Đòi VietinBank bồi thường là “vô hiệu hóa” quy định của NHNN

15:36 | 26/12/2014

1,209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra những lập luận để phản bác lại quan điểm của VKS Tối cao đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đối bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị.

Nguyên tắc "nhân đôi tiền" trong hoạt động ngân hàng

Luật sư Bắc lập luận, khi một khoản tiền được chuyển vào tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại VietinBank thì khoản tiền này sẽ thể hiện ở 2 tài khoản thanh toán khác nhau: Tài khoản thanh toán của khách hàng tại VietinBank và Tài khoản thanh toán của VietinBank tại Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc nhân đôi tiền trong hoạt động ngân hàng. Đây là tính đặc thù trong hoạt động ngân hàng.

Tại phiên tòa, có ý kiến so sánh với các hoạt động khác trái với hoạt động của ngân hàng, luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng, sự so sánh đó là rất khập khiễng. Cũng bởi, VietinBank được quyền sử dụng và có trách nhiệm tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản thanh toán của mình mở tại Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng được quyền sử dụng và có trách nhiệm tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản thanh toán của mình mở tại VietinBank.

VietinBank bồi thường sai phạm là “vô hiệu hóa” quy định của NHNN

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Do vậy, chỉ có chủ tài khoản thanh toán mới có quyền sử dụng, định đoạt số dư trên tài khoản thanh toán. Quy định của pháp luật về Chế độ hạch toán kế toán đối với các doanh nghiệp thì số dư trên tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp mở tại ngân hàng (gọi là "bút tệ") được hạch toán tại TK 112 "Tiền gửi ngân hàng" thuộc khoản mục "Tài sản ngắn hạn" trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Trên thực tế, chỉ có chủ tài khoản mới được quyền sử dụng và định đoạt số tiền trên tài khoản thanh toán của mình. Các ngân hàng không được phép sử dụng hoặc định đoạt số tiền trên tài khoản đó. Chủ tài khoản thanh toán còn có trách nhiệm tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với Giấy báo nợ, Giấy báo có hoặc Giấy báo số dư tài khoản.

Chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình. Ngân hàng chỉ là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện đầy đủ, kịp thời các lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc phân tích ý kiến của vị đại diên VKS Tối cao cho rằng: “Số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng thuộc sở hữu của ngân hàng là trái với nguyên tắc nhân đôi tiền trong hoạt động ngân hàng, trái với Quyết định số 15 của Bộ Tài chính. Ở đây, VKS Tối cao cũng đã hiểu không đúng sự khác nhau giữa tiền mặt và giá trị tiền trên tài khoản thanh toán, giữa tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của ngân hàng”.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như ở thời điểm phạm tội được VietinBank sắp sếp vị trí Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và vị trí Kiểm soát viên trong các quy trình nghiệp vụ. Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ của VietinBank quy định người quản lý trong hệ thống VietinBank gồm: Thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng hoặc Phó các phòng, ban trực thuộc, Giám đốc hoặc Phó giám đốc chi nhánh.

Còn lại toàn bộ nhân viên, người lao động, kể cả các vị trí lãnh đạo khác làm việc trong hệ thống VietinBank đều được điều chỉnh bằng Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động. Với vị trí được giao, bị cáo Huyền Như có vị trí là Quyền Trưởng Phòng giao dịch không thuộc đối tượng người quản lý trong hệ thống VietinBank. Bị cáo Huyền Như tuy có quyền được phê duyệt giao dịch rút, chuyển khoản đến 50 tỷ đồng trên hệ thống Incas (kênh giao dịch điện tử), nhưng đây chỉ là một tác nghiệp vận hành trên hệ thống trong quy trình chuyển khoản.

Việc phê duyệt lệnh chuyển tiền đến 50 tỷ đồng phải căn cứ trên yêu cầu của chủ tài khoản và phải được Giao dịch viên kiểm tra trước. Điều này có nghĩa, bị cáo Như không có quyền quản lý số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng. VKS Tối cao đã đánh đồng hạn mức phê duyệt 50 tỷ đồng với trách nhiệm quản lý số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng là không đúng.

