Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty Dầu khí Cửu Long Nguyễn Tất Hoàn:

Luôn đặt mục tiêu cao hơn khả năng

09:11 | 06/08/2012

742 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Vượt ra ngoài những câu hỏi về “bí quyết” trở thành một người lao động giỏi trong ngành Dầu khí, câu chuyện với Trưởng phòng Điều hành sản xuất Công ty Dầu khí Cửu Long JOC Nguyễn Tất Hoàn với phóng viên Báo Năng lượng Mới đầy ắp sự chiêm nghiệm, những sẻ chia chân thành và cực kỳ thẳng thắn.

PV: Theo anh, để trở thành một người lao động giỏi trong ngành Dầu khí thì cần những yếu tố gì?

Nguyễn Tất Hoàn: Có hai yếu tố, một là yếu tố cá nhân, hai là yếu tố tập thể. Cá nhân thì đầu tiên là tri thức, thiếu gì học nấy, không có tri thức thì không làm được gì. Sau đó là phải có bản lĩnh. Những đề xuất, sáng kiến thường là mới lạ, có người nghe được, có người không nghe được, mình phải kiên trì thuyết phục để lãnh đạo các cấp chấp nhận, lúc đó thì ý tưởng mới có thể đưa vào thực tế. Bản lĩnh để nếu thấy có lợi và tốt thì cố gắng mà làm cho dù đôi khi động chạm nhiều người khác vì tư tưởng quyền lợi không đồng nhất. Tất nhiên là những ý kiến, sáng kiến thuần túy thì sẽ dễ thông qua hơn. Như vậy, để trở thành người lao động giỏi yếu tố cần có đầu tiên là tri thức, bản lĩnh, cách sống làm sao để mọi người yêu quý, tin tưởng mình, ủng hộ mình. Và hai là thiên thời địa lợi nhân hòa. Nếu thời điểm đó không có những khó khăn bắt buộc người ta phải nghĩ thì chưa chắc người ta đã nghĩ ra. Rồi sau đó, khi đề xuất gặp được lãnh đạo cùng chí hướng, hiểu và đồng cảm, cộng với đội ngũ cả tập thể ủng hộ, thì rất dễ được đưa vào áp dụng, đưa vào thực tế.

Nguyễn Tất Hoàn

PV: Khi đã trở thành một người lao động giỏi thì nên làm gì tiếp theo?

Nguyễn Tất Hoàn: Giữ được nhiệt huyết.

PV: Anh có lòng nhiệt huyết với ngành Dầu khí không và nếu có thì nó khởi nguồn từ điều gì?

Nguyễn Tất Hoàn: Tôi trở thành người của ngành Dầu khí hoàn toàn ngẫu nhiên, như là số phận vậy. Khi tôi sang Nga học, ngành mà tôi chọn là công trình thủy, nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà tôi lại phải về Bacu học ngành dầu. Tôi nghĩ đó là một cái duyên. Điều thứ hai, ngành dầu cho tôi rất nhiều thứ, từ cuộc sống vật chất, từ công việc tốt đến cơ hội thể hiện bản thân mình. Nên không thể không yêu ngành dầu được (cười). Hơn nữa, dầu khí là ngành mũi nhọn của đất nước, đóng góp rất nhiều ngân sách cho đất nước. Đó là điều rất đáng tự hào. Thực sự mà nói, năm 1986, nếu chúng ta không khai thác được dầu ở Bạch Hổ thì đất nước đã đứng trên bờ vực khủng hoảng, mà cũng đã khủng hoảng rồi, nếu không có dầu từ Bạch Hổ bây giờ nước mình như thế nào tôi cũng không hình dung ra nữa…

PV: Không thể phủ nhận vật chất chính là điều kiện “giữ” người lao động ở lại một đơn vị cơ quan nào đó, nhưng đó cũng là thực tế khiến khá nhiều công ty trong PVN đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám. Là một người trẻ có tâm huyết với nghề, anh nghĩ gì về sự cám dỗ này?

Nguyễn Tất Hoàn: Theo quan điểm của tôi thì vấn đề này cần nhìn trên cả hai góc độ. Một là dạy dỗ giáo dục thế hệ trẻ để họ thấy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu. Các cụ nhà mình vẫn có câu rất hay: Nghèo thì lâu giàu thì mấy. Có thể trong một thời gian dài chị sống trong sự thiếu thốn vật chất nhưng lại có thể trong một thời gian ngắn chị sẽ có đầy đủ vật chất. Nếu các cán bộ kỹ sư trẻ không cố gắng để có tri thức tốt, cứ chỗ nào trả cao hơn liền chạy sang thì đến một lúc nào đó tri thức không đủ họ sẽ bị đào thải. Nếu không có con đường để đi, đời các em sẽ như con thuyền không lái. Một phần khác chính là vai trò quản lý. Nếu toàn PVN có một chương trình nhân sự ổn định, quản lý từ trên xuống dưới một cách bài bản, một mặt bằng chung về thu nhập, thì chuyện đó sẽ không xảy ra. Chúng ta không thể giữ một đội ngũ lao động trẻ có tri thức mà cách quản lý, đối xử của công ty này không bằng công ty khác. Muốn ở lại, vậy vật chất có đảm bảo hay không, hệ thống quản lý, người lãnh đạo có nhìn nhận đúng hay không, để người ta cống hiến? Giống như tôi từng nói lãnh đạo là tác nhân kích thích, nếu lãnh đạo biết khuyến khích tạo cơ hội để cán bộ trẻ thể hiện, chứng minh mình thì tôi nghĩ các em sẽ ở lại.

