Xét xử "bầu" Kiên và đồng phạm:

Đề nghị khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"

11:07 | 28/05/2014

3,967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 8h30 ngày 28/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị HĐXX khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm một số cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước vì ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chậm...

Là một trong 4 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Luật sư Hoàng Đôn Hùng đảm nhận nhiệm vụ tranh luận, bào chữa cho bị cáo này về tội danh “Kinh doanh trái phép” và "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".

Mở đầu tranh tụng, Luật sư Hoàng Đôn Hùng đưa ra hàng loạt văn bản, mà theo vị luật sư này là chứng cứ trong kinh doanh trái phép giữa một số doanh nghiệp với ngân hàng. Các doanh nghiệp này không có đăng ký kinh doanh thể hiện góp vốn, cổ phần, cổ phiếu nhưng vẫn thực hiện góp vốn cổ phần. Đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 1 số doanh nghiệp lớn có đầu tư góp vốn vào các ngân hàng khác, như: PNJ là cổ đông của Ngân hàng Đông Á, SJC là cổ đông Ngân hàng Eximbank… Bên cạnh đó, Luật sư Hoàng Đôn Hùng cũng xuất trình các giấy đăng ký kinh doanh của 5 công ty do bị cáo Kiên là người đại diện trước pháp luật.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng nói, kết tội ACBS hợp tác đầu tư với ACI và ACI Hà Nội mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là không đúng. Hợp đồng này đã được tất toán từ tháng 6/2010. Các khoản thu đã được ACI và ACI Hà Nội chịu trách nhiệm. ACI và ACI Hà Nội đã xác nhận không còn liên quan gì với ACB và ACBS trong hoạt động đầu tư này.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng xác định vụ án này là “đại án tham nhũng” là không đúng bản chất vụ việc. Trong vụ án không có hành vi tham nhũng. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Bị cáo Kiên và các đồng phạm không hề trục lợi cá nhân...

Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã họp và thống nhất cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB. Chủ trương trên thuộc phạm vi của Ngân hàng ACB để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phù hợp với lợi ích cổ đông. Về mối quan hệ hợp tác giữa ACBS và ACI phù hợp pháp luật, nhằm hợp pháp các hoạt động kinh doanh. Tại toà, đại diện Kiểm toán PWC cũng khẳng định không nhận thấy sự bất hợp pháp nào. PWC đề nghị nên xem xét thận trọng các giao dịch của đôi bên.

Tiếp tục bào chữa về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", Luật sư Hoàng Đôn Hùng cho biết, ngày 22/3/2010, nghị quyết của ACB không sai so với luật tín dụng và điều lệ của ACB và đã được ngân hàng nhà nước khẳng. Kết luận của đại diện Viện Kiểm sát nêu rằng, tại thời điểm thống nhất chủ trương uỷ thác gửi tiền là trái với đối tượng uỷ thác. Kết luận này trái với kết luận của Ngân hàng Nhà nước. Việc uỷ thác gửi tiền của Ngân hàng ACB không vi phạm Điều 106 Luật Tổ chức Tín dụng 2010. Thực tế, chưa có văn bản nào định nghĩa sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng viện dẫn các quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2010, các thông tư của Ngân hàng Nhà nước và điều lệ của Ngân hàng ACB tại thời điểm thực hiện hoạt động ủy thác để để chứng minh văn bản ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là hợp lý, phù hợp với các quy định của Nhà nước.

Việc Cơ quan điều tra tách vụ án Nguyễn Đức Kiên ra khỏi vụ Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời khởi tố các bị can này về tội “Cố ý làm trái....” nhưng cả 2 vụ án đều liên quan đến 718 tỉ đồng tiền gửi của Ngân hàng ACB. HĐXX cần phải chờ kết luận rõ ràng chính xác hơn về mối quan hệ giữa các đối tượng, ai chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm bao nhiêu… thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác cho vụ án này.

Kết thúc phần bào chữa, Luật sư Hoàng Đôn Hùng nêu quan điểm, nếu quy kết các bị cáo tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” thì hàng loạt doanh nghiệp hiện nay phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật các tổ chức tín dụng.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm một số cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước vì ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chậm.

Điều 285 Bộ luật Hình sự quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc