Bắt “ông trùm” người Đài Loan lừa đảo qua điện thoại

22:22 | 30/08/2014

1,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30/8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã tạm giữ 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo qua điện thoại với hình thức tinh vi.

Điều tra ban đầu, Chen Guo Liang nhập cảnh vào Việt Nam hơn 2 tháng qua. Đối tượng này chuyên làm thẻ và có mối quan hệ với “trùm” lừa đảo qua điện thoại. Các ông trùm bắt mối với Chen Guo Liang để “mua” thông tin và nhờ chuyển tiền qua tài khoản của đối tượng này. Sau đó, Liang sẽ chuyển tiền lại cho các “ông trùm” và được hưởng 20% số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân.

Chen Guo Liang đến Việt Nam hoạt động và thuê Trần Công Thiên Hiếu và Lê Sơn Bảo làm nhiệm vụ tìm mua Chứng minh nhân dân của nhiều người. Hiếu và Bảo bóc hình trên Chứng minh nhân dân của người khác rồi dán ảnh mình vào để mang đến các ngân hàng làm tài khoản thẻ ATM.

Có nhiều tài khoản thẻ mang tên của người khác, Hiếu và Bảo chịu trách nhiệm rút tiền lừa đảo mang về cho đồng bọn. Hiếu, Bảo được trả “lương cứng” 6 triệu đồng/tháng và từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng cho mỗi lần rút tiền.

Chen Guo Liang khai nhận đã chiếm đoạt được tổng số tiền khoảng 2,5 tỉ đồng và những nạn nhân của Liang đều là người Trung Quốc. Liang đến Việt Nam để lừa các đối tượng ở nước sở tại.

Từ “nhánh” của Chen Guo Liang, cơ quan điều tra tiếp tục truy bắt đối tượng “trùm” đang ẩn nấp tại một khách sạn trên địa bàn quận 7. Đối tượng Liu Tsung Chih giữ đầu số +86 (đầu số điện thoại tại Trung Quốc) và đầu số +84 (đầu số tại Việt Nam) để giả làm cơ quan điều tra của Trung Quốc hoặc của Việt Nam để lừa đảo các nạn nhân. Băng nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại tìm đến Việt Nam để “lập căn cứ” thực hiện hàng chục phi vụ.

Liu Tsung Chih còn có nhiệm vụ đào tạo cấp dưới trở thành những siêu lừa giả “điều tra viên” để đe dọa nạn nhân tại Trung Quốc. Ở nước sở tại, các đối tượng có “chân rết” sẽ chuyển tiền vào tài khoản để rút và chuyển ngược về Việt Nam tiêu xài.

Chiều 30/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã đưa các đối tượng về khách sạn BiZu (số 4 – 6 Hưng Phú, quận 7) để thực hiện lệnh khám xét. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật gồm: router, sub-post, các vật dụng dùng để tạo tiếng còi hụ, tiếng gió, tiếng suối chảy, tiếng chim…

Các tang vật trên đều nằm trong những kịch bản để các đối tượng tạo ra những tiếng động giống như đang ở cơ quan điều tra hoặc những bối cảnh cần thiết nhằm làm cho nạn nhân tin tưởng, dễ “sập bẫy” bọn chúng.   

Cũng trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở của một nhóm đối tượng khác tại quận 8 và thu giữ nhiều vật dụng quan trọng, phục vụ công tác điều tra, truy xét.

Một số hình ảnh trong buổi khám xét “căn cứ” của các đối tượng lừa đảo:

Lực lượng chức năng đưa các đối tượng về “căn cứ” để khám xét.

Băng nhóm lừa đảo chọn khách sạn Bizu nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng để đặt “trụ sở”.

Những thiết bị công nghệ cao bị thu giữ.

Bàn làm việc gắn nhiều thiết bị công nghệ hiện đại của “ông trùm”.

Các đối tượng tách riêng từng phòng để gọi điện thoại theo các kịch bản soạn sẵn và trang bị các máy móc hiện đại.

Thiết bị dùng để tạo những âm thanh như: tiếng còi hú, tiếng chim, tiếng suối chảy…

Các loại thiết bị điện thoại qua vệ tinh bị tịch thu.

Toàn bộ tầng trên của khách sạn Bizu được đặt làm “căn cứ”. Băng nhóm này còn thuê thêm 2 phòng bên dưới để ngủ và nhằm “cách ly” tiếng ồn, tránh sự chú ý của người xung quanh. Hằng tháng, các đối tượng trả 1.200 USD tiền thuê khách sạn.

Các đối tượng nghe đọc lệnh khám xét tại khách sạn Bizu.

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc