Kinh nghiệm xử lý sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển

16:21 | 13/09/2014

1,909 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 12/9, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế xử lý thông tin phối hợp ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển tại TP Vũng Tàu.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) Lê Thanh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị trong hợp doanh đường ống khí Nam Côn Sơn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh BR-VT, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, đài thông tin duyên hải Vũng Tàu, Vùng 3 Cảnh sát Biển…

Dây chuyền khí Nam Côn Sơn

Vai trò của dây chuyền khí Nam Côn Sơn là đặc biệt quan trọng trong đảm bảo năng lượng quốc gia. Dây chuyền này gồm 4 chủ khí (Rosneft, KNOC, POVO, BDPOC) cung cấp khí và vận chuyển qua hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn đảm bảo cho các nhà máy điện tại khu công nghiệp Phú Mỹ (BR-VT) và Nhơn Trạch (Đồng Nai), sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia (tương đương lượng điện cung cấp cho toàn bộ TP HCM, Hà Nội và khu vực miền Trung).

Lãnh đạo NCSP giả sử, nếu hệ thống khí Nam Côn Sơn dừng, các nhà máy điện Phú Mỹ và Nhơn Trạch sẽ phải chuyển sang chạy bằng nhiên liệu thay thế (DO). Mỗi ngày chạy dầu so với chạy khí sẽ tiêu tốn thêm khoảng 400 tỷ đồng trong mùa khô và 200 tỷ đồng trong mùa mưa. Nếu chạy bằng dầu trong một tháng sẽ tiêu tốn thêm khoảng 9.450 tỷ đồng, tương đương với số tiền xây dựng một nhà máy điện mới, công suất 720MW như Phú Mỹ 3.

Còn trường hợp nếu hệ thống khí NCS dừng đột xuất và các nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch không kịp chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế, có thể dẫn đến hiện tượng sụt giảm khí áp và rã lưới điện quốc gia. Thiệt hại lúc đó là không thể đo được. Nếu sự cố rò rỉ tại KP75 gây cháy nổ đường ống, sẽ phải mất nhiều tháng để khắc phục, thiệt hại sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng do dừng khí, chưa kể thiệt hại về người và tài sản.

Vì vậy, Hội thảo tổ chức nhằm thu thập những ý kiến về cơ chế xử lý thông tin để phối hợp ứng cứu sự cố ngoài khơi, đánh giá nhận xét về cuộc diễn tập xử lý thông tin ứng cứu sự cố rò rỉ khí giả lập trên đường ống khí ngoài khơi tại khu vực KP75 ngày 9/9/2014. Đồng thời, trao đổi những bài học kinh nghiệm thực tế về ứng cứu sự cố rò rỉ khí từng xảy ra ngày 23/8/2013 tại KP75, trên phần đường ống của mỏ Chim Sáo (POVO).

Sự cố rò rỉ khí xảy ra ngày 23/8/2013 tại KP75, trên phần đường ống của mỏ Chim Sáo (POVO)

Từ việc xử lý sự cố thật diễn ra ngày 23/8/2013, Hội thảo đã rút ra những vướng mắc, hạn chế cần được cải thiện như: dù cơ chế thông tin liên lạc thông suốt, vẫn cần nhiều thời gian để huy động lực lượng tàu cảnh giới do phải báo cáo qua nhiều cấp, và không liên hệ trực tiếp được từ ban đầu; khi đã có tàu cảnh giới tại hiện trường thì gặp phải khó khăn là trong liên lạc với tàu do không có đường dây liên hệ trực tiếp mà phải liên lạc qua trung tâm bằng điện tín dẫn đến việc xử lý thông tin chậm; tại hiện trường KP75 sự cố, không rõ đơn vị nào là người chỉ huy khi có cả tàu dịch vụ kỹ thuật và tàu cảnh giới.

Khó khăn lớn nhất là việc tìm tàu DSV có dịch vụ lặn và ROV, do đặc thù chuyên ngành dầu khí biển (tại KP 75 có độ sâu 100m nước). Nhưng sau khi rà soát thông tin từ các đơn vị trong Tập đoàn, may mắn là tàu Amadahawk đang trên đường tới mỏ Đại Hùng có các thiết bị phù hợp với việc ứng cứu, nên đã kịp thời chuyển hướng đển trực tiếp hỗ trợ.

Đối với chương trình diễn tập hôm 9/9/2014, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn nhận xét những mặt được và chưa được, từ đó làm tiền đề để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để kịp thời ứng phó khi có sự cố. Nhìn chung, chương trình diễn tập đã phần nào phản ánh được những khó khăn, phức tạp và nguy hiểm khi sự cố xảy ra, nếu không kịp thời, thực hiện chính xác thì thiệt hại khó lường trước được.

Phần lớn các đại biểu ủng hộ và hoan nghênh việc tổ chức diễn tập thường xuyên các chương trình phối hợp ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển và các chương trình tương tự. Việc làm này thể hiện tinh thần chuẩn bị để đối phó với những sự cố trên biển, sự nỗ lực, cố gắng cao của NCSP trong việc trao đổi thông tin và ứng cứu sự cố khẩn cấp.

Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đánh giá cao việc tổ chức hoạt động diễn tập để chủ động ứng phó với sự cố khẩn cấp trên biển của NCSP, qua đó, ông Sơn thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, đề nghị: Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn hỗ trợ thông tin về hạ tầng cơ sở xây dựng trang thiết bị để phối hợp khi cần thiết”. Đối với các đơn vị trong ngành, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn yêu cầu PV GAS, PTSC, PTSC Marine… nghiên cứu phố hợp xây dựng danh mục và quy chế huy động các yếu tố như nhân lực, vật lực, tàu bè, ROV kể cả máy bay… để có thể ứng cứu khẩn cấp một khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra đối với bất kỳ tình huống nào trên bờ cũng như ngoài biển; các đơn vị trong ngành liên tục cập nhật các chương trình, kế hoạch diễn tập luôn sẵn sàng cho mọi tình huống.

Nguyễn Hiển

DMCA.com Protection Status