Thủy điện Đắkđrinh: Mốc son của điện lực dầu khí

07:00 | 24/10/2014

1,297 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi đến Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh vào một ngày đầu tháng 10 khi hai tổ máy với tổng công suất 125MW đã vận hành ổn định được gần 3 tháng.

Năng lượng Mới số 368

Có lẽ cũng giống như rất nhiều công trình thủy điện mà tôi đã tới, từ Thủy điện Hòa Bình, Yaly năm xưa, đến Sesan 3, Sơn La, rồi gần đây nhất là Thủy điện Hủa Na của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… bao trùm lên các nhà máy thủy điện đã xây xong là một không khí trầm lắng, yên bình, thậm chí có phần buồn tẻ. Mới chỉ vài tháng trước, trên công trường lúc nào cũng nườm nượp người và xe, khái niệm ngày - đêm ở đây hơi khó phân biệt, bởi không khí lao động lúc nào cũng hối hả, khẩn trương. Những người làm thủy điện thường chạy đua với thời gian bởi một nhà máy thủy điện liên quan đến nhiều việc mà con người không quyết định được, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ông trời.

Thuỷ điện ĐắkĐrinh: Mốc son của điện lực dầu khí

Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Vũ Huy Quang là người đã từng chinh chiến ở Thủy điện Hòa Bình cách đây hàng chục năm. Đến bây giờ, anh vẫn mang phong cách của những người lính Sông Đà: quyết liệt trong công việc, tư duy chính xác và nói ít, làm nhiều. Trong bộ máy quản lý của Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh có một số anh em cũng đã từng là lính Sông Đà. Có thể nói, thương hiệu Sông Đà đã trở thành một thương hiệu lớn, một niềm tự hào của nhiều thế hệ những người làm thủy điện. Chẳng thế mà người lính Sông Đà đã nghĩ ra một bài hò mang tên “Bài ca 63 tỉnh thành”. Cứ sau mỗi câu dẫn thì lại có người đế “dô tá dô tà”. “Bài ca 63 tỉnh thành” này rất vui, hài hước, đậm chất ngoa dụ, ví như: “Ước mơ của người Thanh Hóa, cái lá rau má to bằng lá sen. Ước mơ của người Nghệ An, kẹo cu đơ to bằng cái quạt”, rồi là “Ước mơ của người Thái Bình, cháo đóng hộp xuất đi thế giới”, hoặc “Ước mơ của người Hòa Bình, cây mía tím to bằng cây dừa”… Nhưng kết thúc thì lại là “Ước mơ của người Sông Đà, có nhiều nước để đi làm thủy điện”. Ồ! Thật lạ! Vậy là những người đã từng tham gia xây dựng Thủy điện Hòa Bình năm xưa, hay còn gọi là những người lính Sông Đà đã tự coi mình là một bộ phận dân cư và ước mơ cháy bỏng của họ là trời mưa cho đều, sông hồ đầy ắp nước để đi làm thủy điện.

Xây dựng một nhà máy thủy điện thường phải đòi hỏi có ba điều kiện, ấy là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

“Thiên thời”, thì đó phải là nơi có đủ mưa để tích nước chạy máy phát điện.

“Địa lợi”, thì đó phải là nơi có điều kiện địa chất ổn định, có đường giao thông thuận tiện…

Và “nhân hòa”, là phải có sự đồng thuận của chính quyền, của dân, rồi nội bộ đơn vị phải đoàn kết...

Trong ba điều kiện này, Thủy điện Đắkđrinh được điểm cao nhất là “thiên thời”.

 Số là các nhà máy thủy điện khác thường mỗi năm chỉ được vài ba tháng mùa mưa. Như năm nay thì cả nước chỉ có 3 cơn bão, lượng nước về các hồ thủy điện ở phía bắc rất thấp. Không hiểu đến mùa khô hạn vào tháng 3, tháng 4 năm sau thì lấy nước đâu để chạy thủy điện. Riêng Thủy điện Đắkđrinh thì sẽ không bao giờ lo thiếu nước vì nằm trên hai vùng khí hậu. Hồ thủy điện được hưởng mùa mưa ở Tây Nguyên và sau đó là mùa mưa ở miền Trung. Những người làm Thủy điện Đắkđrinh có thể yên tâm rằng nhà máy không bao giờ thiếu nước.