Nguyễn Tất Hoàn (ngoài cùng bên phải) cùng CBCNV Công ty Dầu khí Đại Hùng và Cục Đăng kiểm Việt Nam đi khảo sát giàn DH-01 năm 2009

PV: Anh cũng tham gia công tác quản lý, vậy anh có phải là một lãnh đạo như thế không?

Nguyễn Tất Hoàn: Tôi đang cố làm như vậy, những gì tôi nói ra là tôi đã làm, đang làm và cố làm được như vậy.

PV: Rất nhiều người bên ngoài có mong muốn vào làm trong ngành Dầu khí, bởi cho rằng đây là một nghề rất giàu… 

Nguyễn Tất Hoàn: Tôi không cho rằng rất giàu. Nếu làm công ăn lương, 2.000 thậm chí 5.000 đôla/tháng, người lương 500 đôla nhìn vào có thể sẽ ước mơ, có thể thấy thế là rất giàu, nhưng quan điểm của tôi thì giàu là thứ khác cơ, đó không phải là giàu. Và nếu xét trên giá trị vật chất thì chừng đó cũng không thể gọi là giàu. Nếu ai nói làm ngành dầu là nhàn là sung sướng thì họ nhầm. Không có cái gì mà không phải trả giá. Có nhiều bậc cha chú thế hệ trước mà tôi rất ngưỡng mộ, kính nể, sau khi nghỉ hưu thì bị mắc bệnh nặng, như tai biến mạch máu não, đó là kết quả của một thời gian dài căng thẳng thần kinh. Lương cao phải trả bằng sức lao động cả trí óc lẫn thể xác rất lớn.

PV: Nếu nói một câu ngắn gọn nhất, tổng quát nhất về ngành nghề này, anh sẽ nói gì?

Nguyễn Tất Hoàn: Tôi có thể nói thế này, có nhiều điều có thể làm tốt hơn cho ngành dầu. Cũng như tôi, tôi có thể làm được nhiều thứ tốt hơn trong công việc của mình. Cái mà tôi mong muốn là mỗi người ở từng vị trí hãy gạt bỏ yếu tố cá nhân sang một bên, lắng nghe ý kiến người khác, cho người ta cơ hội được thể hiện thì sẽ làm được nhiều điều tốt hơn nữa, chứ không chỉ như bây giờ…

PV: Thế với những người bắt đầu vào nghề…

Nguyễn Tất Hoàn: Hãy làm tốt nhất việc mình được giao. Nếu làm không hết thời gian thì tìm tòi, học hỏi thêm cho giỏi nghề, khi đó mọi cái khắc đến.

PV: Có nên đặt mục tiêu cao hơn khả năng của mình?

Nguyễn Tất Hoàn: Nên. Nếu mình không với tới thì mình vẫn sẽ cao hơn chính bản thân.

PV: Vậy con đường để đi tới đó sẽ như thế nào?

Nguyễn Tất Hoàn: Biết mình cần gì và biết mình muốn gì.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Tất Hoàn tốt nghiệp Khoa Khai thác dầu khí, Học viện Dầu khí Bacu năm 1995. Khi mới ra trường anh làm kỹ sư công nghệ giàn 2, đốc công khai thác BK-4 của Xí nghiệp Khai thác Vietsovpetro. Chỉ sau 5 năm, anh được đề bạt làm Giàn phó khai thác giàn bán chìm DH-01 rồi Giàn trưởng của Công ty Dầu khí Đại Hùng thuộc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí. Tháng 2/2007, Nguyễn Tất Hoàn làm Phó giám đốc sản xuất Công ty Dầu khí Đại Hùng thuộc PVEP khi anh mới 35 tuổi. Hai sáng kiến: “Khảo sát giàn DH-01 tại chỗ để lấy chứng chỉ phân cấp 5 năm thay vì phải tháo, tách và kéo giàn DH-01 đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock)” và “Xử lý axít cận đáy giếng ngầm mỏ Đại Hùng” của Nguyễn Tất Hoàn làm lợi cho công ty 71 triệu USD.

Lê Chi - Nguyễn Hiển (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 143, ra thứ Sáu ngày 3/8/2012)

DMCA.com Protection Status