Bị cáo Huyền Như không có quyền, trách nhiệm tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản thanh toán của đơn vị, cá nhân mở tại VietinBank. Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không thể là chủ thể tội tham ô. Điều này phù hợp với thực tế là Như đã phải bỏ tiền để “dẫn dụ” người của SBBS mắc sai phạm và lợi dụng sai phạm chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS).

VietinBank bồi thường sai phạm là “vô hiệu hóa” quy định của NHNN

Các bị cáo được dẫn giải về nơi tạm giữ sau giờ xét xử. 

Những thỏa thuận trái pháp luật

Luật sư Bắc nhận định: Bị cáo Như được quyền khai thác tiền gửi của khách hàng để kinh doanh nhưng bị cáo Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn… để chiếm đoạt …” là không đúng. Hành vi phạm tội của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nhằm vào tài khoản thanh toán của SBBS còn để kinh doanh. Bị cáo Như dựa vào tài khoản thanh toán của VietinBank và không có quyền khai thác tài khoản thanh toán của SBBS hay của bất cứ khách hàng nào.   

VietinBank hay kể cả các bị cáo nguyên là nhân viên VietinBank (trừ bị cáo Như) hoàn toàn không biết nội dung “thỏa thuận ngầm” với lãi suất vượt trần giữa cá nhân bị cáo Như với SBBS. VietinBank không biết việc thực hiện nội dung “thỏa thuận ngầm” bất hợp pháp này.

Hơn thế nữa, SBBS là một Định chế tài chính lớn nhưng khi biết rõ việc nhận thêm khoản lãi suất chênh 4,2 tỷ đồng từ bị cáo Như là trái với Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Tổng giám đốc Yei Pheck Joo ký đã không hề thông báo cho VietinBank. Khi biết việc nhận tiền lãi suất 14% do các cá nhân không có quan hệ kinh tế nộp hay chuyển chuyển và biết rõ sự bất thường biến động số dư trên tài khoản thanh toán của mình nhưng cũng không hề thông báo cho VietinBank.

VietinBank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm, tắc trách của lãnh đạo SBBS, không có lỗi đối với “thỏa thuận ngầm” trái pháp luật giữa SBBS với cá nhân bị cáo Huyền Như. VietinBank không có lỗi đối với việc SBBS ký và thực hiện Hợp đồng giả với bị cáo Như, không có lỗi đối với sự tắc trách, vô trách nhiệm, sai phạm của Vũ Thị Mỹ Linh, nhân viên SBBS.

SBBS phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN. Nếu không buộc SBBS phải tự chịu trách nhiệm thì cũng có nghĩa vô hiệu hóa quy định của Ngân hàng Nhà nước về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán và khuyến khích các hành vi sai phạm. Các đơn vị nếu có cơ hội thu lợi bất chính sẽ sẵn sàng vi phạm vì nếu có hậu quả xảy ra sẽ có đơn vị khác gánh chịu.

Tại phiên tòa, đại diện VietinBank đã khẳng định: “Nếu VietinBank biết “thỏa thuận ngầm” trái pháp luật giữa SBBS với cá nhân Như thì VietinBank sẽ không chấp thuận cho SBBS mở tài khoản tại VietinBank”.

Trong vụ việc này, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè để giao dịch bất hợp pháp với SBBS. Do lòng tham “lãi suất” chênh lệch của lãnh đạo SBBS, lòng tham “phần trăm” của Kế toán trưởng Vũ Thị Mỹ Linh nên tất cả đã “sập bẫy” của bị cáo Huyền Như. Lãnh đạo SBBS và kế toán trưởng Vũ Thị Mỹ Linh đã vi phạm pháp luật, tắc trách, vô trách nhiệm thực hiện giao dịch bất hợp pháp với Như.

Các sai phạm này đã bị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 210 tỷ đồng của SBBS.

Hưng Long (t/h)