Có thể nói công trình Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh là công trình “khó nhằn” nhất trong tất cả các nhà máy thủy điện đã được xây dựng ở Việt Nam. Các nhà máy thủy điện hầu hết đều nằm ở những nơi thâm sơn cùng cốc, nên chuyện đường sá đi lại vất vả; khí hậu khắc nghiệt; đời sống kham khổ… thì là chuyện thường ngày.

Nhưng Thủy điện Đắkđrinh thì lại còn khốn khổ hơn nữa. Đây là nhà máy thủy điện duy nhất của Việt Nam nằm trên địa bàn 2 tỉnh là Kon Tum và Quảng Ngãi. Một “thằng con” mà chịu sự quản lý của 2 “ông bố”, ông nào cũng to, ông nào cũng có quyền thì quả là khổ thật!

Nơi đặt nhà máy thì trên đất Quảng Ngãi. Nhưng một phần lớn hồ chứa nước lại ở đất Kon Tum.

Người ta làm hồ xây dựng nhà máy thủy điện thì chỉ phải trình một “ông bố”, còn đây, là phải cả hai. Tỉnh này thuận, nhưng tỉnh kia lại chưa chắc? Rồi các tỉnh cũng thắc mắc về mức đầu tư xây dựng hạ tầng, làm công trình công cộng. Mà cứ hễ có thắc mắc là lại phải chạy vạy, giải trình, thuyết phục…

Đây có lẽ là điều khó khăn nhất đối với những người làm Thủy điện Đắkđrinh.

Lần giở lại lịch sử, chủ đầu tư đầu tiên của Thủy điện Đắkđrinh là Licogi. Nhà máy được khởi công xây dựng từ năm 2007. Ngày ấy, phong trào làm thủy điện đang phát triển rầm rộ khắp cả nước. Kinh tế khi ấy chưa bị suy thoái, nên bộ nào, ngành nào có thể được cũng đều hăng hái “phá rừng làm thủy điện”. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đó cũng góp vài phần trăm vào đầu tư xây dựng nhà máy. Nhưng đến năm 2008, nền kinh tế bắt đầu xuống dốc. Lúc này Licogi bừng tỉnh vì đã vớ phải “khúc xương” khó nhằn quá. Những nhà máy thủy điện ở nơi “dễ ăn” thì Tập đoàn Điện lực  đã chấm hết rồi, còn những nơi xương xẩu thì mới đến lượt các đơn vị khác. Trước nguy cơ Licogi không thể hoàn thành tiến độ, Chính phủ đã quyết định giao việc xây dựng Thủy điện Đắkđrinh cho Tập đoàn Dầu khí tiếp tục thực hiện. Bởi lẽ nếu không xây dựng được Đắkđrinh thì sẽ ảnh hưởng đến Sơ đồ điện 6. Và thế là những người thợ điện dầu khí lại lao vào một công trình thủy điện mà biết mười mươi là sẽ cực kỳ khó khăn.

Thuỷ điện ĐắkĐrinh: Mốc son của điện lực dầu khí

Tổng giám đốc PV Power Vũ Huy Quang (thứ ba từ phải sang) đang kiểm tra turbine của Thủy điện Đắkđrinh

Tôi hỏi anh Vũ Huy Quang rằng, đến bây giờ, theo anh điều khó khăn nhất trong việc xây dựng Thủy điện Đắkđrinh là gì? Anh trầm ngâm: “Về kỹ thuật thì không có gì khó khăn, mặc dù nhà máy phải xây dựng một đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam - 11km và cột nước cao gần 400m. Bây giờ công nghệ đào hầm hiện đại, máy móc, thiết bị đầy đủ nên việc đào một đường hầm dài như vậy cũng không phải là cái gì ghê gớm lắm. Rồi những khó khăn về điều kiện sinh hoạt như ở quá xa dân, nơi đặt nhà máy nằm giữa một vùng rừng heo hút thì vẫn có thể khắc phục được. Nỗi khổ lớn nhất của Thủy điện Đắkđrinh là công tác di dân, đền bù giải tỏa. Chưa có một công trình nào mà việc đền bù giải tỏa lại rắc rối, tốn kém như Thủy điện Đắkđrinh”.

