Lê Bá Mai của "kỳ án vườn mít" lại kháng cáo

19:00 | 19/01/2013

1,540 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 19/1, tin từ luật sư Trịnh Thanh, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Lê Bá Mai trong “kỳ án vườn mít” cho hay, bị cáo Mai đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 5/1 vừa qua.

>> Vì sao 'kỳ án vườn mít' sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam?

>> Diễn biến bất ngờ của 'kỳ án vườn mít': Kháng nghị tử hình Lê Bá Mai

>> Lê Bá Mai chưa kháng án

>> Ngày mai, sẽ tuyên án với Lê Bá Mai

>> Xét xử 'kỳ án vườn mít': Lê Bá Mai lại bị đề nghị án tử hình

>> Hoãn phiên tòa xét xử “kỳ án vườn mít”

 

Trong suốt các phiên xét xử vừa qua, bị cáo Mai một mực khai tại tòa là bị ép cung, mớm cung. Bị cáo Mai khẳng định, không thực hiện hành vi hiếp dâm và giết người đối với nạn nhân Thị Út. Do đó, theo luật sư Trịnh Thanh, việc bị cáo Lê Bá Mai kháng cáo là hoàn toàn cần thiết.

Trong quá trình điều tra độc lập để thu thập chứng cứ, các luật sư đã tìm và chỉ ra những điểm vô lý trong bản khai của Mai tại cơ quan điều tra. Qua đó, phía luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Mai lập luận rằng, trong quá trình điều tra, Lê Bá Mai bị mớm cung và ép cung là hoàn toàn có cơ sở.

Trước khi Lê Bá Mai kháng cáo vài ngày, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã có kháng nghị lên mức tử hình với Lê Bá Mai.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng, việc tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai án mức Chung thân về tội Giết người là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Lê Bá Mai đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 5/1 vừa qua.

 

Hành vi phạm tội của bị cáo Lê Bá Mai xét về tính chất, mức độ là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo thực hiện hành vi giết người với nhiều tình tiết tăng nặng như giết trẻ em, giết người để che dấu tội phạm khác.

Trong một thời gian ngắn, bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà các tội có khung hình phạt thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với ý thức thực hiện tội phạm rất táo bạo, liều lĩnh và dã man…

Không những vậy, tại phiên tòa bị cáo còn quanh co chối tội, không thành khẩn khai báo… Vì vây, phải đề ra một mức hình phạt thật xứng đáng để nghiêm trị bị cáo và răn đe các đối tượng khác.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định kháng nghị lại phần hình phạt của bản án sơ thẩm số 66/2013/HSST ngày 5/1/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước. Đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để sửa một phần bản án sơ thẩm số 66/2013/HSST ngày 5/1/2013 của TAND tỉnh Bình Phước theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Mai về tội "Giết người".

Theo bản án, vào giai đoạn điều tra ban đầu, chỉ một bản khai, bị cáo Mai không nhận tội. Những bản khai còn lại, bị cáo đều nhận tội. Hai bản tự khai do chính Mai tự viết và một bản tường trình đều nhận tội rõ ràng và thống nhất cách thức thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Mai thừa nhận hành vi đánh nạn nhân Thị Út té xuống đất rồi đè ra hiếp dâm. Sau khi thực hiện hành vi, Mai sợ nạn nhân tố giác nên đã dùng quần của chính Thị Út để siết cổ. Lúc đưa đi thực nghiệm hiện trường, bị cáo Mai đã làm đúng diễn biến đã khai tại cơ quan điều tra.

Từ lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Trong, bị cáo đã rải phân tại trang trại của ông Tuân rồi về chòi nơi Mai ở để lấy xe. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội. Lời nói sau cùng tại phiên xử, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên xét xử kế tiếp, Mai cũng kháng cáo xin giảm nhẹ tội. Phiên phúc thẩm ban đầu, Mai bắt đầu kêu oan.

Trong quá trình trả hồ sơ điều tra lại, trong 5 bản khai, Mai nhận tội 4 bản khai, còn một bản bị cáo không nhận tội. Nhận định của tòa, những bản khai trên đều có luật sư và kiểm sát viên nên không bị đánh và đó là lời khai khách quan, đúng sự thật. Trong biên bản khám nghiệm hiện trường, tòa xét thấy chỉ có người thực hiện hành vi mới khai rõ ràng như vậy.

Trong quá trình điều tra bổ sung, nhiều nguyên nhân vẫn chưa làm rõ được. Bị cáo được đưa đi nhận dạng các vật chứng phù hợp với đồ của nạn nhân mặc trên người. Bị cáo Mai cũng nhận ra cái nón sử dụng đúng của ngày xảy ra vụ án.

Tòa cho rằng, lời khai bị cáo phù hợp lời khai của người làm chứng. Trong biên bản khám nghiệm hiện trường, bị cáo Mai phải thực hiện hành vi phạm tội nên mới khai báo rõ ràng như thế.

Gia đình nạn nhân vẫn mong mỏi cơ quan chức năng làm rõ cái chết của Thị Út.

 

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã có một số vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc. Theo bào chữa của luật sư Bùi Quang Nghiêm thì đã mớm cung, ép cung là không đủ cơ sở buộc tội. Hội đồng xét xử khẳng định, bị cáo Lê Bá Mai chính là người chở nạn nhân Thị Út và thực hiện hành vi hiếp dâm và giết chết nạn nhân.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Mai không khai báo thành khẩn và ngoan cố. Tòa xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm nên cần phải áp dụng hình phạt thật nghiêm. Tuy nhiên, bị cáo Mai là người lao động chưa có tiền án và vụ án xảy ra đã lâu, nên mức án tử hình mà viện kiểm sát đề nghị quá nghiêm khắc.

Về phần các vật chứng liên quan trong vụ án, tòa ra quyết định trả lại cho ông Tuân bình xịt, can nhựa theo yêu cầu trong phiên xét xử. Cơ quan điều tra đã tách chiếc xe gắn máy của ông Tuân mà bị cáo Mai đã đưa đi thực hiện hành vi gây án nên tòa không xét xử.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Lê Bá Mai nhận hình phạt 18 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và tù chung thân về tội giết người. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Hưng Long

Theo dòng sự kiện:

>> Vì sao 'kỳ án vườn mít' sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam?

>> Diễn biến bất ngờ của 'kỳ án vườn mít': Kháng nghị tử hình Lê Bá Mai

>> Lê Bá Mai chưa kháng án

>> Ngày mai, sẽ tuyên án với Lê Bá Mai

>> Xét xử 'kỳ án vườn mít': Lê Bá Mai lại bị đề nghị án tử hình

>> Hoãn phiên tòa xét xử “kỳ án vườn mít”