Mê trai Tây, hàng loạt phụ nữ Việt Nam sập bẫy

19:01 | 30/07/2014

4,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyễn Minh Thi từng du học tại Malaysia và quen với một số đàn ông quốc tịch Nigieria như Oryewhere Christian Karie và Oriame Orias Ehis. Khi về Việt Nam, Thi liên hệ và bàn bạc với các đối tượng này để lên kế hoạch lừa đảo phụ nữ.

Ngày 30/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP đề nghị truy tố Nguyễn Minh Thi và đồng bọn về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29/4/2014, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Thi và Oshanugor James Anyasi (quốc tịch Nigeria) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Mắc bẫy lừa đảo vì lòng tham

Tháng 12/2012, chị Nguyễn Thị Thúy Vân (ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) lên mạng Internet kết bạn với một người nước ngoài có tên Herry. Sau vài lần nói chuyện, Herry nói sẽ gửi tặng chị Vân một số quà như quần áo, máy tính, điện thoại di động... và tiền mặt. Người bạn ngoại quốc thông báo sẽ gửi hàng qua chuyển phát nhanh. Số hàng ước tính khoảng 50.000 bảng Anh.

Đối tượng Oshanugor James Anyasi.

Mấy ngày sau, một phụ nữ gọi điện cho chị Vân giới thiệu tên là Mè Thị Hường (nhân viên Công ty chuyển phát nhanh Global Delivery). Người phụ nữ này yêu cầu chị Vân thanh toán hơn 12 triệu đồng phí hải quan cho hàng từ nước ngoài về. Không một chút nghi ngờ, chị Vân liền ra ngân hàng chuyển tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng do bên kia cung cấp.

Hôm sau, nữ nhân viên Công ty chuyển phát nhanh Global Delivery kia lại gọi cho chị Vân yêu cầu gửi thêm 2.000 USD để giải quyết thủ tục vì kiện hàng bị phát hiện có tiền mặt bên trong thùng quà. Sau đó, nhân viên chuyển phát nhanh này tiếp tục yêu cầu chị Vân nộp thuế 10% giá trị thùng quà (tương đương 8.000 USD). Tính đến ngày biết mình bị lừa, chị Vân đã chuyển cho đối tượng lừa đảo số tiền 172 triệu đồng.

Tiếp nhận thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, Nguyễn Minh Thi (ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Oshanugor James Anyasi chính là hung thủ gây án.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Minh Thi khai nhận, ả từng du học tại Malaysia và quen với một số đàn ông quốc tịch Nigieria như Oryewhere Christian Karie và Oriame Orias Ehis. Năm 2012, Thi về Việt Nam rồi liên hệ bàn bạc với các đối tượng để lừa đảo phụ nữ Việt Nam bằng cách kết bạn qua mạng Internet. Hai đối tượng người Nigieria chịu đóng vai những người đàn ông ngoại quốc giàu có lên mạng làm quen với các phụ nữ.

Sau khi trò chuyện thân thiết, chúng ngỏ ý tặng quà cho các phụ nữ mới quen này. Chúng còn đưa cho bị hại địa chỉ website một công ty chuyển phát nhanh với đầy đủ thông tin để khiến họ không nghi ngờ. Ở trong nước, Thi đóng vai trò nhân viên hải quan và chuyển phát nhanh. Trong số tiền lừa được, Thi lấy 25% và nhóm người nước ngoài lấy 75%.

Sau đó, Thi lại quen với Oshanugor James Anyasi và cho đối tượng này cùng tham gia nhóm. Oshanugor James Anyasi cung cấp cho Thi số tài khoản của Lê Thị Diệu Thiên để bị hại chuyển tiền và gã xin 15% hoa hồng. Oshanugor James Anyasi còn cung cấp cho Thi tài khoản của Mè Thị Hường. Khi tiền vào tài khoản, Hường chỉ được hưởng 5%.

Tại cơ quan công an, Mè Thị Hường khai đã quen và yêu Oshanugor James Anyasi khi sinh sống tại một tỉnh phía Nam. Sau khi chia tay, Hường về Hà Nội làm nhân viên massage. Cả hai vẫn thương liên lạc và Oshanugor James Anyasi đề nghị Hường mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền.

Ăn quả đắng vì mê trai Tây…!

Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định, bằng thủ đoạn lừa đảo như trên, từ năm 2012 đến nay, các đối tượng còn gây ra 13 vụ chiếm đoạt tài sản của hàng chục phụ nữ từ Bắc vào Nam.

