Bền lòng với công nghệ mới

14:43 | 14/09/2012

1,525 lượt xem
|
(Petrotimes) - Làm việc trong lĩnh vực công nghệ dầu khí - môi trường đặc thù mà đàn ông thường có nhiều lợi thế hơn, nhưng chị Bùi Mai Thanh Tú, kỹ sư Phòng Thí nghiệm Sắc ký dầu và khí, Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã âm thầm chứng tỏ, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn là một thế mạnh của người phụ nữ làm khoa học trong việc chinh phục được những công nghệ mới và mang lại hiệu quả tiết kiệm tới hàng trăm triệu đồng.

Kỹ sư Bùi Thanh Tú làm việc trong phòng thí nghiệm

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ chế biến dầu khí, Trường đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin - Liên bang Nga năm 2003, năm 2006, cô kỹ sư trẻ Bùi Mai Thanh Tú về làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế thuộc Vietsovpetro. Đứng trước thử thách có một số yêu cầu phân tích mẫu dầu và khí phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác và phát triển mỏ phải thuê dịch vụ bên ngoài, vừa tốn kém chi phí, vừa tốn thời gian và đặc biệt khó đáp ứng kịp thời tiến độ công việc; Phòng Thí nghiệm Sắc ký dầu và khí - nơi cô kỹ sư Tú làm việc đã bắt tay vào nghiên cứu và áp dụng những công nghệ mới.

Từ năm 2010, chị Tú và đồng nghiệp được giao tiếp nhận và ứng dụng “Phương pháp tách thành phần nhóm (SARA) mẫu dầu thô hay Bitum cho phân tích các chỉ tiêu địa hóa Hydrocarbon phục vụ tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ”. Công nghệ mới và là chuyên ngành hẹp, hầu như không có tài liệu tham khảo, chị Tú đã phải kiên nhẫn, tỉ mỉ tự tìm ra cách đáp ứng công việc. Tuy phương pháp và máy móc đã có, nhưng trên thực tế, các mẫu dầu rất đa dạng, từng khâu nhỏ như đưa bao nhiêu dầu vào cột tách, dùng tỷ lệ dung môi thế nào… đều có thể dẫn đến sai sót, không phân tích được hoặc cho kết quả ít…

Sau rất nhiều ngày phải đứng “chôn chân” trong phòng thí nghiệm, phải làm thêm đến tối muộn, rồi làm đi làm lại nhiều lần, chị Tú đã áp dụng thành thạo công nghệ mới và có thể làm một lúc 4-5 mẫu. Chị tâm sự, chính đức tính kiên nhẫn của người phụ nữ mới đáp ứng được đòi hỏi rất tỉ mỉ và tốn thời gian của công việc này. Những kết quả phân tích sâu từ việc tách SARA chính xác của chị và các đồng nghiệp sẽ cho biết các chỉ tiêu địa hóa quan trọng góp phần không nhỏ vào việc tìm kiếm mỏ.

Mỗi loại dầu đều có “dấu vân” riêng. Việc phân tích các “dấu vân” này sẽ giúp xác định mẫu dầu mới hay cũ ở các mỏ mới, đồng thời giúp phát hiện kịp thời nếu giếng bị ngập nước, bị dầu lạ xung quanh xâm nhập… trong quá trính khai thác. Nghe thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi bắt tay vào ứng dụng “Phương pháp phân biệt các loại dầu thô hay condensat trên cơ sở phân tích dấu vân sắc ký 11 cặp Pic của các Hydrocarbon từ nC8 đến nC22”, chị Bùi Mai Thanh Tú gặp phải những thử thách mới. Việc phân tích đòi hỏi nhiều số liệu cập nhật liên tục, trong khi máy móc đầu tư chưa có, việc xử lý, minh giải số liệu yêu cầu phương pháp biện luận khó và… không cho phép sai. Ngoài sự tỉ mỉ, chính xác vốn có khi làm việc với các hóa chất, ống nghiệm, chị Tú tiếp tục kiên trì làm quen và thành thạo các phần mềm tính toán liên quan cũng không kém phần phức tạp. Chị đã và đang góp phần khẳng định vẻ đẹp riêng của những người phụ nữ làm khoa học dầu khí: khiêm tốn, nhỏ nhẹ nhưng luôn phấn đấu vươn lên để có những đóng góp hữu ích cho ngành!

Từ việc phải chờ đợi các kết quả phân tích mẫu dầu thô tới vài tháng, những công nghệ mới mà kỹ sư Bùi Mai Thanh Tú và Phòng Thí nghiệm Sắc ký dầu và khí đưa vào ứng dụng đã rút ngắn thời gian này xuống còn một tuần hoặc đáp ứng tiến độ nhanh hơn theo yêu cầu. Không chỉ phục vụ nhu cầu của Vietsovpetro, hiện Phòng còn làm dịch vụ cho các công ty trong và ngoài nước. Việc áp dụng hai phương pháp nêu trên ước tính đã giúp tiết kiệm chi phí tới 180 triệu đồng, nhưng trên thực tế, hiệu quả tiết kiệm tiền nhờ giảm thời gian chờ đợi sẽ còn cao hơn và khó đong đếm chính xác.  

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status