Trong buổi làm việc với Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh, tôi đã được các anh cung cấp cho các con số là: Toàn bộ chi phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là 1.567 tỉ đồng, trong khi đó tổng số hộ dân phải di dời khỏi khu lòng hồ chỉ có 384 hộ, mỗi hộ được đền bù, hỗ trợ đất ở và đất vườn liền kề là 1.000m2/hộ, hỗ trợ di chuyển trong tỉnh 5 triệu đồng/hộ, xây nhà cho hộ tái định cư dưới 5 khẩu là 65m2, trên 5 khẩu là 85m2 với số tiền xây dựng giao động 270-350 triệu đồng/hộ, cấp đất sản xuất nương rẫy 1ha/hộ và 0,4ha đất sản xuất lúa nước/hộ. Ngoài ra, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ vật nuôi gồm 1 con bê 1 năm tuổi và 2 con lợn 10kg/con, hỗ trợ vượt nghèo gồm 5 triệu đồng/khẩu, hỗ trợ y tế, chất đốt, thắp sáng, tháo dỡ đúng kế hoạch 5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ về nhà mới, người có công cách mạng, hỗ trợ giáo dục. Mỗi khẩu thuộc hộ tái định cư được hỗ trợ 30kg gạo/tháng, thời gian là 48 tháng.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác tái định canh, định cư chưa phải là tốn kém nhiều lắm, mà tốn tiền nhất là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, công trình công cộng. Tổng số vốn đầu tư cho những loại việc này là 911 tỉ đồng thông qua hình thức cấp vốn cho địa phương triển khai xây dựng 7 khu tái định canh, tái định cư, 5 công trình thủy lợi và xây dựng các công trình hạ tầng, công trình công cộng tại các khu tái định cư theo đúng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông được đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gồm các đường ngoại vùng, nội vùng trong khu tái định cư khoảng 10,71km với mặt đường rộng 4,5m cứng hóa bằng bê tông, các đường đi đến khu sản xuất với chiều dài khoảng 15,4km cứng hóa bằng bê tông. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các đường nội, ngoại, vùng khu tái định cư với chiều dài khoảng 5,5km với mặt đường 4,5m cứng hóa bằng bê tông, đường đi đến khu sản xuất dài khoảng 8,5km cứng hóa bằng bê tông. Ngoài ra, trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum được dầu tư 3 đường dây 22kV với tổng chiều dài khoảng 19,2km, còn tỉnh Quảng Ngãi là đường dây 22kV với chiều dài khoảng 2,86km, đường dây 0,4kV với chiều dài khoảng 3,95km. Các công trình Nhà văn hóa, hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở cũng đã được đầu tư xây dựng theo đúng chuẩn quốc gia.

Với tổng số tiền cho công tác đền bù, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như vậy nên Thủy điện Đắkđrinh đã trở thành nhà máy thủy điện có tỉ suất đầu tư lớn nhất cả nước. Tôi có hỏi tại sao lại tốn kém như vậy, đồng chí Đinh Ngọc Việt, Tổng giám đốc Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh thở dài, mà rằng: “Việc đền bù cho dân phải theo giá chung đã được Nhà nước quy định, nên việc phát sinh cũng có, nhưng không lớn lắm. Do các tỉnh yêu cầu phải mở đường, rồi làm thêm rất nhiều công trình công cộng khác nên mới phát sinh thêm hàng trăm tỉ. Hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đều nghèo, nên để được việc thì phải xắn tay áo vào mà làm. Chờ địa phương thì 10 năm nữa cũng không xong nhà máy. Nếu không làm đường, không làm các công trình công cộng thì chỉ cần chính quyền không cho tích nước, không cho thực hiện việc A, việc B là chết mình rồi. Còn với người dân, ở đây chủ yếu là dân tộc Cà Dong thì cũng nghĩ ra rất nhiều cách để kiếm thêm tiền. Muốn mở đường đi, họ chỉ vào một hòn đá và nói đó là “hòn đá thiêng của họ nhà tao”. Thế là không thể dùng máy ủi, máy xúc mang đi được, mà phải xử lý bằng… tiền. Hết “đá thiêng” rồi lại đến “cây thiêng”... Phàm những thứ gì mà đụng đến chữ “thiêng”, là phải dùng tiền để “giải thiêng”. Tóm lại là ở đây, mọi thứ đều phải giải quyết bằng tiền, mọi sự vận động, giáo dục chẳng được tích sự gì”.