Điển hình, đầu năm 2012, chị Lương Thị Mai (ở Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam) nhận được thư của một người Hà Lan tên là Ryan Bommel hỏi về thông tin du lịch tại Việt Nam. Qua vài lần trao đổi, Ryan nói rằng có việc sang Đức, không muốn mang nhiều hành lý nên muốn gửi sang Việt Nam trước và nhờ chị Mai nhận giúp. Vài ngày sau, một người phụ nữ tên Thi gọi cho chị Mai, nói là nhân viên hải quan Sân bay Nội Bài, đề nghị chị Mai nhận hàng. Ryan đã chat, nhờ chị Mai nộp giúp 650 USD lệ phí và nói sẽ trả sau. Tin lời, chị Mai chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu mà nhân viên hải quan nói rằng sẽ chuyển hàng vào Quảng Nam ngay hôm sau.

Tuy nhiên, đến hẹn, nhân viên kia thông báo trục trặc vì hàng bị phát hiện có nhiều tiền mặt. Chị Mai liên hệ với Ryan thì người đàn ông ngoại quốc cho hay, anh đã để nhầm ví tiền có 38.000 USD trong lô hàng. Chị Mai tiếp tục chuyển cho người tên Thi 20 triệu đồng. Người này tiếp tục gọi điện yêu cầu nộp thêm 1.500 USD nữa, lúc này chị Mai nghi ngờ bị lừa nên không chuyển tiền nữa.

Cũng trong năm 2012, chị Trương Thị Huyền Chinh (ở TP. Nha Trang, Khánh Hòa) quen một người Anh có tên Richie Hopkin. Richie làm nghề xây dựng và muốn nhờ chị Chinh hỏi thông tin bất động sản tại Nha Trang để đầu tư. Sau một thời gian, chị Chinh tìm được một mảnh đất giá 600.000 USD cho Richie. Người này nói rằng sẽ chuyển khoản từ nước ngoài về cho chị Chinh và nhờ chị thanh toán phí thông quan là 1.100 USD.

Nhiều phụ nữ Việt Nam mê trai Tây giàu có nên lên mạng làm quen.

Sau khi gửi tiền, chị Chinh lại được nhân viên chuyển phát nhanh liên hệ yêu cầu gửi thêm 4.000 USD mới giải quyết được khoản tiền từ nước ngoài chuyển về. Richie liên lạc với chị Chinh nói rằng có 2 người Malaysia sẽ sang Việt Nam giao dịch thay ông ta. Ông ta nhờ chị Chinh chuyển trước cho người Malaysia hơn 3.000 USD. Đến Việt Nam, đối tượng lại đòi phải gửi thêm 4.000 USD nữa. Lúc này chị Chinh mới biết mình bị lừa.

Tháng 6/2012, thông qua mạng Internet, chị Lâm Thị Hoài Khanh (ở phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh) làm quen với một người đàng ông mang quốc tịch Anh có tên Ryan Bomel. Sau một thời gian nói chuyện qua lại, Ryan ngỏ lời yêu và muốn kết hôn với chị khi công tác tại Việt Nam. Ryan cũng nhờ chị Khanh chuẩn bị 1.200 USD để đóng phí cho công ty chuyển phát nhanh.

Khoảng một tuần sau chị Khanh nhận được một cuộc điện thoại của một người phụ nữ tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh thông báo có lô hàng được chuyển cho chị. Bên trong bưu phẩm là ngoại tệ. Để lấy được hàng, chị Khanh phải nộp khoản phí là 2.500 USD. Thấy vậy, chị Khanh lên mạng nói chuyện với Ryan thì được đề nghị chuyển trước một phần tiền để nhận hàng và sẽ thương lượng lại sau.

Ngày 12/11/2012, chị Khanh nộp 1000 USD vào tài khoản đối tượng cung cấp. Nữ nhân viên tiếp tục gọi cho chị Khanh yêu cầu phải chuyển đủ số tiền. Chị Khanh đề nghị Ryan cung cấp thông tin công ty chuyển phát nhanh để nhờ bạn can thiệp thì Ryan lập tức cắt liên lạc.

Cũng giống như các nạn nhân trên, chị Lộc Thị Mộng Thủy (ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bị một người xưng là John Terry (quốc tich Anh) kết bạn, gửi quà và lừa mất khoảng 3.000 USD. Một phụ nữ tên Hoài tại quận 3, TP. HCM được người có tên Ryan Bomel (quốc tịch Anh) kết bạn, ngỏ lời yêu đương và muốn kết hôn. Hậu quả, chị Hoài bị lừa mất 1.000 USD.

Đến tháng 7 này, cơ quan công an vẫn nhận được trình báo của một phụ nữ ở phố Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội bị một người Nigeria lừa mất 24.000 USD.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc