ACB có chủ trương “đi đêm” lãi suất

20:50 | 25/12/2014

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 25/12, Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã đưa ra ý kiến phản bác lại quan điểm của các luật sư cũng như nội dung kháng cáo của ACB, các nhân viên ACB yêu cầu VietinBank phải trả 718 tỉ đồng và tiền lãi phát sinh.

>> Vì sao yêu cầu xin lại biệt thự cho mẹ của Huyền Như không được chấp nhận?

“Thỏa thuận ngầm” lãi suất của Hội đồng quản trị ACB

Luật sư Nguyễn Thị Bắc phân tích, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu, khi thỏa thuận với Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ ACB về việc huy động tiền với lãi suất cao. Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo Huyền Như tại phiên tòa đã thể hiện rõ. Bị cáo Như do làm ăn thua lỗ, vay lãi nặng, không còn khả năng thanh toán và do sức ép của các chủ nợ nên Như đã nảy sinh ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt trả nợ.

Có ý định này ngay từ đầu, Bảo Ngọc trao đổi trực tiếp về việc gửi tiền vào VietinBank nên bị cáo Như đồng ý ngay. Bị cáo Huyền Như và Bảo Ngọc đạt được thỏa thuận lãi suất ghi trong hợp đồng 14%, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 – 4,5%/năm được trả ngay sau khi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán và riêng cho Ngọc 1,5%.

“Thỏa thuận ngầm” giữa bị cáo Huyền Như và Ngọc là trái pháp luật, vi phạm Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của NHNN. Bị cáo Như đã khai nhận, việc đồng ý lãi suất chênh 3,8 – 4,5%/năm và 1,5% riêng cho Bảo Ngọc là để thực hiện mục đích chiếm đoạt tiền của họ.

ACB có chủ trương “đi đêm” lãi suất

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ của vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”) thì “Thỏa thuận ngầm” trên đây giữa Ngọc và bị cáo Như xuất phát từ chủ trương trái pháp luật của Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên của mình gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác và sự triển khai thực hiện chủ trương đó của Ban lãnh đạo ACB.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng ACB cũng đã khai nhận, Hòa đã căn cứ vào biên bản họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, ủy quyền của Tổng giám đốc, hàng ngày sau khi cân đối nguồn của ngân hàng còn dư mỗi ngày sẽ liên hệ gửi tại các tổ chức tín dụng khác…

Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng Quản lý quỹ và Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Kế hoạch thực hiện liên hệ nơi gửi tiền với yêu cầu về thời hạn, lãi suất, số tiền và ngân hàng gửi. Việc liên hệ, ký kết, thỏa thuận với các ngân hàng là do Ngọc, Ánh trực tiếp.

Sau đó, ông Hòa làm các Hợp đồng ủy thác đối với các nhân viên đã được lựa chọn và lập giấy tạm ứng tiền cho các nhân viên “đã được lựa chọn” và lập giấy tạm ứng tiền cho các nhân viên “đứng tên” đi gửi để chuyển đến địa chỉ đã được Ngọc, Ánh liên hệ làm thủ tục gửi tiền…

Mức lãi suất tối thiểu Ngân hàng ACB đưa gửi ở mức 17,5% - 17,8%/năm. Nếu bà Ngọc, Ánh thỏa thuận được mức lãi nào cao hơn sẽ gửi theo mức đó. Cụ thể, số tiền ACB gửi tại VietinBank chi nhánh TP HCM lãi suất 17,5% - 18,5%/năm, tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè là 22%.

Con đường từ “nhúng chàm” đến… sa lầy

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện có tính toán tiếp theo các thủ đoạn gian dối với “con mồi lãi suất cao” và phần trăm tiền để “dẫn dụ” cho Ngọc, Như cũng như các nhân viên ACB làm mọi việc theo sự sắp đặt của bị cáo. Bị cáo Huyền Như còn hướng dẫn “con mồi” làm trái quy định, tắc trách, vô trách nhiệm và lợi dụng sự sai phạm, tắc trách này để chiếm đoạt trót lọt 718 tỉ đồng của ACB.

Bị cáo Huyền Như biết các “con mồi” đã… cắn câu và phần trăm tiền riêng cho Ngọc nên tiếp tục “dẫn dụ” 19 nhân viên ACB mở tài khoản thanh toán tại VietinBank chi nhánh TP HCM và chi nhánh Nhà Bè. Sau khi đã “dẫn dụ” Ngọc chuyển tiền vào các tài khoản thanh toán, bị cáo Như đã cùng Ngọc sắp đặt cho các nhân viên ký Giấy mở tài khoản tiết kiệm và lệnh chi có nội dung yêu cầu VietinBank trích từ tài khoản thanh toán để gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

Sau khi Ngọc “sập bẫy” chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của các nhân viên ACB, bị cáo Huyền Như đã dùng tiền của mình trả tiền lãi suất chênh cho ACB qua 17 nhân viên là 10,3 tỉ đồng. Số tiền này đã được các nhân viên ký giấy nộp luôn vào tài khoản thanh toán của mình. Bị cáo Như đã trả riêng cho Ngọc 3,7 tỉ đồng qua tài khoản thanh toán của Huỳnh Thị Chiêu Uyên, là chị gái của Ngọc.

Do đã “mắc bẫy lãi suất”, Ngọc và các nhân viên ACB đã có các sai phạm, tắc trách, vô trách nhiệm và bị cáo Như đã lợi dụng sự sai phạm này để thực hiện tiếp các thủ đoạn gian dối. Bị cáo Huyền Như tráo chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của một số nhân viên ACB do Ngọc nhờ đăng ký mở tài khoản thanh toán hộ, gồm: Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm, Phạm Phượng Linh, Nguyễn Ngọc Toàn và Lâm Thành Nhơn.

Bị cáo Như lập tiếp 2 Hợp đồng tiền gửi giả với VietinBank chi nhánh Nhà Bè (chữ ký và dấu giả) số tiền 50 tỉ đồng, lãi suất 22%/năm để 2 nhân viên Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm đứng tên. Huyền Như còn sắp đặt để nhân viên ACB ký lệnh chi khống mang tên Lê Thị Minh Hiền.

Từ những cách thức như trên, bị cáo Huyền Như đã “dẫn dụ” được Ngọc phó thác tài sản của ACB cho bị cáo Như thông qua việc cho phép: “Em muốn làm theo kiểu nào thì em làm miễn sao trả lãi suất thỏa thuận là như vậy, nộp đủ cho bên chị”. Đồng thời, sự vi phạm nghiêm trọng qui định về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán cũng như của chủ thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB.

Các nhân viên ACB đã hoàn toàn thờ ơ, vô trách nhiệm đối với các biến động của tài khoản thanh toán cũng như đã phó thác các thẻ tiết kiệm cho bị cáo Như giữ. Bị cáo Huyền Như đã lợi dụng sự vô trách nhiệm, phó thác, bỏ mặc này nên có thể thực hiện trót lọt việc chuyển tiền bằng lệnh chi khống, lệnh chi giả từ các tài khoản thanh toán của các nhân viên ACB đến tài khoản của các cá nhân, tổ chức mà Như vay tiền tươc đó.

Bị cáo Như còn thực hiện việc chiếm dụng các thẻ tiết kiệm, lập hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm, chiếm đoạt hơn 718 tỉ đồng của ACB.

Hưng Long (t/h)