Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ: Đi chậm để chắc

10:02 | 30/07/2012

1,335 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Hải Phòng là một trong 10 dự án trọng điểm theo quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu của Chính phủ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD. Khi nhà máy đi vào vận hành ổn định, sẽ cơ bản đảm bảo được nhu cầu về xơ sợi hóa học trong nước.

Gian nan trước vạch đích

Ngay từ thời điểm lập dự án đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xác định yêu cầu đón đầu về kỹ thuật và công nghệ: Nhà máy phải có công nghệ tiên tiến nhất, sản phẩm phải đạt chất lượng cao, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi theo xu hướng phát triển của ngành dệt may, yêu cầu chất lượng về xơ sợi sẽ ngày càng khắt khe. Sản phẩm xơ PSF của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có yêu cầu chất lượng theo thiết kế lên đến 14 tiêu chí và sợi Filament có 9 tiêu chí (là những tiêu chuẩn khắt khe nhất cho sản phẩm xơ sợi đang có trên thị trường thế giới hiện nay).

Bởi vậy, PVTEX lựa chọn công nghệ 2 bình phản ứng (Uhde Inventa Fischer, máy móc thiết bị của CHLB Đức) là phù hợp với xu thế các nhà sản xuất đi từ xu hướng dùng 4-5 bình phản ứng xuống còn 2-3 bình. Hơn nữa, một số thiết kế bình phản ứng được tối ưu hóa để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu cho các thiết bị đắt tiền như máy khuất, bơm và lọc. Ngoài việc tiết kiệm chi phí 5-10%, các nhà cung cấp công nghệ bản quyền cũng cam kết là thiết kế mới của họ cũng tiết kiệm tiêu thụ các tiện ích như dầu fuel oil đến 5%, hiệu suất chuyển hóa cao hơn, giảm các yêu cầu về thiết kế và lắp đặt cũng như giảm tiêu thụ nguyên liệu đầu vào. Thậm chí, một số nhà cung cấp đảm bảo tiết kiệm chi phí chuyển hóa đến 20% so với các công nghệ cũ.

Một góc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ

Để nhà máy vận hành có hiệu quả, một vấn đề đặc biệt quan trọng được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và PVTEX quan tâm đó là vấn đề nhân lực. Công tác đào tạo nhân lực chuẩn bị vận hành được PVTEX và tổ hợp nhà thầu HEC – LGI – PVC được đánh giá là chuẩn bị khá kỹ lưỡng và bài bản: Hơn 60 kỹ sư vận hành và 400 công nhân kỹ thuật của nhà máy sau khi tuyển dụng được đào tạo cơ bản tại Trường cao đẳng Nghề Dầu khí, tiếp đến được đào tạo nâng cao theo chương trình vận hành nhà máy của nhà thầu HEC trên giáo trình vận hành của nhà cung cấp bản quyền UIF. Kết thúc đào tạo lý thuyết, kỹ sư sẽ được đi thực tập tại các nhà máy sản xuất xơ sợi, các nhà máy có cấu hình tương tự tại các nước như Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc, công nhân vận hành cũng được cử đi thực tập tại các nhà máy có hệ thống vận hành tương tự trong nước như Đạm Phú Mỹ, tổ hợp lọc hóa dầu Dung Quất. Tuy nhiên, việc đào tạo tại nước ngoài rất khó khăn bởi vì không ai muốn cho người Việt Nam học “tới nơi tới chốn…”, đó cũng là điều dễ hiểu bởi họ biết sẽ có điều gì xảy ra nếu nhà máy đi vào hoạt động và Việt Nam sẽ không phải nhập hàng của họ nữa.

