Vì sao chỉ số giá tiêu dùng tăng cao?

09:38 | 06/09/2012

3,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 đã tăng mạnh trở lại với mức tăng 0,63% sau 5 tháng tăng thấp và giảm. Sự tăng mạnh về chỉ số CPI là hơi sớm so với dự báo chỉ số này tăng thấp hoặc âm đến hết quý III và đầu quý IV.

Tăng 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa

CPI tháng 8 đã tăng 5,04% so với tháng 8/2011, tăng 2,86% so với tháng 12/2011, đưa CPI bình quân 8 tháng qua tăng 10,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2011. Việc CPI tháng 8 cả nước tăng cũng đã được tiên lượng trước, khi hai đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội có mức tăng 0,57% và 0,66%.

Cụ thể, CPI tháng 8 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,24-5,44%. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức 5,44%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng thấp nhất với mức 0,24%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Cụ thể, giá dịch vụ y tế cả nước đã tăng 7,71% do tăng giá dịch vụ y tế ở một số tỉnh theo Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BYT-BTC đã góp phần làm CPI chung cả nước tăng 0,3%. Tại nhiều tỉnh, thành phố, giá dịch vụ y tế đã tăng rất cao.

Các chuyên gia dự báo, xu hướng CPI sẽ tăng từ nay đến cuối năm

Cùng với dịch vụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng mạnh tới 2,03% sau 4 tháng giảm liên tiếp (từ tháng 4 đến tháng 7/2012) và đóng góp vào mức tăng CPI chung tới 0,2%; trong đó, giá gas bình quân cả tháng đã tăng 8,02% theo đà tăng giá thế giới, với giá điện được điều chỉnh tăng 5% kể từ ngày 1/7/2012 theo quyết định của Bộ Công Thương. Ngoài ra tác động của một số địa phương phía Bắc tăng giá nước sinh hoạt trên 1% cũng là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 8 tăng 0,63%.

Đặc biệt, tác động lớn nhất vào chỉ số CPI là giá xăng dầu. Chỉ trong vòng 40 ngày, giá xăng đã tăng 4 lần với tổng mức tăng 3.050 đồng/lít, mặt hàng đầu vào của hơn 80 ngành hàng khác đã kéo theo giá một số dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,26% và đóng góp vào mức tăng chung CPI 0,06%. Ngược lại với nhóm nhiên liệu và dịch vụ y tế, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,18% do giá lương thực giảm 0,43% và giá thực phẩm giảm 0,27% khi nguồn cung dồi dào và sức mua yếu.

Kinh tế chưa hết khó khăn

Nhìn vào việc chỉ số CPI tăng dương, ông Đỗ Thức - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc tăng giá của tháng 8 này phản ánh đúng sự vận động của thị trường. Quan điểm cho rằng 2 tháng vừa qua chỉ số CPI giảm đi và suy nghĩ nền kinh tế giảm và thiểu phát là không phù hợp trong điều kiện tình hình kinh tế hiện nay. CPI tăng lên không phải là mừng nhưng trong bối cảnh này cũng là tín hiệu cho thấy thời gian tới chắc chắn giá tiêu dùng tăng lên, kéo theo sự phát triển của nền kinh tế, tức cầu tăng lên thì cung phát triển theo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bề ngoài có thể gạt bỏ đi nỗi lo nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát nhưng bên trong sâu xa lại không như thế. TS Tạ Đình Xuyên nói, CPI tháng 8/2012 tăng cũng nằm trong quy luật thường niên của năm. Tháng 8 bắt đầu mùa mưa bão, bắt đầu chuẩn bị năm học mới…. Tuy nhiên, nếu bỏ đi những quy luật này thì sức mua vẫn không có gì thay đổi, khó khăn của nền kinh tế chưa thể chấm dứt.

Thậm chí, nhìn sâu xa, một số chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế còn đối diện với nhiều thách thức hơn. Bởi vì khi giá các loại hàng hóa tăng, thì sẽ có hai trường hợp xảy ra, đó là doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.

Trong khi hàng hóa cũ chưa bán hết được, hàng đầy kho, mà hàng hóa mới sản xuất ra có giá lại cao hơn thì người tiêu dùng sẽ càng cẩn trọng hơn khi mua hàng. Sức mua giảm sẽ khiến doanh nghiệp càng khốn khó hơn. Số liệu tháng 8 cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn khó khăn đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp vẫn chưa thoát ra được tình trạng sản xuất bị thu hẹp, không tìm được đầu ra, hàng tồn kho cao… Và đây là những việc vẫn cần xử lý tiếp trong thời gian tới.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần xem xét khả năng tái lạm phát trở lại khi CPI tăng. Thực chất, đã lâu nay nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối diện với thách thức lạm phát khi nền kinh tế chưa thật ổn định, lạm phát có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mới đây, Chính phủ thực hiện gói kích cầu tăng sức mua, triển khai bằng nhiều hành động như giãn, giảm thuế, giảm lãi suất vay tiêu dùng, tăng cung tiền…Và việc CPI tháng 8 tăng cũng có dư địa từ việc tăng cung tiền 100.000 tỉ đồng trong 2 tháng qua. Cốt lõi mục tiêu là đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng. Vì vậy, sẽ phải đánh đổi lại bằng việc CPI tăng.

Các chuyên gia dự báo, xu hướng CPI sẽ tăng từ nay đến cuối năm. Giá xăng dầu trong nước vừa có quyết định tăng theo xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, hiện nay mới có một nửa số tỉnh thành tăng giá viện phí, sắp tới sẽ có nhiều tỉnh thành cùng tăng. Ngoài ra bắt đầu vào năm học, học phí các cấp sẽ tăng vào khoảng tháng 9-10/2012, cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng lên vào cuối năm. Thêm nữa, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng khiến lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng lên, điều này sẽ kích thích sức tiêu dùng tăng trong tháng 9 và các tháng cuối năm.

Phân tích cụ thể, có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng tăng của chỉ số CPI từ nay đến cuối năm:

Thứ nhất, những yếu tố làm cho CPI các tháng vừa qua tăng thấp chưa thật bền vững. Lương thực, thực phẩm phụ thuộc vào thiên tai, dịch bệnh, xuất khẩu. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được thắt chặt trong hơn 1 năm qua, nay đang được nới lỏng. Về tiền tệ, cùng với các động thái hạ lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay là việc tăng hạn mức tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng, tăng tín dụng cho bất động sản...

Về tài chính, ngoài các giải pháp theo Nghị quyết 13 (liên quan đến gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng, đến việc cho mua sắm đối với các khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng và đã được chuyển sang năm 2012), tính đến hết tháng 7, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ứng trước 30.000 tỉ đồng vốn xây dựng cơ bản và trái phiếu Chính phủ cho các dự án cấp bách, hoàn thành trong năm 2012, 2013.

Thứ hai, lạm phát thấp đang được một số ngành, lĩnh vực coi đó là một thời cơ để đẩy giá các mặt hàng đầu vào, nhất là điện, than, xăng dầu, nước, thủy lợi phí, viện phí...

Thứ ba, việc bơm tiền trên thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng thương mại sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế.

Cuối cùng là, giá vàng tăng cao, giá chứng khoán sụt giảm mạnh, giá xăng dầu dự kiến tiếp tục tăng... sẽ tác động đến lạm phát cao quay trở lại.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu tình hình không có gì đột biến thì lạm phát cả năm 2012 có thể dừng ở con số 7% - 8%. Trong trường hợp xảy ra những đợt tăng giá bất thường, lạm phát cả năm vẫn chỉ có thể tăng ở mức cao nhất là 9,9%.                                                                                                       

Dung Anh