Cũng phải nói thêm rằng, từ ngày có Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh, cả một vùng dân cư xung quanh nhà máy đã thay đổi. Nếu ngày xưa, bà con chỉ làm kinh tế theo kiểu tự cung tự cấp thì bây giờ cũng đã biết trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn đi bán. Hàng hóa ở dưới xuôi cũng đã lên đến nơi này. Đường sá đã được cứng hóa đến nhiều thôn bản… Nếu như cách đây 5 năm, đây là vùng hoang vu, thì nay đã sầm uất hơn hẳn.

Những người làm Thủy điện Đắkđrinh quả thật là đã phải trải qua những ngày tháng “hãi hùng” vì phải xử lý rất nhiều việc mà không có cách nào lường trước được và cũng chẳng có nguyên tắc tài chính nào tính được cho nhưng đủ loại chi phí không ai biết trước.

Ở Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh có một câu chuyện cười ra nước mắt.  Ấy là có một anh công nhân khi lao xuống hồ cứu người bị đuối nước, cứu được người lên thì chính anh lại bị đuối nước chết. Đơn vị đã làm đầy đủ, chu đáo các thủ tục và giúp đỡ gia định nạn nhân. Tuy nhiên, gia đình lại cẩn thận mời một thầy cúng làm lễ cho anh. Cúng ở gia đình xong, ông thầy cúng này đòi phải lên chỗ anh công nhân chết để “gọi hồn”. Sau khi lập đàn cúng lễ cho anh xong, ông lại lọ mọ xuống nước tiếp tục làm lễ cầu hồn. Chẳng hiểu vì sao, ông ngã xuống nước và không thể cứu kịp…

Thuỷ điện ĐắkĐrinh: Mốc son của điện lực dầu khí

Gian đặt máy của Thủy điện Đắkđrinh

Kể ra xây dựng một nhà máy, đào một đường hầm đến 11km và đường kính 4m, xuyên qua nhiều núi đá mà không có một vụ tai nạn nào lớn ngoài vụ anh công nhân đuối nước thì cũng là một kỳ tích.

Cũng phải nói thêm rằng, từ khi chính thức phát điện tổ máy 2 từ trung tuần tháng 8, nhà máy vận hành cực kỳ ổn định, tuy vẫn còn không ít việc phải tiếp tục hoàn chỉnh.

Tổng giám đốc Vũ Huy Quang yêu cầu Ban Giám đốc phải bố trí đủ người để vận hành nhà máy, vì đây là công việc lâu dài… dài đến mức cho hàng chục năm sau, nên phải có đội ngũ vận hành đảm bảo chất lượng, đặc biệt là  có ý thức kỷ luật. Việc bố trí, phân công ca trực phải hợp lý, trong đó, cần chú ý tính toán tới việc anh em phải di chuyển mỗi ngày 22km từ nơi ở đến đập chặn nước. Tổng giám đốc cũng yêu cầu đơn vị phải khẩn trương có phương án phối hợp công tác bảo vệ với Công an tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Và một việc mà Tổng giám đốc Quang rất băn khoăn, lo lắng, ấy là phải sắp xếp công việc cho một số cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao… Những anh em này, đã gắn bó với việc xây dựng nhà máy ngay từ những ngày đầu. Gần 5 năm qua, họ đã lao động cật lực, đã đồng cam, cộng khổ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Bây giờ nhà máy đã xây xong, không có công trình thủy điện nào tiếp theo nữa, nên sắp xếp công việc cho họ không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý.

Tôi hỏi anh Vũ Huy Quang rằng, sau Đắkđrinh, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí có làm nhà máy thủy điện nào nữa không thì anh lắc đầu: “Hết rồi! Không còn dự án nào nữa. Nếu bây giờ có dự án thủy điện nào nữa, có lẽ chúng tôi cũng xin chắp tay vái cả nón. Làm thủy điện thì quá khổ vì công tác di dân, giải phóng mặt bằng”.

Nghe anh nói vậy, tôi chẳng tin bởi tôi biết, cái chất của những người lính Sông Đà là có thể kêu khó, kêu khổ ở dự án này, dự án khác, nhưng nếu được giao việc, họ chắc chắn không bao giờ lùi bước.

Người dầu khí làm nhiệt điện đã giỏi mà làm thủy điện cũng rất “mát tay”. Thủy điện Hủa Na được Bộ Xây dựng đánh giá là một trong 4 công trình  có chất lượng xây dựng tốt nhất năm 2013. Và hy vọng rằng, Thủy điện Đắkđrinh cũng sẽ là công trình được coi là mốc son của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Nguyễn Như Phong

 

DMCA.com Protection Status