Giải pháp xử lý vấn đề kỹ thuật và tiêu thụ

Tính đến tháng 6/2012, PVTEX đã chào thầu bán công khai 6 đợt sản phẩm chạy thử với tổng số lượng sản phẩm các loại đạt gần 20.000 tấn. Bên cạnh đó PVTEX đã mời các nhà máy kéo sợi trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam dùng thử và đánh giá chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Nhà máy chưa chính thức bàn giao nên phương thức bán hàng vẫn là phương thức đấu thầu. Phương thức này theo đúng quy định trong thời điểm triển khai dự án, theo quy trình phải có hội đồng thẩm định, ban hành giá sàn của lô sản phẩm, định ra thời hạn mời thầu để các đối tác có nhu cầu đến chào thầu mua trọn gói. Tìm hiểu vấn đề tiêu thụ sản phẩm xơ sợi trên thị trường, chúng tôi được biết, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như khó khăn chung về đơn hàng của ngành dệt may (sút giảm 13% giá trị và 3% sản lượng), sự sụt giảm của thị trường nguyên phụ liệu thế giới trong 6 tháng qua, giá xơ sợi polyester đi xuống nên các nhà máy kéo sợi, các nhà đầu tư thường chú trọng nguồn cung cấp truyền thống, tâm lý sản xuất cầm chừng, tránh nguy cơ thua lỗ khi mua nguyên liệu giá cao...

Sản phẩm sợi Filament cao cấp của nhà máy

Hiện nay PVTEX đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các công việc xử lý, các vấn đề về kỹ thuật như mời các chuyên gia công nghệ (nhóm chuyên gia O&M) có kinh nghiệm vận hành các nhà máy sản xuất xơ sợi tiên tiến trên thế giới tham gia hiệu chỉnh kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác đào tạo tại chỗ cho công nhân mới, thiết lập văn hóa kinh doanh, kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp. PVTEX cũng đã chuẩn bị huy động nguồn tài chính chuẩn bị sẵn sàng cho nhà máy khi đi vào sản xuất thương mại. PVTEX cũng chủ động trong công tác nghiên cứu thị trường, mời một số công ty từ Ấn Độ, Nga, Pakistan đến tham quan và đàm phán giá bán các sản phẩm xơ sợi thành phẩm.   

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định, sẽ hỗ trợ tối đa để đưa Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ vào vận hành thương mại, ưu tiên hỗ trợ quảng bá thúc đẩy công tác tiêu thụ sản phẩm xơ sợi trên thị trường. Trong cuộc giao ban ngày 28/6/2012 giữa chủ đầu tư và tổ hợp nhà thầu Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã chỉ đạo PVTEX cùng tổ hợp nhà thầu sớm khắc phục các tồn tại, xử lý các vấn đề kỹ thuật để sớm bàn giao và đưa nhà máy vào vận hành thương mại.

Với một công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật rất cao như Nhà máy Sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ, lại trong bối cảnh chúng ta chưa có nhà máy nào tương tự để học tập rút kinh nghiệm và lại bị các quốc gia đi trước “giấu nghề”, nên chậm tiến độ vài tháng là chuyện thường. Vấn đề là cần phải biết đi chậm, nhưng chắc.

Ngày 15/5/2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất Xơ sợi tổng hợp Polyester;

Ngày 18/5/2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khởi động Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất Xơ sợi tổng hợp Polyester;

Ngày 1/4/2008, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi tổng hợp Petrovietnam / Vinatex Đình Vũ chính thức đi vào hoạt động;

Ngày 21/8/2008, PVTEX đã tiến hành ký kết Hợp đồng khung bao tiêu sản phẩm dài hạn với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex);

Ngày 18/5/2009, PVTEX cùng các đối tác đã khởi công, phát động thi đua và ký thỏa thuận nguyên tắc thu xếp vốn xây dựng Nhà máy Sản xuất Xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ / Hải Phòng;

Ngày 10/8/2009, PVTEX đã ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng trị giá 225 triệu USD cho Dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ;

Ngày 20/7/2011, PVTEX công bố đón lô sản phẩm đầu tiên.


Thành Công

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 17/7/2012)

DMCA.com Protection Status