Cần xác minh "bà ngoại" của cháu bé bị hành hạ

07:00 | 16/09/2014

2,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng thị xã Dĩ An, Bình Dương cần sớm có cơ chế giải quyết bảo vệ quyền lợi của bé Ngân trong thời gian tạm giam cha mẹ của bé; và xác minh người tự nhận “bà ngoại” và cha của bé Ngân là ai để tránh trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Mạnh Thường Quân ủng hộ cho cháu”.

>> Bắt giữ cặp vợ chồng hành hạ con dã man

 

Bà Nguyễn Thị Loan và cháu Ngân.

Ngày 15/9, bà Nguyễn Thị Loan (SN 1964) và anh Trần Văn Tố (SN 1983, cùng ngụ Vĩnh Long) đến bệnh viện tự nhận là người thân của cháu bé bị hành hạ. Anh Trọng đưa ra sổ hộ khẩu khẳng định, cháu bé tên Trần Thị Kim Ngân (SN 2010) là con ruột của mình.

Mẹ của bé tên Nguyễn Thị Thùy Trang đã bị bắt giam cùng Đỗ Trọng Minh về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Sự việc cháu bé bị đánh đập dã man đã gây chấn động dư luận. Nhiều Mạnh Thường Quân đã tìm đến nơi cháu Ngân đang được điều trị và quyên góp tiền trực tiếp ủng hộ cho cháu bé.

Ngay trong ngày, Công an thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã cử người để làm việc với bà Loan và anh Tố để xác minh thực hư.    

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM nói: “Tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm hai đối tượng vi phạm trên theo quy định pháp luật để đảm bảo tính răn đe, trừng phạt do đã có hành vi nhẫn tâm với con ruột mình”.

“Các cơ quan chức năng thị xã Dĩ An, Bình Dương cần sớm có cơ chế giải quyết bảo vệ quyền lợi của bé Ngân trong thời gian tạm giam cha mẹ của bé; và sớm xác minh người tự nhận “bà ngoại” và cha của bé Ngân là ai để tránh trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Mạnh Thường Quân ủng hộ cho cháu”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

PV: Từ khi xảy ra vụ việc, “bà ngoại” của bé Ngân đột ngột xuất hiện và đứng ra nhận hết tiền ủng hộ của các Mạnh Thường Quân. Hành vi này của bà Loan có đúng không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại Điều 65 và Điều 68 Bộ luật Dân sự 2005 thì người giám hộ có các quyền và nghĩa vụ như: sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ và quản lý tài sản của người được giám hộ;

Do đó, hành vi nhận tiền ủng hộ của “bà ngoại” của bé Ngân chỉ đúng trong trường hợp bà là người giám hộ của bé Ngân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

PV: Đặt trường hợp, nếu Trang (mẹ cháu Ngân) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có được trực tiếp nuôi con không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Nếu Trang không bị kết án về tội cố ý gây thương tích vì đã có đánh đập, hành hạ bé Ngân thì Trang vẫn được quyền trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội liên hiệp Phụ nữ địa phương khi có căn cứ nhận thấy việc Trang tiếp tục chăm sóc cho bé Ngân là có khả năng tiếp tục đánh đập, hành hạ bé Ngân thì có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Theo đó, nếu Trang bị Tòa án ra quyết định tuyên bố hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên thì Trang sẽ không được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bé Ngân trong thời gian Toà án quy định.

Trong trường hợp như vậy, theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trong trường hợp cha mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của pháp luật.

PV: Trong trường hợp cháu bé không có cha hoặc cả cha và mẹ cháu bé bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra thì ai sẽ là người trực tiếp nuôi cháu bé?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Dân sự 2005 thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định như sau:

Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

Trong trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Ngày 14/9, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương đã tạm giữ hình sự vợ chồng Đỗ Trọng Minh và Nguyễn Thị Thuỳ Trang về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Điều tra ban đầu, tối 20/9, cháu Ngân đi đến bếp gas để nghịch thì bị Trang la mắng rồi dùng thanh tre đánh vào mông. Trang lấy cây tre đánh tiếp vào tay cháu rồi bắt con quỳ dưới nền nhà. Minh từ trên gác chạy xuống đã dùng tay đấm vào đầu và mặt con.

Minh tiếp tục lấy dây ni-long buộc 2 tay cháu bé lại với nhau. Khoảng một giờ đồng hồ sau, Minh cởi trói cho con và bắt bé quỳ dưới nền nhà. Giữa đêm hôm đó, Minh mới cho cháu Ngân ngủ. Sáng hôm sau, Trang đi làm và Minh vẫn ở nhà giữ con như thường lệ.

Chiều 12/9, người dân ở gần đó phát hiện cháu Ngân mặt bị sưng húp và bầm tím, nằm bất động dưới nền nhà, toàn thân cháu bé bị kiến bu kín.

Người dân phát hiện vụ việc liền ép Minh phải đưa cháu Ngân đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các y bác sĩ kết luật cháu Ngân bị chấn thương sọ não, đa chấn thương phần mềm ở vùng đầu và mặt...

Hưng Long