Sinh hoạt Câu lạc bộ Giám đốc Dầu khí lần thứ 3

Cần lắm những lời nói thật

14:36 | 20/09/2014

466 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 19/9 tại Đà Nẵng, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc Dầu khí đã tổ chức sinh hoạt lần thứ 3.

Ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Chủ nhiệm CLB Giám đốc Dầu khí; ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn, Phó chủ nhiệm CLB cùng ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Phó chủ nhiệm CLB đã chủ trì buổi sinh hoạt.

Tham dự sinh hoạt CLB lần này có các vị “trưởng lão” nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí qua các thời kỳ; Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc các đơn vị thành viên và lãnh đạo một số ban chức năng của Tập đoàn.

Chủ nhiệm CLB Vũ Quang Nam đề nghị các Tổng giám đốc, Giám đốc hãy nêu ra những bài học kinh nghiệm về điều hành, quản lý doanh nghiệp của mình; đồng thời mạnh dạn nêu lên những khó khăn thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải hoặc sẽ gặp trong thời gian tới, và đưa ra các giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn đó. Và quan trọng là “chúng ta hãy nói thật với nhau”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, hội nghị đã nóng lên ngay từ phút đầu bởi các vị tổng giám đốc đã bộc bạch rất nhiều những băn khoăn, suy tư của mình về công việc và đặc biệt là nỗi lo lắng trước tương lai phát triển của đơn vị.

Cần lắm những lời nói thật

Ông Vũ Quang Nam, Chủ nhiệm CLB Giám đốc Dầu khí kết luận hội nghị.

Ông Nguyễn Tiến Long, đại diện cho Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã nói lên những bài học kinh nghiệm của PVEP trong việc thăm dò gia tăng trữ lượng và sản xuất kinh doanh.

Năm nay, PVEP có thể tạm bằng lòng với những kết quả đã đạt được cho đến trung tuần tháng 9, ấy là đã vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nhưng điều quan trọng là PVEP đã kiểm soát chi phí rất tốt trong quản lý dự án và sản xuất. Đảm bảo chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án trong và ngoài nước. Ở bất cứ dự án nào có khó khăn, lãnh đạo PVEP cũng “xắn tay áo” cùng với nhà thầu để giải quyết. Chính vì vậy mà nhiều dự án đã tiết kiệm được chi phí rất lớn. Ví dụ như ở mỏ Sư Tử Nâu đã vượt mốc thời gian 47 ngày. Nếu như mỗi một ngày mỏ này cho vài chục ngàn thùng dầu thì mới hiểu hết được ý nghĩa của việc vượt tiến độ là như thế nào. Ở dự án Thăng Long – Đông Đô, PVEP đã tiết kiệm được hơn 20 triệu USD. Có được con số tiết kiệm lớn thế này là vì lãnh đạo PVEP đã mạnh dạn giao các phần việc quan trọng cho các nhà thầu trong nước.

Tuy nhiên, ông Long cũng bộc bạch là hiện nay do cơ chế của Nhà nước cho nên chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khi tham gia đấu thầu, mua mỏ ở nước ngoài. Có nhiều mỏ rất “ngon ăn” nhưng vì thủ tục của ta xét duyệt quá lằng nhằng, quá lâu, thậm chí, có những dự án phải chờ Quốc hội thế là mất cơ hội. Việc mua mỏ là rất quan trọng, bởi tránh được rủi ro về thăm dò, vốn đầu tư thấp. Trong khi đó các công ty nước ngoài do họ có tiềm lực về tài chính lại có cơ chế tự chủ về mọi mặt nên họ sẽ sẵn sàng giảm giá để chiếm lĩnh thị trường.

Ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), đề cập đến một vấn đề có tính sống còn đối với ngành dịch vụ kỹ thuật.

Đó là một phần do cơ chế chính sách của chúng ta thay đổi quá nhanh, đặc biệt là về việc quản lý các dự án và đấu thầu. Các đơn vị của PVEP phải dựa vào nội lực, tham gia đấu thầu sòng phẳng nhưng có một điều rõ ràng là với các dự án lớn chúng ta không có cách gì cạnh tranh nổi với các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc. Do họ có tiềm lực tài chính mạnh nên họ bỏ thầu rất thấp. Mặc dù năm nay, các chỉ tiêu của PTSC vẫn vượt nhưng sang các năm tới thì tương lai thật là khó đoán bởi lẽ cơ chế chính sách của chúng ta ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh, nhưng các doanh nghiệp Nhà nước đang bị ràng buộc bởi rất nhiều thủ tục hành chính và hầu như không có quyền tự chủ.

 Một điều rõ ràng là doanh nghiệp Nhà nước không thể cạnh tranh được với tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ nếu như chúng ta vẫn thực hiện cơ chế như hiện nay. Bởi vì doanh nghiệp nước ngoài họ có khả năng đầu tư rất nhanh và quyết đoán. Còn giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước (thực chất là người làm thuê cho Nhà nước), quyền lực thực tế ngày càng bị giảm bởi các loại thủ tục hành chính và các cơ chế giám sát. Có một vấn đề cực kỳ bất cập là, nếu làm ít, phối hợp với bên ngoài thì còn có khả năng, nhưng nếu độc lập làm thì sẽ vô cùng khó khăn. Ông dẫn chứng có những dự án đi đấu thầu ở nước ngoài, đơn vị đã phải chấp nhận bỏ thầu thấp dưới giá thành 20% vậy mà vẫn không lại được với doanh nghiệp nước ngoài.

