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu, số lượng người dân đến mua vàng hơn một tháng nay đã gia tăng nhanh chóng, tăng gấp 1,5-2 lần. Đa số các giao dịch mua vào là sản phẩm nhẫn tròn trơn khoảng 2 đến 3 chỉ và các loại vàng trang sức như lắc tay, vòng, kiềng, nhẫn kiểu... Cũng nhờ vàng nhẫn và vàng trang sức mà trong hai tháng gần đây, công ty này đã đạt kỷ lục về doanh số, tăng 300% so với mức cao nhất trước đây.

Lý giải về mức tăng đột biến của thị trường vàng nhẫn và vàng nữ trang, lãnh đạo các công ty kinh doanh vàng đều cho rằng xuất phát từ nhu cầu của người dân vì đang vào mùa cưới. Ngoài ra, do kinh tế khó khăn nên nhiều người không đủ tiền để mua cả 1 lượng. Người dân tiết kiệm bằng cách mua nhẫn tròn trơn 1-3 chỉ, phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền.

Nhẫn tròn trơn đang là "cứu cánh" cho thị trường vàng

Tương tự, nhờ có vàng nữ trang mà doanh thu của Công ty SJC cũng tăng mạnh, tăng hơn 25% so với năm 2012. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng chứng kiến mức tăng trưởng 15-20% so với tháng trước với riêng mặt hàng vàng nhẫn.

Nắm bắt nhu cầu này, mùa cưới và tết Nguyên đán 2014 năm nay, các công ty vàng bạc đã liên tiếp tung ra nhiều bộ trang sức “khủng”, giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Có thể kể đến các bộ sưu tập trang sức của PNJ như: “Thiên đường hạnh phúc” giá 100 triệu đồng; “Dịu dàng sắc xuân” khoảng 90 triệu đồng; “Em về tinh khôi” có giá hơn 50 triệu đồng... Ngoài ra, PNJ còn cho ra đời nhiều sản phẩm trang sức mùa cưới khá đa dạng, tinh xảo với mức giá dao động 4-20 triệu đồng/cặp nhẫn cưới.

Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng có nhiều mẫu sản phẩm trang sức cưới đa dạng về phong cách, kiểu dáng và chất liệu, có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Các sản phẩm được làm theo bộ gồm: lắc, kiềng, nhẫn, hoa tai: bộ kiềng vòng cuốn hoa, bộ trang sức cưới, chữ hỷ, chúc phúc... có trọng lượng khoảng 8-12 chỉ mỗi bộ.

Song song với các sản phẩm mới, lạ để thu hút khách hàng, các công ty còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Chẳng hạn, PNJ giảm 5% giá bán cho khách hàng mua nhẫn cưới có giá trên 3 triệu đồng từ ngày 1/11 đến ngày 31/12. Hay tại Bảo Tín Minh Châu cũng có chương trình “Mua nhẫn cưới - Nhận quà sang”. Theo đó, từ ngày 20/9/2013 đến 20/4/2014, khách hàng mua nhẫn cưới tại Bảo Tín Minh Châu sẽ nhận được nhiều ưu đãi.

Vàng nữ trang xuất khẩu sắp được miễn thuế

Bộ Tài chính vừa có thông báo ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.

Thông tư nhằm triển khai thực hiện cam kết WTO năm 2014, Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013 và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 302/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và sau khi trao đổi với các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan.

Cụ thể, về danh mục biểu thuế xuất khẩu: Danh mục biểu thuế xuất khẩu đã được chi tiết mã hàng hóa của các nhóm mặt hàng đến cấp độ 8 số. Đối với những nhóm hàng đã được định danh như trong biểu nhập khẩu thì  được ghi mã hàng và tên mô tả hàng hóa giống như trong biểu nhập khẩu. Đối với những mặt hàng chưa được định danh trong biểu thuế nhập khẩu thì tùy tính chất mặt hàng, quy tắc phân loại hàng hóa mà được chi tiết tên riêng và áp mã hàng theo mã hàng của biểu thuế nhập khẩu.

Về thuế suất thuế xuất khẩu: Thuế suất thuế xuất khẩu có sự thay đổi đối với một số nhóm hàng (vàng, cao su, sản phẩm chế biến từ tinh quặng titan...) cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế, xã hội của trong nước và bối cảnh kinh tế quốc tế.

Theo Thông tư 164, về thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng từ 1/1/2014 sẽ giảm về 0%. Trong khi đó, vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, sẽ chỉ áp dụng với các trường hợp khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu, còn NHNN nhập vàng sẽ không chịu thuế.

Hiện nay, theo quy định từ năm 2011, vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% chịu thuế suất xuất khẩu là 10%; nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%.

Về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi: Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng từ ngày 1/1/2014 có thay đổi so với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 2013 như: điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu của một số dòng thuế cho phù hợp với cam kết WTO năm 2014 và sửa đổi bất hợp lý về thuế suất thuế nhập khẩu giữa sản phẩm nguyên chiếc với vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nguyên chiếc; đồng thời cũng điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số dòng thuế  theo Chỉ thị số 09/CT-TTg nhằm khuyến khích sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.

Thông tư này có hiệu lực từ 1/1/2014, đồng thời bãi bỏ 16 thông tư khác đã ban hành khác.

Theo quy định của Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 26/ 9/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2014), thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, hàm lượng sản phẩm và  các điểm kinh doanh doanh phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường sản phẩm, cũng như tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố chất lượng, hàm lượng.

Theo đó, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 kara (99,9%).

Khi thực hiện phân hạng theo kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị kara thực tế xác định theo phân hạng danh định tại Bảng 3 (ví dụ vàng trang sức 21,5K thì xếp vào loại vàng 21K). Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế (ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780). Vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng, phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán vàng miếng chịu sự thanh tra, kiểm tra về đo lường và chất lượng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán vàng miếng vi phạm các quy định tại Thông tư này bị xử lý vi phạm về chất lượng và đo lường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.


Thảo Nguyên