“Trưởng lão” Hồ Sĩ Thoảng thì thẳng thắn cho rằng, với thủ tục, quy định của Nhà nước về đấu thầu hiện nay thì không sớm thì muộn doanh nghiệp Nhà nước “sẽ chết” bởi có quá nhiều rào cản. Và điều vô cùng bất hợp lý hiện nay đó là: “Doanh nghiệp mẹ” sinh ra “doanh nghiệp con” để làm việc cho mình, nhưng nay lại bắt “doanh nghiệp con” tham gia đấu thầu sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài… Thế thì không khác gì bắt chúng ta “múa gậy trong bị”. Vấn đề bây giờ là thôi thì đành “cứ múa trong bị” nhưng làm thế nào cho “cái bị” rộng ra.

Nếu như Nhà nước không giao quyền cho Tập đoàn quyền chủ động và tự chủ thì đó là “cái chết được báo trước đối với các doanh nghiệp Nhà nước”.

“Trưởng lão” Nguyễn Xuân Nhậm thì khẳng định rằng ta đang thực hiện tiến trình hội nhập sâu rộng vào quốc tế cho nên không thể níu giữ cách làm cũ. Vậy Nhà nước có cần bảo hộ các doanh nghiệp Nhà nước nữa hay không, đây là vấn đề rất lớn và có tính chất sống còn đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Và ông nêu quan điểm: Nhà nước vẫn phải bảo hộ nhưng vấn đề là phải bảo hộ thế nào. Bảo hộ là phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng lại phải tránh được tư duy ỷ lại, cậy mình là “người Nhà nước”!  

“Trưởng lão” Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam  cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Nhậm, và nêu thêm những lo lắng của mình về các chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ cho người làm dầu khí. Bởi nếu chúng ta cứ giữ các chế độ cứng nhắc như hiên nay, thì sẽ đến lúc những người có tài, có kinh nghiệm sẽ ra đi.

Hội trường sôi động hẳn khi ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) lên diễn đàn.

Từ xưa đến nay ông Giang vốn nổi tiếng là người dám nói thẳng, không tránh né bất cứ vấn đề gai góc nào. Ông Giang trình bày những kinh nghiệm qua đợt bảo dưỡng nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa rồi.

Và bài học kinh nghiệm đó là.

Thứ nhất, công tác lập kế hoạch bảo dưỡng phải đi trước chí ít là một năm. Như vậy sẽ có đủ thời gian để mua sắm thiết bị thay thế.

Thứ hai là công tác bảo đảm an ninh, an toàn phải được chú trọng đặc biệt và cực kỳ chi tiết. Ông dẫn chứng lần bảo dưỡng trước, do nhà thầu TECHNIP đảm nhiệm vì không làm tốt công tác bảo vệ nên có khi chỉ mất một cuộn dây mà phải mất 3 tháng sau mới thay nổi. Lần này chúng ta tự làm nhưng không để xảy ra mất một con vít, nhà máy đã hoàn thành trước thời gian 4 ngày.

thứ ba là phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Tập đoàn.

Năm nay, BSR vượt kế hoạch nhiều, có chỉ tiêu vượt đến 2 hoặc 3 lần. Và ông khẳng định mức độ sản xuất kinh doanh của BSR sẽ đạt mức như hiện nay cho đến hết năm 2017 còn sau đó sẽ cực kỳ khó khăn. Chính vì thế mà việc nâng cấp nhà máy để có thể sử dụng được nhiều nguồn dầu nhập khẩu, hoặc chế biến khí thành dầu là ý nghĩa sống còn đối với Dung Quất.

Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trần Minh Ngọc cũng nói những bài học kinh nghiệm của PVC từ năm 2013 đến nay. Mặc dù PVC hiện nay đang làm ăn có lãi nhưng thực chất vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi phải xử lý những tồn tại từ các năm trước để lại. Nhưng vị lãnh đạo PVC cũng rất tự tin là với sự hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị bạn; với tinh thần đoàn kết đồng lòng, quyết tâm vượt khó như hiện nay và đặc biệt là với cách quản lý, sản xuất phù hợp, hiệu quả thì trong thời gian tới PVC sẽ có những bước vươn lên mạnh mẽ.

“Trưởng lão” Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn nêu ra một vấn đề mà bấy lâu nay ai cũng biết, ai cũng thấy cần làm nhưng chẳng ai làm ấy là phải thành lập mỗi một khối ngành nghề có một công ty bảo dưỡng. Bởi lẽ hiện nay ở trong một khối, ví dụ khối sản xuất chế biến phân đạm và lọc hóa dầu thì có đến 80% các loại thiết bị máy móc và phụ tùng giống nhau, vậy thì hà cớ gì mà mỗi một nhà máy lại phải có một đơn vị bảo dưỡng riêng của mình. Duy nhất hiện nay là Tổng công ty Điện lực Dầu khí có một đơn vị bảo dưỡng, còn các đơn vị khác đều mạnh ai nấy làm, vì vậy lượng vật tư tồn đọng quá nhiều, máy móc thiết bị chuyên dụng thường chỉ sử dụng hết 1/4 công suất.

Nhưng muốn có đơn vị bảo dưỡng chuyên nghiệp và phụ trách từng khối công việc thì cần phải có sự ra tay quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn. Và ông nhấn mạnh rằng, phải có một nhạc trưởng chỉ huy, thống nhất cho loại công việc này.

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Vũ Quang Nam đánh giá rất cao những ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm của giám đốc các đơn vị. Ông mong muốn chúng ta sẽ có nhiều những ý kiến thẳng thắn, trung thực như thế để giúp các cấp lãnh đạo thấu hiểu hơn tình hình thực tế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Báo Năng Lượng Mới sẽ lần lượt đăng lại các ý kiến tại buổi sinh hoạt CLB Giám đốc Dầu khí lần thứ 3 trong các số báo tới.

Nguyễn Như Phong

 

 

DMCA.com Protection Status